Soi danh mục cắt giảm sắm tết của người tiêu dùng

Nguyên Nga
Nguyên Nga
20/01/2024 06:19 GMT+7

Những mặt hàng như bia rượu, áo quần, giày dép... đã từng là nhóm hàng thiết yếu vào mỗi dịp xuân về tết đến nhưng năm nay lại được nhiều người đưa vào danh sách ưu tiên cắt giảm.

Bia rượu đứng đầu danh mục

"Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn đến tận thôn, xã, đi chúc tết thời nay ai dám uống bia mà mua cô ơi", anh Trần Q.Khởi, trưởng một thôn ở Thừa Thiên-Huế, nói đùa khi được hỏi đã mua bia để mời khách 3 ngày tết chưa. "Thường mọi năm, gia đình đều mua một thùng nước ngọt cho mấy đứa trẻ vui với bạn bè, một thùng bia mời bà con làng xóm ghé chúc tết và cùng gia đình cúng đưa ông bà. Năm nay thì cắt hết, một phần do thu nhập trong nhà giảm sút, ngó quanh thấy bà con chòm xóm cũng khó khăn nên nhịn miệng vậy. Bia rượu cũng không phải là mặt hàng quá thiết yếu, cắt cũng không sao", anh Khởi bộc bạch.

Soi danh mục cắt giảm sắm tết của người tiêu dùng- Ảnh 1.

Người dân giảm mua sắm hàng không thiết yếu trong mùa tết

NHẬT THỊNH

Doanh số bia của đại lý bán năm qua giảm khoảng 35 - 40%. Năm qua nhiều quán ăn đóng cửa, rồi khách mua lẻ cũng giảm nên doanh số giảm. Thường mọi năm, tháng cận tết là giá bia tăng. Năm nay thậm chí còn giảm giá, khuyến mãi nữa nhưng người mua vẫn thưa thớt.

Bà Hồ Thị Loan (chủ đại lý bia trên đường Lạc Long Quân, Q.Tân Bình, TP.HCM)

Việc cắt bia rượu ra khỏi danh mục mua sắm tết như gia đình anh Khởi không phải cá biệt. Rất nhiều người khi được hỏi mua sắm rượu bia để mời khách 3 ngày tết đều lắc đầu nói chưa có kế hoạch. Anh Trương Quang Ka (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay mọi năm cứ gần tết phải lo sắm vài thùng bia bỏ trong nhà để "lai rai" với bạn bè, người thân. Năm nay, bia rượu bị loại khỏi danh sách hàng hóa ưu tiên mua sắm. Anh Ka nói: "Phần lớn thời gian của tết này là dành cho gia đình, có thể cùng cả nhà du xuân lên vùng Tây nguyên. Nếu vậy thì càng không có nhu cầu mua sắm tết nhiều, bia rượu càng không".

Khách ít mua bia rượu, người bán cũng ngưng nhập. Chị Lê Pha, Giám đốc Công ty TNHH TM và DV N.Q (Biên Hòa, Đồng Nai), cho biết mọi năm công ty nhập khẩu rượu vang làm hộp quà bán dịp tết. Trước dịch Covid-19, trung bình mỗi năm bán được khoảng 4.000 - 5.000 hộp, chủ yếu do các doanh nghiệp mua làm quà biếu tết. Tuy nhiên, 2 năm đại dịch, sản lượng giảm đến 50% và đến mùa Tết Nguyên đán 2024, công ty chính thức ngưng không kinh doanh mặt hàng rượu làm quà biếu nữa. "Từ tháng 10 - 11.2023, công ty có chào hàng nhưng 100% khách hàng từ chối, nên chúng tôi quyết định không nhập nữa", chị Lê Pha cho hay.

Tiểu thương rộn ràng livestream bán hàng trong phiên chợ Xuân nghĩa tình

Bà Hồ Thị Loan, chủ đại lý bia trên đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình, TP.HCM), thừa nhận: Đến giờ này, hầu như chưa thấy khách hỏi mua bia tết, đây là mặt hàng có doanh thu sụt giảm nhất của đại lý trong số các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng. "Doanh số bia của đại lý bán năm qua giảm khoảng 35 - 40%. Khách hàng của tôi chủ yếu là các quán ăn, hộ gia đình, năm qua nhiều quán ăn đóng cửa, rồi khách mua lẻ cũng giảm nên doanh số giảm. Thường mọi năm, tháng cận tết là giá bia tăng. Năm nay thậm chí còn giảm giá, khuyến mãi nữa nhưng người mua vẫn thưa thớt", bà Loan thở dài và cho biết thêm đại lý đang khuyến mãi giảm giá trực tiếp để hút khách. Chẳng hạn, bia Budweiser giá cũ 447.000 đồng/thùng 24 lon, phiên bản tết 2024 bán giá 430.000 đồng/thùng, giao miễn phí; Heineken cũng giảm từ 420.000 đồng xuống 388.000 đồng/thùng; Carlsberg mua thùng 300.000 đồng, đại lý tặng thêm hộp bánh… Đây là điều hiếm khi xảy ra trên thị trường, vì trước đây bia thường tăng giá, thậm chí khan hàng vào dịp tết.

Ngành bia rượu VN đã có một năm 2023 đầy khó khăn khi chứng kiến sự sụt giảm chưa từng thấy. Theo báo cáo của Vietdata, năm 2022 VN trở thành quốc gia đứng đầu khu vực ASEAN và thứ ba châu Á trong tiêu thụ bia với khoảng 3,8 triệu lít/năm. Qua năm 2023, ngành bia chứng kiến lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh. Hai thương hiệu bia nổi tiếng là Sabibeco và AB Inbev đều báo lỗ lần lượt 17 tỉ đồng và 170 tỉ đồng. Thời điểm này, đã sát Tết Nguyên đán nhưng không còn cảnh mua bán nhộn nhịp, khan hàng, sốt giá thường thấy trước đây.

Theo Hiệp hội Nước giải khát bia rượu VN, ngành công nghiệp đồ uống của VN hiện trong giai đoạn rất khó khăn. Doanh số bán bia giảm 10 - 20%, trong khi giá nguyên vật liệu tăng đến 50%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn khiến sức mua giảm. Ngoài ra, nhà nước cũng đang siết chặt quy định về nồng độ cồn của người tham gia giao thông khiến việc tiêu thụ bia rượu cũng giảm theo.

Giảm mua sắm đồ mới

Sắm quần áo mới dịp tết cũng là thói quen được nhiều gia đình duy trì với ý nghĩa bỏ cái cũ, chào đón cái mới. Thế nhưng năm nay, nhiều người cũng quyết định cắt giảm. Chị Mai Nguyên (ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM), làm việc trong ngành truyền thông, cho biết sẽ không sắm quần áo mới để chưng diện tết vì lương thưởng đều giảm mạnh trong khi nhiều khoản chi tiêu cố định không thể cắt. "Tết về quê với gia đình, chủ yếu loanh quanh ở nhà, cũng không cần sắm sửa đồ mới trong khi tiền bạc không mấy xông xênh. Hơn nữa, bản thân đã có chủ trương chi tiêu dè sẻn hơn để dành cho những kế hoạch tương lai", chị Nguyên nói.

Soi danh mục cắt giảm sắm tết của người tiêu dùng- Ảnh 2.

Một quầy thời trang vắng khách ngày cuối tuần

TẤN ĐẠT

Chị Lê Thị Hoa (ngụ Q.1, TP.HCM), nhân viên công ty xuất nhập khẩu, cho biết mọi năm vào dịp này, văn phòng của chị với hơn 10 nữ nhân viên trẻ rộn ràng mua sắm. "Mua đồ đẹp, hẹn nhau đi chụp ảnh… gần như thành truyền thống của chúng tôi. Năm nào chúng tôi cũng có vài bộ ảnh xuân từ đầu tháng chạp. Thế nhưng, đến nay chưa thấy ai động tĩnh gì cả. Thu nhập giảm mạnh, thưởng đến lúc này chưa biết có hay không. Gia đình tôi 4 người vẫn đang cân nhắc việc về quê thăm ông bà dịp tết vì giá vé máy bay cao quá. Riêng tiền vé về Hải Phòng cả gia đình 4 người đã hơn 45 triệu đồng. Vé phổ thông hết từ hơn 1 tháng rưỡi trước, trong khi lịch nghỉ tết của cả 2 vợ chồng mới có từ đầu tháng. Có lịch nghỉ rồi mới quyết định đặt vé thì giá vé đã nhảy lên 5,7 triệu đồng/vé. Vì thế, tôi chưa có kế hoạch mua sắm bất cứ cái gì. Đến đâu tính đến đó", chị Hoa cho biết.

Khảo sát bỏ túi của chúng tôi cho thấy khoản quần áo mới dịp tết bị cắt triệt để ở người lớn, một số gia đình thì vẫn duy trì mua đồ tết cho con cái nhưng cũng chọn hàng vừa túi tiền, mua sắm giới hạn, không "xả láng" như trước.

Không chỉ người bị giảm thu nhập mới giảm mua sắm, ngay cả những người "xông xênh" hơn, vẫn có tâm lý lọc bớt những mặt hàng không thiết yếu, trong đó bia rượu và quần áo là ưu tiên hàng đầu. Anh Trương Quang Ka cho hay quần áo anh vẫn mua lai rai quanh năm vào những lúc cần thiết. Tuy nhiên, tâm lý nhất định sắm vào dịp tết thì không còn nữa. "Tết không bia rượu, không quần áo mới, chỉ dành thời gian nghỉ ngơi và du xuân thôi", anh Ka chốt.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận xét giai đoạn này các khoản lương thưởng cho người lao động tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã rõ ràng, nhưng nhu cầu mua sắm áo quần, giày dép chưa tăng. Người tiêu dùng vẫn ưu tiên các mặt hàng thiết yếu và chủ trương chung vẫn là tiết kiệm.

Người nhận thưởng tết ở TP.HCM cao nhất được hơn 2 tỉ đồng

Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 4 là một trong cảng lớn chuyên tiếp nhận mặt hàng rượu nhập khẩu vào TP.HCM. Ông Phạm Quang Nam, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 4, cho hay kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này vào quý cuối năm 2023 không mấy biến động, khiến 3 quý trước đã giảm, nay lại càng giảm sâu. So với năm 2022, kim ngạch nhập khẩu rượu các loại qua cảng thuộc chi cục quản lý trong năm 2023 giảm đến 56%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.