Đạt số lượng gần 1,5 triệu máy chỉ trong tuần đầu tiên ra mắt, phá kỉ lục kinh doanh console tại Nhật Bản, thậm chí trở thành sản phẩm bán chạy nhất trong lịch sử Nintendo tại thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ, tuy nhiên, thiết bị chơi game "lai" Nintendo Switch chưa chắc đã mang lại lợi nhuận khủng cho hãng sản xuất.
Theo những công bố từ Fomalhaut, chi phí để sản xuất hoàn chỉnh một chiếc Nintendo Switch rơi vào khoảng 257 USD, so với giá bán trung bình của sản phẩm trên toàn cầu là 299 USD. Tất nhiên, khoản lợi nhuận 42 USD này Nintendo không thể hưởng trọn, mà phải cắt xén cho các đơn vị phân phối, các nhà bán lẻ, chi phí truyền thông, cùng vô vàn những khoản tốn kém "rồng rắn" khác.
Vì lẽ đó, Nintendo không ít lần chia sẻ trên mặt báo rằng phương châm kinh doanh của họ chỉ là "tránh lỗ", khác với việc phân phối Nintendo Wii trước đây.
Tương tự, PS4 của Sony khi mới ra mắt vào năm 2013 được niêm yết ở mức giá 399 USD, nhưng phí sản xuất bị đội lên đến tận 381 USD, đồng nghĩa với việc hãng sản xuất phải chịu lỗ khủng khiếp trên mỗi chiếc máy bán ra. Bù lại, vào thời điểm đó PS4 đã tạo được cách biệt khổng lồ về cấu hình máy so với một bộ phận không hề nhỏ người dùng PC, đó là chưa bàn đến số lượng bán ra vượt mặt hoàn toàn các đối thủ cùng phân khúc.
Mới đây, Xbox Scorpio - vừa được hé lộ cấu hình vào tuần trước - cũng đã khiến giới công nghệ choáng váng vì sức mạnh phần cứng quá khủng. Theo định giá của một số chuyên gia, mức phí sản xuất ra thiết bị này chắc chắn sẽ đắt nhất trong lịch sử console, đồng nghĩa với việc Microsoft khó có thể bán Scorpio dưới mốc 450 USD, thậm chí "cán" luôn con số tử thần 499 USD. Và cho dù trường hợp này có xảy ra thật, Microsoft cũng không thể "bơi trong biển tiền" dù cho doanh số Scorpio có đạt kỷ lục.
Nếu so sánh phần trăm lợi nhuận, các thiết bị console đạt hiệu quả kinh doanh thấp hơn một số thương hiệu điện thoại di động, kém xa PC, linh kiện nội/ngoại vi chuyên dành cho game, thậm chí còn thấp hơn cả... chính bản thân các đầu game (do các kênh phân phối điện tử đang ngày càng lớn mạnh, giảm thiếu chi phí rất lớn cho các nhà phân phối game).
Vậy, tại sao các ông lớn công nghệ phải đua nhau giảm giá thành console để tăng tối đa số lượng máy bán ra, và họ thu lời như thế nào trước những canh bạc kinh doanh "tránh lỗ" này?
Khá thực tế: bất kỳ một trò chơi nào xuất hiện trên hệ console, đều phải chi trả cho hãng sản xuất một phần lợi nhuận nhất định trên mỗi ấn phẩm game bán ra (cả phiên bản số lẫn đĩa game).
Lấy ví dụ trên hệ máy PS3 trước đây, theo thống kê có khoảng gần 1.300 đầu game được phát ở dạng đĩa (không tính các trò chơi chỉ xuất hiện ở dạng tải về). Tùy theo sự thành công thương mại của từng trò chơi, mà số lượng bán ra của mỗi game có thể dao động ở hàng ngàn, đến chục ngàn hay thậm chí vài trăm ngàn bản. Một số trường hợp cá biệt như God Of War 3 đã đạt đến đến con số hàng triệu. Và, tất cả các ấn phẩm bán ra này đều phải chịu một khoản phí chia sẻ với Sony.
Hiện tại, con số lợi nhuận chia sẻ giữa những hàng làm game và đơn vị sở hữu console vẫn chưa được xác định rõ ràng, và có thể phụ thuộc vào từng trường hợp thỏa thuận khác nhau. Nhưng chắc chắn, đó phải là khoản lợi vô cùng "béo bở", mới có thể tiếp sức cho các ông lớn công nghệ liên tục chạy đua, chịu lỗ chi phí sản xuất, luôn luôn sẵn sàng tham chiến vào mặt trận console đã kèo dài hàng chục năm qua.
Bình luận (0)