Sôi động cuộc đua vũ khí laser

09/07/2019 14:00 GMT+7

Với khả năng tấn công ở tốc độ ánh sáng, laser được đánh giá sẽ trở thành món vũ khí quan trọng trong tác chiến ở tương lai.

Tờ Die Welt mới đây dẫn nguồn tin riêng tiết lộ quân đội Đức sẽ sớm gia nhập các nước sở hữu vũ khí laser khi chuẩn bị ra mắt khẩu pháo laser đầu tiên, lắp đặt trên khinh hạm lớp Braunschweig K310 trong năm tới. Chi tiết chưa được công bố nhưng một số chuyên gia cho rằng khẩu pháo có thể được sử dụng cho mục đích phòng không tầm gần và chống tàu cao tốc cỡ nhỏ.
Lâu nay, Mỹ được cho là dẫn đầu trên đường đua phát triển vũ khí laser với hệ thống LaWS gắn trên tàu vận tải đổ bộ USS Ponce có khả năng phát ra chùm tia công suất 30 kW, đủ sức bắn hạ UAV và phá hủy động cơ của tàu cao tốc nhỏ chỉ trong 2 giây. Hơn nữa, LaWS chỉ có giá 32 triệu USD (743 tỉ đồng) và tốn chi phí chưa tới 1 USD/lần bắn (khoảng 23.200 đồng). Trong khi đó, tính trung bình, chi phí sản xuất mỗi quả tên lửa Tomahawk đã lên tới 1,4 triệu USD. Ngoài ra, Lầu Năm Góc dự kiến sẽ sở hữu thêm 2 hệ thống laser mới tên là HELIOS vào năm 2020 để trang bị cho tàu khu trục USS Arleigh Burke và thử nghiệm trên bộ.
Tuy nhiên, hiện Nga và Trung Quốc cũng đang tăng tốc để không bị tụt lại trong cuộc đua sở hữu loại vũ khí nhiều tiềm năng này. Truyền thông Nga đưa tin quân đội nước này đã lắp đặt 2 hệ thống laser 5P-42 Filin trên 2 tàu hộ tống Đô đốc Gorshkov và Đô đốc Kasatonov. Không được sử dụng để tấn công chớp nhoáng phá hủy mục tiêu nhưng 5P-42 Filin được cho là có khả năng đáng sợ, vô hiệu hóa các thiết bị quan sát của đối phương. Được dùng vào ban đêm, hệ thống còn có thể phát ra chùm ánh sáng nhấp nháy năng lượng cao khiến binh lính trên tàu địch bị “mù tạm thời”, thậm chí ảo giác và buồn nôn.
Phát biểu trong một cuộc họp nội các gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh tiềm năng của vũ khí laser và dự đoán đây sẽ là sức mạnh của quân đội trong tương lai. Sputnik dẫn lời chủ nhân Điện Kremlin đặc biệt nhắc đến Peresvet, tổ hợp laser chiến đấu có khả năng phóng ra chùm tia năng lượng cao. Thông số kỹ thuật và mục đích sử dụng của vũ khí này chưa từng được công bố chính thức nhưng giới chuyên gia quân sự cho rằng nó có thể theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu trên không từ tên lửa cho đến máy bay, đồng thời còn có khả năng gây nhiễu hoặc làm mù quá trình nhắm bắn, quan sát của đối phương.

Lớp giáp chống laser

Trung Quốc được cho là đang phát triển hệ thống Silent Hunter phát ra chùm tia công suất 50 - 70 kW có thể xuyên thủng lớp thép dày 5 mm ở khoảng cách 1 km, theo trang Popular Science.
Tuy nhiên, nhiều nguồn tin tiết lộ quân đội nước này đang chú trọng nghiên cứu chế tạo lớp “áo giáp” có thể phản chiếu trở lại hoặc hấp thụ tia laser.
Hiện nhiều loại vật liệu đang được thử nghiệm, từ kim loại rẻ tiền, sợi carbon cho đến đất hiếm.
Tờ South China Morning Post dẫn lời giới chuyên gia quân sự nhận định phát triển hệ thống chống laser ít tốn kém chi phí và công sức hơn nhiều so với chế tạo vũ khí tấn công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.