Sôi động thị trường thiết bị gian lận thi cử

25/06/2023 10:47 GMT+7

Hiện nay, chỉ từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng, thí sinh có thể dễ dàng thuê hoặc mua những sản phẩm như tai nghe siêu nhỏ, camera siêu nhỏ và các thiết bị công nghệ cao khác, với công dụng quảng cáo là "hỗ trợ" thi cử.

Công khai rao bán

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, hiện nay thí sinh có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu nhiều loại thiết bị gian lận thi cử khác nhau chỉ qua một vài thao tác click chuột.

Sôi động thị trường thiết bị gian lận thi cử - Ảnh 1.

Việc rao bán thiết bị “hỗ trợ” thi cử “nở rộ” khi kỳ thi THPT quốc gia 2023 đến gần

CHỤP MÀN HÌNH

Gõ từ khóa tìm kiếm "tai nghe siêu nhỏ" trên các sàn thương mại điện tử, các trang web, các hội nhóm trên mạng xã hội, người dùng lập tức tìm được hàng trăm sản phẩm có xuất xứ đa dạng, đủ loại hình dáng với giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng, tùy loại. Thậm chí, một số nơi còn hỗ trợ cho thuê với giá chỉ từ 200.000 đồng/ngày.

Các thiết bị được nguỵ trang tinh vi như máy nghe nhạc, hộp diêm, điện thoại Nokia 1080, thẻ ATM, chìa khóa... hay thậm chí là cúc áo, cài cổ áo hoặc đặt trong máy tính Casio. Giá của từng loại tai nghe khác nhau và thường sẽ dao động trong khoảng từ 300.000 - 3.000.000 đồng (tùy loại). Qua lời giới thiệu của nhiều chủ tài khoản, các loại tai nghe này khó phát hiện khi có kích thước nhỏ, micro nhạy, nghe to, rõ và dùng trong nhiều giờ liên tục.

Kèm theo thông tin giới thiệu về sản phẩm, những chủ tài khoản này thường gắn theo 1 video hoặc đường link dẫn tới kênh trên YouTube với hàng chục video hướng dẫn sử dụng các sản phẩm một cách chi tiết.

Không chỉ tai nghe siêu nhỏ, các chủ tài khoản này còn giới thiệu thêm nhiều sản phẩm camera siêu nhỏ với khả năng "chụp đề thi siêu nét" nhằm tối đa hóa hiệu quả của cả hai sản phẩm. Camera siêu nhỏ là dạng cúc áo, chỉ cần gắn vào cúc áo với vai trò quay, chụp ảnh gửi đề thi ra ngoài, tai nghe phát đáp án sau khi bên ngoài giải đề xong.

Xem nhanh 12h ngày 25.6: Bản tin thời sự toàn cảnh

Mua bán kín đáo, ship COD

Hầu hết số điện thoại liên hệ được các chủ tài khoản cung cấp công khai trên mạng xã hội hay các bài viết giới thiệu sản phẩm, song chỉ có thể liên hệ được với các chủ tài khoản qua Zalo và hoạt động mua bán, trao đổi diễn ra kín đáo.

Sôi động thị trường thiết bị gian lận thi cử - Ảnh 2.

Bảng giá tham khảo của một cửa hàng trên Facebook cho thuê các thiết bị “hỗ trợ” thi cử

CHỤP MÀN HÌNH

Trong vai khách hàng sắp trải qua kỳ thi THPT, phóng viên liên lạc với người bán tại một hội nhóm trên Facebook với hàng nghìn thành viên để hỏi mua thiết bị "hỗ trợ" thi cử. Sau khi liên lạc theo yêu cầu qua Zalo, phóng viên được người bán có tên G.C.Đ giới thiệu một bộ thiết bị tai nghe siêu nhỏ giá bán dao động từ 1,5 - 3 triệu đồng, khó bị phát hiện với kích thước hạt đậu siêu nhỏ.

Một bộ thiết bị sẽ bao gồm: 1 cục phát lắp sim (điện thoại Nokia 105), 1 tai nghe siêu nhỏ, 5 viên pin chạy tai nghe và 1 sạc. Việc cần làm chỉ là gọi vào số điện thoại ở máy Nokia là tín hiệu lập tức được truyền tới tai nghe. "Cái này lắp sim, gọi đến sẽ tự động bắt máy và phát lên tai. Bên mình chỉ bán chứ không cho thuê, thanh toán theo hình thức ship COD (dịch vụ giao hàng thu tiền hộ - PV)", người bán cho biết.

Sau khi phóng viên bày tỏ nguyện vọng được giao dịch trực tiếp để kiểm tra thiết bị trước khi quyết định mua, người này từ chối và mong được thông cảm, "vì đợt này đang là đợt thi THPT quốc gia, mặt hàng này của mình công an không cho bán nên mình ngại giao dịch trực tiếp". Nhận thấy khách hàng tiếc nuối trước thông tin trên, người bán tiếp tục hứa hẹn: "Thế bạn chờ đến đầu tháng 7 nhé, chứ thời điểm này thì khó".

Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ có các cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh các thiết bị trên. Đồng thời, các cơ sở kinh doanh cũng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.