Cơn bão truyền thông mang tên SofM “quét sạch” MDCS 2016
Ngày 18.5.2016, SofM có mặt tại sân bay Nội Bài và bắt đầu chuyến du đấu sang Trung Quốc. Cũng tại thời điểm này, gần như tất cả các trang tin game tại Việt Nam đều đồng loạt thay đổi chiến lược nội dung tin bài Liên Minh Huyền Thoại, “đua” hết tốc lực để bắt kịp với nhu cầu thông tin khổng lồ của độc giả.
Hình ảnh SofM đang có mặt tại sân bay Nội Bài xuất hiện trên fanpage ngày 18.5.
Từ khóa “SofM sang Trung Quốc” thống trị bộ tìm kiếm trong mảng tin Liên Minh Huyền Thoại, người hâm mộ lùng sục tất cả những gì có liên quan đến thần đồng người Việt. Từ việc anh chàng hạ cánh tại sân bay thế nào, ăn ở ra sao, có nhớ nhà hay không, được phía Trung Quốc đối đãi những gì… đều trở thành những bảng tin “hot”, thu hút lượng người đọc khổng lồ.
SofM và các đồng nghiệp người Trung Quốc trong đội Snake eSports trở thành từ khoá tìm kiếm trên mạng.
Chớp mắt, cuộc phiêu lưu của SofM tại LPL trong màu áo Snake eSports đã đồng hành cùng người hâm mộ suốt hơn hai tháng, mỗi trận đánh, mỗi sự kiện liên quan đến SofM đều mang lại những tác động truyền thông vô cùng lớn.
Ngay giữa tâm bão SofM ấy, bỗng chúng ta giật bắn mình với câu hỏi: ngoài SofM, nền Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam đang ra sao rồi?
Giải đấu LMHT quốc nội bị 'lu mờ' dần.
Chưa bao giờ, hệ thống giải đấu quốc nội của Liên Minh Huyền Thoại Việt lại thể hiện bộ mặt ảm đảm và “buồn” như thế, trong suốt nhiều năm liền vận hành bền bỉ. MDCS 2016 vẫn có những đường nét khiến khán giả chú ý, như sự thành công của chú ngựa ô ZOTAC Mon Gaming, phong độ thi đấu chệch choạng của Gigabyte Marines, tốc độ xoay chuyển nhân sự “chóng mặt” của Saigon Jokers…
Tuy nhiên, giải đấu vẫn trôi qua một cách mờ nhạt, đến nỗi khi vòng Play-off đã gần kề, khán giả mới giật mình nhận ra rằng giải đấu quốc nội quan trọng số một này đã sắp kết thúc.
[mecloud]eDZ8pK2Z8Y[/mecloud]
Trailer vòng Play-off MDCS 2016
Có thể thấy rõ ngay, chỉ một mình SofM đã có thể “đè chết” MDCS 2016 về mức độ hiệu quả truyền thông, tác động cộng đồng. Người hâm mộ có thể bỏ hàng giờ để ngồi xem live stream các trận đấu của SofM từ một kênh tiếng Trung chất lượng thấp, lùng sục các bài viết và hình ảnh của SofM từ khắp các kênh thông tin, nhưng lại không dành sự quan tâm lớn cho diễn biến của giải quốc nội. Nếu có, cũng chỉ để tâm đến những câu chuyện “scandal” về cày thuê, vạ miệng…
"Hiện tượng SofM" còn khiến giới truyền thông Trung Quốc hao tổn giấy mực.
Đâu là nguyên nhân?
Khác với bộ mặt thể thao điện tử Việt của nhiều năm về trước, giờ đây, người hâm mộ Liên Minh Huyền Thoại nước nhà có hàng trăm sự lựa chọn về kênh truyền thông để theo dõi, bám sát các sự kiện mà mình quan tâm nhất. Từ các kênh báo chí chính thống, các trang tin game, cho đến mạng xã hội… đều hội tủ đủ các điều kiện để biến mình thành một đơn vị truyền thông Liên Minh Huyền Thoại chất lượng.
Đã từng có thời các giải đấu LMHT trong nước nhận được sự quan tâm của cộng đồng game thủ.
Chính tính chất đa dạng này đã trao cho khán giả quyền được lực chọn, chọn lọc, và đôi khi nằm ngoài sự định hướng của các đơn vị tổ chức thể thao điện tử, chẳng hạn như VED.
Trong bối cảnh đó, các sự kiện thể thao điện tử sẽ được trả về thực chất, sự kiện nào có tính hấp dẫn tự nhiên, sẽ “thống trị” và dễ dàng kéo trọn mọi sự chú ý của cộng đồng game thủ yêu thích eSports. Tất nhiên, đi kèm là sự trợ lực của hàng trăm kênh truyền thông tự định hướng nội dung một cách “tự nhiên” tương tự.
Phải chăng chất lượng chuyên môn ngày càng giảm sút, khiến người xem ngoảnh mặt với giải đấu LMHT trong nước?
Ở trường hợp này, chính là SofM “đối đầu” các hoạt động giải đấu, sự kiện chính thống của VED.
VED đang có xu hướng định hình việc phát triển thể thao điện tử nói chung, cũng như Liên Minh Huyền Thoại nói riêng, theo một vòng sinh thái khép kín. Đơn vị lớn thứ 2 ngành game Việt này độc lập từ khâu phát hành game, vận hành sản phẩm, phân phối nền tảng phòng máy… như cách làm thường thấy của ngành. Đặc biệt, VED là một trong những đơn vị hiếm hoi có được những kênh truyền thông ngành game khá hiệu quả.
Tuy vậy, những kênh truyền thông này dù tập trung hỗ trợ mạnh cho các giải đấu quốc nội như MDCS 2016, cũng không thể đạt được độ “phủ sóng” mà gần như tất cả các trang tin, báo game tại Việt Nam đang làm đối với SofM.
Sự “bỏ rơi” này hoàn toàn xuất phát một cách tự nhiên, do nhu cầu quá lớn của độc giả như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, cũng không thể không nói đến sự liên kết, phối hợp mỏng manh giữa VED và các kênh truyền thông ngành game khác.
Cần thắp lên những “ngọn lửa” mới
Trở ngược về thời điểm chỉ 1-2 năm về trước, game thủ có thể kể làu làu những pha highlight của QTV, Archie, say sưa bàn tán về pha pentakill của Minas, nhớ mãi những chiêu trò đầy biến ảo của tập thể Saigon Jokers trẻ trung.
Giờ đây, tìm hiểu cặn kẽ hành trình bứt tốc của ZOTAC Mon Gaming đã khó, nắm giữ lý lịch các tuyển thủ đang thi đấu tại MDCS 2016 thậm chí còn khó hơn. Sẽ không ngạc nhiên nếu trong vòng thi đấu Play-off sắp tới, nhiều game thủ sẽ truyền tai nhau câu hỏi “họ là ai vậy?”, khi chứng kiến đội hình thi đấu của 4 đội tuyển tham dự.
Tình trạng này đã và đang làm giảm những giá trị thật chất của MDCS 2016 – giải đấu từ lâu được xem như cuộc cạnh tranh quốc nội hàng đầu, là đấu trường chất lượng và hấp dẫn bậc nhất. Người hâm mộ sẽ hồ hơi đón chờ những thông tin của SofM, và sẵn sàng “bỏ rơi” chính cái sân chơi mà “thần tượng” của mình đã trưởng thành.
Những chuyển biến gần đây của nền LMHT Việt không đạt được sự quan tâm như trước
Nếu ngọn lửa nhiệt huyết của cộng đồng Liên Minh Huyền Thoại đối với giải quốc nội trở nên nguội lạnh, một ngày nào đó, các giải đấu này sẽ không còn trở thành mục đích phấn đấu của những đội tuyển/tuyển thủ Việt. Và một khi tầm ảnh hưởng đã bị giảm sút, tính ổn định, chất lượng, tiềm năng… của giải cũng khó lòng được cải thiện.
Chúng tôi xin được dẫn lời game thủ xRedx - gắn bó với Liên Minh Huyền Thoại từ ngày game mới ra mắt - để kết thúc bài viết: "Niềm đam mê Liên Minh Huyền Thoại chân chính thì không dễ gì lay chuyển, nhưng thật sự mối quan tâm của mình đối với các giải quốc nội đã ít đi nhiều. Thay vào đó, mình vẫn luôn dõi theo các bước tiến của SofM, không chỉ vì cậu ta mang lại niềm tự hào cho người Việt ở đấu trường quốc tế, mà hành trình ấy hấp dẫn, nhiều cái thú vị để xem hơn MDCS 2016. Nhưng trong thân tâm, mình vẫn mong giải quốc nội của chúng ta sẽ sớm trở về thời kỳ hoàng kim trước đây, vì nếu cứ cái đà này, những game thủ giỏi như SofM sẽ không thiết tha gì việc ở lại và thi đấu cho các đội tuyển quê nhà nữa".
Theo thống kê các chỉ số về lưu lượng độc giả do Thanh Niên Game thực hiện, mối quan tâm của người dùng về MDCS Mùa Hè 2016 và Coca-Cola Championship Mùa Xuân 2016 đều giảm so với những giải đấu quốc nội của năm 2015. Lưu lượt truy cập của các thông tin này đạt 60% hiệu suất trung bình của các bài viết cùng đề tài. Mặt khác, những thông tin về SofM đạt mức lưu lượng truy cập gấp 8 đến 10 lần, so với các thông tin về giải đấu quốc nội trong cùng thời điểm và điều kiện đăng tải. Đáng chú ý, thống kê từ bộ tìm kiếm cho thấy, độc giả bày tỏ sự quan tâm đến khá nhiều khía cạnh bên lề của loạt giải đấu quốc nội do VED tổ chức, nhưng hầu như các từ khóa này đều không được các trang tin game trong nước khai thác. Hiện nay, dù đã sát ngày thi đấu chính thức, mức độ quan tâm/tìm kiếm của độc giả về giải đấu MDCS 2016 vẫn chưa có dấu hiệu tăng. |
Bình luận (0)