Doanh nghiệp đồ uống Thái Lan không ngừng bành trướng sang các nước láng giềng thông qua các thương vụ M&A (sáp nhập và thâu tóm) và mở rộng hệ thống phân phối.
Các doanh nghiệp Thái Lan đang có tham vọng thâu tóm thị trường đồ uống ASEAN - Ảnh: Bloomberg |
Sau khi mua lại Tập đoàn Fraser and Neave (F&N) của Singapore với giá 11,2 tỉ USD vào năm 2013, Thai Beverage Plc. (ThaiBev) của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi gần như im hơi lặng tiếng. Trong khi đó, dù không có những thương vụ M&A lớn trong suốt 3 năm qua, nhưng nhà sản xuất bia Chang và các thương hiệu thức uống nổi tiếng khác của Thái Lan vẫn đang âm thầm theo đuổi kế hoạch bành trướng ở các thị trường hải ngoại, đặc biệt là khu vực ASEAN.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Nikkei Asian Review, CEO của tập đoàn là Thapana Sirivadhanabhakdi cho biết Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời sẽ giúp ThaiBev dễ dàng vươn ra các thị trường khác trong khu vực. Tập đoàn này kỳ vọng các hoạt động kinh doanh ở hải ngoại, chủ yếu từ ASEAN, sẽ đem về 50% tổng doanh thu vào năm 2020, so với tỷ lệ hiện nay là 30%. “AEC sẽ tạo ra sức mua lớn hơn và thu nhập cao hơn cho người dân trong khu vực. Khi đó sẽ xuất hiện thế hệ người tiêu dùng mới thích những sản phẩm chất lượng cao nhưng giá phải chăng”, ông Thapana nói.
ThaiBev không phải là doanh nghiệp Thái duy nhất nhìn thấy cơ hội vàng do AEC mang đến.
Vào đầu năm ngoái, Boon Rawd, nhà sản xuất bia Singha, công bố kế hoạch niêm yết các công ty con để tăng cường vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thức uống không cồn trong nước cũng như ở các nước ASEAN. Tập đoàn này cũng tham vọng đẩy mạnh xuất khẩu bia từ tỷ lệ hiện tại là 12 - 14% tổng doanh thu lên 20% trong vòng 3 - 5 năm tới, bắt đầu từ Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. “ASEAN quá lớn. Chúng tôi luôn muốn chiếm được 30 - 35% thị phần ở thị trường mục tiêu nên khu vực Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam rất thích hợp”, Chutinant Bhirombhakdi, Phó chủ tịch điều hành của Boon Rawd, nói trong một cuộc phỏng vấn với The Nation.
VN - thị trường trọng điểm
Để thực hiện tham vọng của mình, cả ThaiBev lẫn Boon Rawd đang lên kế hoạch cho những cuộc thâu tóm mới ở ASEAN, đặc biệt là ở Việt Nam, nơi có thị trường bia tăng trưởng khoảng 7% và nước giải khát tăng 8,38% mỗi năm.
Cùng với một số đại gia nước ngoài khác, bao gồm Asahi và Kirin của Nhật, cả hai đã theo đuổi việc trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) trong gần một năm qua. Tuy nhiên, kế hoạch nhảy vào thị trường Việt Nam thông qua nhà sản xuất bia lớn nhất nước của các công ty Thái đang có nguy cơ phá sản, sau khi Sabeco thông báo ý định sẽ không bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Dù vậy, cuối tháng 12.2015, Boon Rawd đã bỏ ra 1,1 tỉ USD để mua lại 33% cổ phần của Nhà máy bia Masan cùng 25% cổ phần Công ty hàng tiêu dùng Masan Consumer Holdings. Thương vụ này được thực hiện thông qua chi nhánh Singapore của Boon Rawd là Singha Asia Holding Pte Ltd.
Trong khi đó, ThaiBev lại đang nhắm đến Vinamilk, công ty sữa lớn nhất Việt Nam. Vào cuối năm ngoái, ngay sau khi Chính phủ VN thông báo kế hoạch thoái vốn tại Vinamilk cùng 9 doanh nghiệp nhà nước khác, báo chí đã đưa tin F&N dự kiến sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại đây từ 9,54% lên 45,1%.
Dù sau đó F&N bác bỏ thông tin này, nhưng trong cuộc trò chuyện với Nikkei Asian Review, vị CEO của ThaiBev lại không hề chối bỏ tham vọng của mình tại Vinamilk. “Việt Nam là một thị trường lớn, ổn định với dân số hơn 90 triệu người và cơ sở hạ tầng vững chắc… Mọi người đều đang trông chờ và tìm kiếm cơ hội ở đây”, ông Thapana nói.
Ngoài Việt Nam, ThaiBev cũng đặt nhiều kỳ vọng ở thị trường Myanmar, dù đối mặt khá nhiều thử thách trong những năm gần đây như việc bị buộc phải bán lại 55% cổ phần của F&N trong Myanmar Brewery cho doanh nghiệp quân đội Myanmar Economic Holdings vào năm 2014. “Chúng tôi vẫn rất muốn đầu tư vào Myanmar, vì đây là một trong những thị trường tiềm năng nhất ở ASEAN trong tương lai. Chúng tôi sẽ tìm cách hợp tác với doanh nghiệp trong nước trong thời gian tới”, ông Thapana nói với Nikkei Asian Review.
Chiến thuật khác
Ngoài chiến lược M&A, ThaiBev cũng đang từng bước thâm nhập các thị trường trong khu vực thông qua việc phân phối các sản phẩm thương hiệu khác nhau của Thái Lan, như nước uống Est Cola nổi tiếng do Công ty Serm Suk sản xuất. Serm Suk vốn là nhà đóng chai và phân phối cho Pepsi nhưng bước chân vào lĩnh vực sản xuất sau khi được ThaiBev mua lại vào năm 2011. ThaiBev hiện cũng phân phối các sản phẩm của Oishi, nhà sản xuất trà xanh đóng chai hàng đầu của Thái Lan, tại Singapore và Malaysia, sau khi thâu tóm công ty này vào năm 2008, theo Nikkei Asian Review.
Các doanh nghiệp đồ uống khác của Thái Lan cũng đang đẩy mạnh sự hiện diện tại các nước ASEAN, chẳng hạn như Osotsapa gần đây hợp tác với Tập đoàn Loi Hein của Myanmar để đưa các sản phẩm của họ vào thị trường này, bao gồm các thức uống năng lượng M-150 và Shark.
Trong khi đó, Malee Sampran Pcl, nhà sản xuất nước trái cây hàng đầu của Thái Lan, lại nhắm đến Philippines khi liên doanh với Tập đoàn Monde Nissin của nước này để phân phối các sản phẩm tại đây. Trò chuyện với báo giới trong buổi ra mắt liên doanh mới vào tháng 9 năm ngoái, Chatchai Boonyarat, CEO của Malee, nói thị trường đồ uống (không bao gồm thức uống có cồn) của Philippines có giá trị 200 tỉ baht (tương đương 5,54 tỉ USD), và bước đi mới này sẽ giúp doanh thu ở thị trường hải ngoại của Malee tăng trưởng ít nhất 50% trong năm nay.
Singha đã chuyển 650 triệu USD cho Masan
Công ty cổ phần Tập đoàn Masan vừa công bố đợt góp vốn đầu tiên từ đối tác chiến lược Singha Asia Holding Pte Ltd (Singha - một công ty thành viên quan trọng của Tập đoàn Boon Rawd Brewery, hãng bia đầu tiên và lớn nhất của Thái Lan, được thành lập vào năm 1933). Theo đó, Singha đã chuyển khoản vốn đầu tư 650 triệu USD Mỹ, bao gồm 50 triệu USD để sở hữu 33,3% cổ phần Masan Brewery và 600 triệu USD để sở hữu 14,3% cổ phần Masan Consumer Holdings. Khoản vốn đầu tư 600 triệu USD chuyển vào Masan Consumer Holdings sẽ được sử dụng để mua thêm cổ phần của Masan Consumer, mảng kinh doanh thực phẩm và đồ uống không cồn của Masan. Đợt góp vốn 450 triệu USD còn lại sẽ gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần Công ty Masan Consumer Holdings của Singha lên 25% sau khi thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật.
N. Khanh
|
Bình luận (0)