Sôi động thị trường thụ tinh nhân tạo ở châu Á

Khánh An
Khánh An
11/04/2019 10:00 GMT+7

Nhu cầu điều trị hiếm muộn ở Trung Quốc cùng xu hướng du lịch chữa bệnh đang thúc đẩy cuộc đua dịch vụ thụ tinh nhân tạo trong khu vực.

Kể từ khi chính sách một con được dỡ bỏ năm 2015, các cặp vợ chồng Trung Quốc hiện chi khoảng 8 tỉ USD (185.660 tỉ đồng) hằng năm để thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), trong đó có khoảng 1 tỉ USD chi cho việc điều trị ở nước ngoài với hy vọng dịch vụ sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, theo chuyên san phụ sản BJOC, nước này có khoảng 460 bệnh viện được cấp phép về IVF, không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng khi 25% những cặp vợ chồng muốn sinh con bị hiếm muộn.
Theo ông Trần Vĩnh Cơ, Tổng giám đốc Tập đoàn tài chính và y tế Mason ở Hồng Kông, thị trường đông lạnh trứng ở châu Á cũng đang hứa hẹn nhiều tiềm năng. Nguyên nhân, nhiều phụ nữ muốn theo đuổi sự nghiệp trước khi sinh con nên muốn trữ trứng để lưu giữ nguồn gien tốt nhất lúc ở độ tuổi sinh đẻ. “Điều này khá mới mẻ trong khu vực nên chúng ta cần có hướng đi thích hợp để đón đầu xu hướng”, ông nói.
Tờ Nikkei Asian Review dẫn lời ông Trần Vĩnh Cơ, Tổng giám đốc Tập đoàn tài chính và y tế Mason ở Hồng Kông, cho hay tỷ lệ hiếm muộn cao ở đại lục mở ra một thị trường đầy tiềm năng trong cả khu vực. “Dù Trung Quốc có những bác sĩ rất giỏi, vấn đề là ngay cả những người nhiều tiền cũng khó hẹn khám bệnh được”, ông nói và ước tính, số ca cần thực hiện IVF ở Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi lên 2 triệu ca trong vòng 5 - 10 năm tới. Với chi phí mỗi đợt điều trị khoảng 50.000 nhân dân tệ (173 triệu đồng), thị trường này sẽ có giá trị lên đến 346.000 tỉ đồng.
Nắm bắt được nhu cầu lớn, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực IVF liên tục hợp tác, sáp nhập để mở rộng mạng lưới khắp châu Á. Đối tác của Mason trong lĩnh vực IVF là WeDoctor chuyên cung cấp dịch vụ trên mạng giúp kết nối 110 triệu bệnh nhân với 220.000 bác sĩ và 2.700 bệnh viện. Năm ngoái, Mason cùng WeDoctor và Tập đoàn Aldworth Management cùng nhau thâu tóm nhà cung cấp dịch vụ IVF lớn thứ 2 ở Hồng Kông là Women’s Clinic. Liên doanh tay ba này sau đó chi 195 triệu USD mua 90% cổ phần của Genea, một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về IVF có trụ sở ở Sydney (Úc) cung cấp kỹ thuật cho khoảng 600 bệnh viện tại 60 quốc gia.
[VIDEO] Mẹ mang thai hộ cho con trai
Genea hiện điều hành các bệnh viện liên doanh tại Thái Lan, một trong những trung tâm du lịch chữa bệnh trong khu vực. Genea còn hợp tác với Hãng dược Merck của Đức cùng Ủy ban Đầu tư Thái Lan để thành lập trung tâm huấn luyện bác sĩ hiếm muộn và chuyên gia ngành phôi thai cho toàn châu Á. Theo ông Trần Vĩnh Cơ, Tập đoàn Mason cùng các liên doanh hiện đang hướng đến các thị trường khác bên ngoài Trung Quốc như Nhật, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan.
Ông Stephen Monticelli, người sáng lập Công ty Mosaic Capital HK ở Hồng Kông, cho rằng thị trường IVF ở châu Á đang phát triển sôi động chưa từng thấy. “Việc sáp nhập và mua lại trong lĩnh vực sinh sản ở Mỹ có rất nhiều, nhưng lần đầu tiên tôi chứng kiến hàng loạt thương vụ ở châu Á. Thị trường này chắc chắn còn phát triển rất mạnh”, Nikkei Asian Review dẫn lời ông Monticelli nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.