Vỉa hè thành phố có năm bảy đường:

Sôi động vỉa hè Sài Gòn

27/08/2023 19:35 GMT+7

Tháng 5.1975, khi lần đầu tiên được về Sài Gòn, tôi chưa quan tâm mấy tới vỉa hè. Bấy giờ, cái tôi quan tâm và ngạc nhiên nhất là đường phố Sài Gòn. Đã quen Hà Nội, đường phố Sài Gòn với tôi là rất lạ.

Có nhiều đêm, đứng trên ban công tầng 3 một khu nhà ở đường Hồng Bàng Q.5, một đường phố khá lớn ở Sài Gòn, tôi cứ ngẩn ngơ nhìn đường phố trong đêm sáng rực ánh đèn, từ đèn nhà, đèn đường, nhưng nhiều nhất là đèn ô tô và xe máy, đặc biệt là xe máy. Xe có động cơ, đèn quét sáng, cứ chạy suốt đêm như thế. Giống như một dòng sông ánh sáng. Kỳ lạ thật.

Nhưng khi tôi và nhà thơ Ngô Thế Oanh, được "hướng dẫn viên tình nguyện" tên là Vinh, sau này anh em gọi là "Vinh xẹo", sinh viên Đại học Vạn Hạnh, quê Quảng Ngãi, dẫn chúng tôi đi bộ rong chơi khắp thành phố, tôi mới thực sự biết vỉa hè Sài Gòn là thế nào. Khi đi chơi ở mấy con phố nhỏ như con hẻm ở Q.5, tôi và Oanh chợt ngơ ngác nhìn những "dãy nhà" được dựng lên hoàn toàn bằng giấy vỏ hộp các-tông, nhà của những gia đình dưới mức nghèo, những gia đình chạy bom đạn ở quê lên tá túc Sài Gòn, những người dân không còn chỗ nào để đi để ở nữa, nên tấp vào những vỉa hè nhỏ, dựng tạm những túp lều bằng các-tông tạm trú qua ngày. Chúng tôi nhìn những túp lều như vậy, vẫn có người đi ra đi vào, mà muốn khóc. 

SÔI ĐỘNG VỈA HÈ SÀI GÒN  - Ảnh 1.

Ngày nay, nhiều bạn trẻ thích ngồi vỉa hè cà phê hàn huyên

Dạ Thảo

Rồi "Vinh tình nguyện" lại dẫn chúng tôi tới vỉa hè đường Lê Lợi, đường Hàm Nghi, nơi có nhiều những "quán sách lưu động". Nói lưu động vì những quán sách này quá giản dị, chỉ cần một tấm ni lông thiệt to, trải ra, trên để cơ man nào là sách, mới cũ đủ cả, thế là quán sách trình diện công khai. Tôi và Ngô Thế Oanh tha hồ chọn sách mình yêu thích để mua. Không cần trả giá, vì sách được bán với giá rất bèo. Mà toàn là sách quý, sách dịch, sách của những nhà văn lớn trên thế giới cả. Chúng tôi như mê đi khi chọn mua sách. Tôi không có tiền, nhưng rất biết chọn sách. Ngô Thế Oanh thì vừa có tiền vừa biết chọn sách. Thế là mua được hàng đống sách quý. Ngay trên vỉa hè con đường vào hàng "oách nhất Sài Gòn". Bây giờ là "phố đi bộ" hàng hiệu.

Thêm một "loại thể" vỉa hè Sài Gòn khác nữa mà tôi rất thích, đó là vỉa hè có những quán nhỏ đặt ngay trên mặt vỉa hè bán giải khát, trong đó có bia "Con Cọp" và mồi nhậu gọn gàng là mực nướng. Những quán loại đó được dân Sài Gòn gọi là "quán cóc". Tại sao lại gọi quán cóc thì tôi chưa nghĩ ra. Có phải tên "cóc" vì quán hay… nhảy như cóc, dẹp chỗ này thì nhảy sang chỗ khác, có khi chỉ cách mấy bước chân.

SÔI ĐỘNG VỈA HÈ SÀI GÒN  - Ảnh 2.

Bán sách vỉa hè

Gia Khiêm

Một lần, tôi đang đạp chiếc "xe đạp truồng" không gạc-đờ-bu, không bạc-ba-ga, không chuông, không phanh từ chiến khu mang về, đạp lang thang trên các đường phố Sài Gòn và được bà con Sài Gòn nhìn theo với tất cả sự ngạc nhiên: "Xe gì kỳ vậy?"

Rồi bỗng tôi gặp lại một người bạn thân, nhà thơ Hữu Đạo, thân với tôi hồi trên chiến khu. Anh Hữu Đạo là một thủ lĩnh của phong trào học sinh tranh đấu Sài Gòn, quê Vĩnh Long. Anh em gặp nhau ngay giữa Sài Gòn, mừng quá, bèn dìu nhau vào một quán cóc vỉa hè. Làm mấy chai bia "Con Cọp", nhấm với một con khô mực nướng. Bình dị vậy thôi. Mà sướng.

Nhưng nói tới vỉa hè ở thành phố này, thì điều ấn tượng nhất với tôi trong bao nhiêu năm qua, chính là sự sôi động rất riêng của những vỉa hè này.

Người bán hàng rong ủng hộ thu phí vỉa hè: 'Hết cảnh thấy đô thị là hốt hàng chạy'

Tôi cũng có dịp đi trên nhiều vỉa hè ở một số thành phố lớn ngoài nước mình, nhưng tôi chưa thấy ở đâu có những vỉa hè hoạt động sôi nổi mà nhiều cảm xúc như các vỉa hè nơi này.

Dĩ nhiên, có được sự sôi động đặc biệt ấy là do những người buôn bán nhỏ và những ai là khách trong chốc lát của họ trên các vỉa hè tạo ra.

Sôi động vỉa hè Sài Gòn - Ảnh 3.

Vỉa hè trước Bưu điện Trung tâm thành phố tập trung khá đông người nhất là vào cuối tuần

Dạ Thảo

Sự sáng tạo của thành phố này không chỉ ở những tòa nhà "cao nhất Sài Gòn" làm nên đâu, nó còn được tạo ra bởi "kính thưa các loại vỉa hè" nữa. Vỉa hè nhỏ lại có sự sôi động lớn, còn vỉa hè lớn lại hàm chứa sự đĩnh đạc của những chủ nhân giàu có đang "làm chủ" ở đó. Những sắc thái rất khác biệt của những vỉa hè nhỏ và vỉa hè lớn tại thành phố dễ nhận ra, nhưng là người bình dân nghèo, tôi vẫn thích sự sôi động của những vỉa hè nhỏ hơn. Vì nó đặc biệt năng động, rất nhiều màu sắc, nhiều âm thanh, và cách mua bán thì mau mắn, nhanh nhạy, nhiều khi bất ngờ. 

Như có lần, đã lâu lắm rồi, tôi gặp và chứng kiến hai người có vẻ là bạn với nhau, cùng buôn bán vỉa hè. Họ cá cược, lát nữa trời có mưa không ? Một anh nói không, một anh nói mưa. Vậy, nếu mưa, anh nói không phải đãi anh nói mưa một chầu. Và ngược lại. Nhẹ nhàng thôi, nghèo mà. Nhưng rất vui. Lúc về nhà, tôi viết được bài thơ Mưa Sài Gòn, trong đó kết bằng hai câu của người cá cược cơn mưa:

"nè, ông trả nhiêu cơn mưa đó

kiếm chênh lệch mình vô quán nhậu"

(Mưa Sài Gòn, 1992)

Năm ngoái (2022), sau 30 năm, tôi viết bài thơ Sài Gòn "bao" đủ thứ, nói về tính cách cởi mở và hài hước của người thành phố, lại nhớ và kết bài thơ bằng 2 câu:

"cười cười bán cả cơn mưa

anh em nhậu chơi biết mấy cho vừa"

(Sài Gòn "bao" đủ thứ)

Vui và dễ thương đáo để, phải không ạ!

Nhiều năm qua, mỗi khi vợ chồng tôi có dịp vào thành phố này thăm con và cháu nội, chúng tôi lại hay ngồi ở một quán cà phê trên "vỉa hè lớn". Đó là vỉa hè thuộc đường Nguyễn Du, đối diện chênh chếch với Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Ngồi cà phê vỉa hè ấy mà nhìn qua nhà thờ, tôi cho đó là một trong những cái "view" đẹp nhất thành phố. Dĩ nhiên, view đẹp như thế thì cà phê hơi bị đắt. Nhưng hưởng thụ cái đẹp thì phải tốn tiền thôi. OK mà!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.