* Bác sĩ Trịnh Tất Thắng: Người phê thuốc lắc thường có biểu hiện lắc lư, quơ tay, múa chân theo nhạc...
(TNO) Clip về cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Huy Hoàng trong trạng thái không bình thường sau khi gây tai nạn giao thông tại Thanh Hóa vào ngày 7.9 đang khiến dư luận "dậy sóng".
*** Xem video clip trung vệ Huy Hoàng trong trạng thái không bình thường sau khi gây tai nạn
>> Huy Hoàng chỉ say rượu chứ không “phê thuốc” ?
>> Cầu thủ Huy Hoàng “phê thuốc” khi điều khiển ô tô?
>> Cầu thủ... "phê - bay - lắc" đủ loại
|
Kể từ sau khi thế hệ Văn Sỹ Hùng, Nguyễn Hữu Thắng giải nghệ, Huy Hoàng nổi lên như một thủ lĩnh mới tại Sông Lam Nghệ An (SLNA). Không chỉ đóng vai trò quan trọng ở hàng thủ, cầu thủ 31 tuổi còn là điểm tựa tinh thần cho các đồng đội trẻ.
Chính vì vậy, việc Huy Hoàng gây ra vụ việc tại Thanh Hóa đã khiến dư luận bị sốc. Sau khi Thanh Niên đưa tin về vụ việc nói trên, đã có nhiều bạn đọc bày tỏ ý kiến của mình.
"Muốn biết có phê thuốc hay không thì thử nhanh là biết liền chứ gì? Khi công an bắt những thanh niên trong vũ trường thì thường thử nhanh để phát hiện có sử dụng thuộc kích thích hay không. Trả lời của Công an Thanh Hóa là chưa thỏa đáng... Phê ma túy còn nguy hiểm hơn là say rượu khi điều khiển phương tiện giao thông", bạn đọc bac2650 viết.
Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc levantai cho rằng: "Cơ quan chức năng phải xử lý thật nặng cầu thủ này, với hành động say rượu hay phê thuốc lắc như vậy mà tham gia giao thông là cực kỳ nguy hiểm cho người khác".
|
Trong khi đó, trên diễn đàn của cổ động viên SLNA (www.diendan.slna-fc.com) đã có khá nhiều lời bình luận liên quan Huy Hoàng. Đa số tỏ ra thất vọng với hành động của cầu thủ này.
"Không thể ngờ được, nhưng đó là sự thật. Buồn!", thành viên Kythu688 viết. "Buồn thay số phận một tượng đài", là tâm sự của thành viên Pháo sáng. "Buồn cho Huy Hoàng quá. Xem clip xong tôi không tin vào mắt mình nữa. Cái này là phê thuốc rồi còn gì", thành viên Congtysaigon280 viết.
Trong khi đó, thành viên kieubuon đặt nghi vấn: "Huy Hoàng giờ cũng hết thời rồi. Tiếc cho anh là không giữ được mình để làm gương cho thế hệ trẻ".
* Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM: "Phê thuốc" hay "say thuốc" là cách nói nôm na trong dân gian chỉ người ở trạng thái đang bị ảnh hưởng của những loại thuốc gây nghiện, thuốc kích thích. Thuốc gây nghiện có nhiều loại, từng loại có tác dụng khác nhau, đồng thời tùy vào thể trạng, tính cách của mỗi người nên người “phê thuốc” có những trạng thái "phê thuốc" khác nhau. Nhưng bác sĩ Thắng cho biết, nhìn chung, các thuốc gây nghiện, kích thích sẽ gây ra các trạng thái: về tinh thần, tâm thần thay đổi; ý thức về thực tế, thế giới xung quanh giảm (khi “phê thuốc”, người đó hầu như không nhận biết, ý thức được thế giới xung quanh, thực tế những gì đang diễn ra); người có cảm giác lâng lâng, sung sướng, nỗi buồn và những lo toan tan biến; bị ảo giác, có khi nhìn thấy cảnh vật thần tiên. Thuốc tác dụng lên tinh thần, não bộ đồng thời chi phối về hành vi, gây hưng phấn. Tác dụng của thuốc làm cho hành vi xung động tăng, bản năng tình dục tăng, trạng thái tinh thần đê mê. Đối với thuốc lắc thì người “phê thuốc” có biểu hiện hưng phấn, dễ hòa đồng, dễ bị kích thích từ các yếu tố bên ngoài như âm thanh, ánh sáng, lắc lư, quơ tay, múa chân theo nhạc... Đặc biệt, người “phê thuốc” không kiểm soát được hành vi (hành vi tự động). Thế nên khi đang “phê’ người đó có biểu hiện làm những hành vi bộc phát, vô nghĩa, có những cử chỉ, hành động mà không biết mình làm gì. Thậm chí, trong cơn mê có thể đâm chém, giết người nên khi “phê thuốc” rất dễ sinh ra các hành vi nguy hiểm, khó lường. “Phê thuốc” là trạng thái thần kinh bị kích thích. Trong khi đó, say rượu là trạng thái thần kinh bị ngộ độc do nồng độ cồn trong cơ thể quá cao”, bác sĩ Thắng phân tích. Như thế, bác sĩ Thắng so sánh biểu hiện của người say rượu có sự khác biệt về cơ bản với “phê thuốc” là khi say rượu cơ thể cũ rũ cù rù, đi đứng loạng choạng, nói năng lè nhè; khi quá say (nồng độ cồn trong máu quá cao) thì cơ thể mỏi nhừ, nằm chèo queo ngủ, thậm chí là hôn mê. Đặc biệt, người say rượu mặt đỏ và có nồng nặc mùi rượu nên rất dễ nhận biết. Viên An (ghi) |
Tân Lam
Bình luận (0)