Đẩy mạnh phát triển Cảng biển nước sâu Trần Đề
Ông Trần Văn Lâu, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, Sóc Trăng có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển và ven biển. Tỉnh có bờ biển dài 72 km, đứng thứ ba khu vực ĐBSCL (sau Cà Mau và Kiên Giang). Sóc Trăng có diện tích tự nhiên khoảng 3.298 km², dân số 1,2 triệu người. Quy mô nền kinh tế (GRDP) khoảng 3 tỉ USD. Khu vực I chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế với 41%, khu vực II chiếm 15%, khu vực III chiếm 40%. Tỉnh đang tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp với động lực chính là Cảng biển nước sâu Trần Đề.
Theo quy hoạch vùng ĐBSCL và quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thông qua, Sóc Trăng đang hội tụ rất nhiều lợi thế cạnh tranh, điều kiện thuận lợi để thu hút, triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành như: nông nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch…
Sóc Trăng có một số sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng như gạo ST25, hành tím Vĩnh Châu... Trong đó, gạo ST25 được thị trường rất ưa chuộng và đoạt giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới. Đặc biệt, Cảng biển nước sâu Trần Đề, cùng dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi… đang trong quá trình xây dựng sẽ hình thành nên mạng lưới giao thông đồng bộ, khơi thông dòng chảy tiêu thụ nông sản.
"Với lợi thế được quy hoạch, Cảng biển nước sâu Trần Đề, Sóc Trăng sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế của khu vực ĐBSCL. Vì vậy, tỉnh đang kêu gọi đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng theo định hướng phát triển đô thị thông minh, xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác lợi thế hành lang ven sông Hậu, kết nối khu vực kinh tế biển, từng bước đô thị hóa các huyện Trần Đề, Long Phú", ông Trần Văn Lâu thông tin.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp an tâm đầu tư
Ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, có 122 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn Sóc Trăng. Trong đó, có 21 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 23.429 tỉ đồng. Trong số này, có 10 dự án đã hoạt động và 10 dự án đang triển khai thủ tục. Như vậy, Sóc Trăng đã thu hút được khoảng 1 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài, đây là con số rất quan trọng trên chặng đường phát triển mới của tỉnh.
Cũng theo ông Tâm, Sóc Trăng đã thành lập tổ công tác giúp tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo quy định. Trong năm 2023, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức 10 lần gặp gỡ, họp mặt và tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn để nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, bao gồm 2 buổi họp mặt, 1 buổi gặp mặt đại diện một số doanh nghiệp, 2 buổi tiếp xúc trực tiếp tại doanh nghiệp và 5 buổi gặp gỡ, ăn sáng định kỳ. Đây là hoạt động có ý nghĩa của lãnh đạo và cơ quan chức năng của tỉnh, được cộng đồng doanh nghiệp và dư luận đánh giá cao. Sau các buổi họp mặt, gặp gỡ, UBND tỉnh đều ban hành văn bản chỉ đạo, phân công cụ thể các sở, ngành, địa phương giải quyết cho doanh nghiệp từng việc cụ thể, giúp cộng đồng doanh nghiệp an tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.
"Năm 2024, với bước khởi đầu thuận lợi, khi quy hoạch của tỉnh được thông qua, tôi tin rằng Sóc Trăng sẽ sớm trở thành điểm hẹn cho sự thành công của các nhà đầu tư. Đây là thời điểm có tính chất bước ngoặt, bởi nhiều dự án hạ tầng quan trọng như: tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi đã được khởi công, tỉnh cũng đã có các bước xúc tiến kêu gọi đầu tư vào Cảng biển nước sâu Trần Đề… Đây là cơ hội lớn, hội đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để tỉnh bứt phá, vươn lên trong năm 2024 và những năm tiếp theo", ông Trần Khắc Tâm chia sẻ.
Bình luận (0)