Sới gà biến tướng náo động lễ hội

27/02/2023 07:25 GMT+7

Càng về trưa, đám đông trong khu tổ chức lễ hội xuân ở một số địa phương tại Hà Nội càng "hăng máu". Tiếng hò hét, lời ra độ vang lên không ngớt trước những pha đòn hiểm của các cặp "chiến kê", báo hiệu cuộc sát phạt sắp đến hồi kết.


SÁT PHẠT CÔNG KHAI

Con đường dẫn vào đình Xuân La (xã Phượng Dực, H.Phú Xuyên, Hà Nội) những ngày giữa tháng giêng năm Quý Mão 2023 được trang hoàng rực rỡ. Là ngày hội truyền thống nên băng rôn, cờ phướn được người dân treo khắp mọi nẻo đường.

Lúc này, đồng hồ đã điểm 12 giờ, là khoảng thời gian mà phần rước hội đã xong xuôi, các cụ đã ngồi bàn việc làng ở trong đình. Bên ngoài cổng, hoạt động trò chơi dân gian không còn sôi động, náo nhiệt. Thế nhưng tại khu đất trống bên trong, không khí của những trận đá gà ăn tiền đang ở giai đoạn cao trào.

Sới gà biến tướng náo động lễ hội - Ảnh 1.

Hàng trăm người tập trung tại khu đất trống đá gà trong lễ hội thôn Xuân La

Khu đất trống nằm trong đình thôn Xuân La rất rộng. Ban tổ chức dùng những tấm cao su quây thành hơn 10 vòng tròn, hay còn gọi là sới để làm nơi chọi "chiến kê". Ngoài chuẩn bị sới, ban tổ chức còn chuẩn bị sẵn những thứ cần thiết trong đá gà, như: nước nóng, cơm, thuốc cho gà; đồng hồ để theo dõi thời gian thi đấu; phục vụ tại chỗ mì tôm, bánh trái, thuốc, nước… để những "kê thủ" có sức "đánh" xuyên trưa.

Rất quy củ, ban tổ chức cho in một bảng nội quy dài 8 điều. Trong đó, ngay từ điều đầu tiên, ban tổ chức đề nghị người dân vui chơi lành mạnh, không đánh bạc dưới mọi hình thức. Nội quy này được căng trong khu vực đá gà và có người đeo biển "Ban tổ chức" vừa ngồi xem đá gà, vừa theo dõi hoạt động của sới.

Trong khu đất, hàng trăm người tụ tập vào khoảng 10 sới gà. Lượng người quá đông khiến phải rất vất vả nếu muốn chen chân vào những sới gà phía trong.

Sới gà biến tướng náo động lễ hội - Ảnh 2.

Say sưa theo dõi gà đá nhau

TRƯỜNG GIANG

"THANH TOÁN TIỀN NONG CHO KÍN ĐÁO VÀO"

Càng về cuối giờ trưa, đám đông trong khu tổ chức lễ hội truyền thống đình thôn Xuân La càng "hăng máu". Tiếng hò hét, lời ra độ vang lên không ngớt trước những pha đòn hiểm của các cặp "chiến kê", báo hiệu cuộc sát phạt sắp đến hồi kết. "Con này yếu rồi, chấp 2 chục ăn 2 này… Vẫn còn 2 chục quả đây", giọng người đàn ông vang lên. "Anh em có ai đánh không?", một người khác đệm lời.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ở mỗi sới gà đều có người ghi tỷ lệ chấp, mức cá cược vào tích kê hoặc điện thoại. "Cao thủ" hơn là những người "ra độ, bắt kèo" mà không cần sử dụng sổ sách, giấy tờ. Số tiền cá độ mỗi lần được đưa ra dao động từ vài trăm nghìn đồng đến cả chục triệu đồng, tùy thuộc vào nhịp độ trận đấu cũng như biểu hiện của "chiến kê". Ước tính tại một sới, lượng tiền đánh bạc có thể lên tới cả trăm triệu đồng.

"Nổ rồi, nổ rồi (gà cửa dưới đá thắng gà cửa trên - PV)", tiếng hò reo từ một sới gà khiến cả khu vực phải chú ý. Ở một sới gà khác, có cả chục người cầm tích kê, điện thoại để đối chiếu lại mức cá cược, sau đó tìm đến nhau, lôi cả cọc tiền mệnh giá 200.000, 500.000 đồng để đếm và thanh toán; người 2 triệu đồng, người 5 triệu đồng... Có người còn "cẩn thận" nhắc nhau: "Thanh toán tiền nong cho kín đáo vào".

Sới gà biến tướng náo động lễ hội - Ảnh 3.

Thanh toán tiền sau khi kết thúc trận đá gà tại thôn Tình Lam

Có trường hợp có thể do nhận quá nhiều "kèo" và quên ghi nên khi thanh toán xảy ra cự cãi. "Mày chấp anh 5 quả, anh ngồi đây, mày đứng đây. Mày chấp luôn mà lại", giọng một người đàn ông to tiếng khi đối phương chần chừ chi trả tiền cược.

Ở một góc quay khác, PV Thanh Niên ghi nhận thêm tiếng đếm 5 triệu, 7 triệu… 10, 17, 18… triệu từ một người đàn ông đang cầm trên tay tờ tích kê. Ngay phía sau là người đàn ông đeo túi trước ngực, trên tay cầm điện thoại ghi lại tỷ lệ cá độ: "10tr - 6tr Hưng; 4tr - 5tr Chiến; 5.000 - 2.500 Cường", nhẩm tính tổng tỷ lệ cá độ giữa các bên hàng chục triệu đồng.

"Anh Bình ơi anh Bình, anh cầm 4 triệu rồi đưa cho Tùng 5 triệu này", dứt lời, người đàn ông mặc áo khoác đỏ, đội mũ lưỡi trai giơ tay đưa 8 tờ mệnh giá 500.000 đồng vừa đếm xong cho người trước mặt. "Anh Tuấn ơi, anh lấy cho em luôn 5 triệu của Tuấn này", giọng một người đàn ông khác vang lên.

Cứ như vậy, người người lũ lượt tìm đến nhau thanh toán giao kèo đã cá độ trước đó. Xung quanh, các trận đá gà khác vẫn tiếp tục mà không gặp phải sự ngăn cản, nhắc nhở từ ban tổ chức.

Đem những tiếng lóng đi gặp một dân chơi gà sành sỏi, vị này lý giải: "Chấp 2 chục ăn 2" có nghĩa là gà cửa dưới bỏ 20 triệu đồng và ăn 200 triệu đồng; "chấp 5 quả" có nghĩa là tỷ lệ 5 ăn 50, một quả là 1 triệu đồng. Giật mình. Nếu những lời này là sự thật và bắt "kèo" thành công thì quy mô một sới gà có thể lên tới bao nhiêu tiền?

Sới gà biến tướng náo động lễ hội - Ảnh 4.

Dùng điện thoại, giấy tờ ghi lại các độ cược

TUNG HOÀNH Ở NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG

Sức hút của trò đá gà ăn tiền tại đình Xuân La có lẽ không bằng lễ hội truyền thống đình thôn Tình Lam (xã Đại Thành, H.Quốc Oai, Hà Nội) diễn ra sau Tết Nguyên đán 2023 không lâu, ít nhất là về lượng người theo dõi. Ở thời điểm chính hội, gần 20 sới gà trên khu đất rộng cả trăm mét vuông hầu như đã chật kín người và không khó để bắt gặp hình ảnh trao tiền sau khi trận chọi gà kết thúc.

Có lẽ, chỉ có giải "Đấu kê đầu xuân" ở lễ hội truyền thống thôn Độ Tràng (xã Đại Thành) là đìu hiu vì chưa đến buổi trưa, khu vực mở sới gà chỉ còn một nhóm người đang trao trả tiền với nhau.

Khâu tổ chức đá gà ở các lễ hội truyền thống được chuẩn bị rất chu đáo. Theo ghi nhận, các sới gà đều được tổ chức ở gần những ngôi đình. Sới gà được tạo ra bằng những tấm cao su quây thành vòng tròn. Để che mưa, che nắng cho cả người lẫn gà, ban tổ chức kỳ công dựng rạp, căng bạt phủ phía trên. Và, một thứ không thể thiếu tại mỗi sới gà là đồng hồ.

Theo quy định, mỗi hồ (hiệp đấu) kéo dài 15 phút, sau đó các "chiến kê" được nghỉ 5 phút để người chơi "chữa gà" (làm hồi lại chỗ gà bị đau). Thắng, bại tại mỗi trận "quyết đấu" được quyết định khi gà bỏ chạy, gà đá bị chết tại sới hoặc chủ gà xin thua cuộc.

Để được vào sới thi đấu, chủ gà sẽ phải bỏ số tiền vài trăm nghìn đồng/con nộp cho ban tổ chức. Khi thắng, không tính tiền cá cược, chủ gà sẽ được ban tổ chức tặng cờ lưu niệm để chứng minh về thành tích của "chiến kê" đang sở hữu.

Qua tìm hiểu, những "sư kê" đem gà đi đấu thường sẽ có một đội "thân tín" theo cùng để "bênh gà" (chỉ đặt cược tiền vào gà của đội nhà - PV). "Không ai bỏ công cả năm chăm một con gà tốt rồi mang đi đá mua vui cả. Đá vui có thể chết gà mà gà chọi tốt có con lên tới hàng chục triệu đồng", một "sư kê" tiết lộ.

Phải chăng, tiết mục hấp dẫn, đặc sắc nhất của những lễ hội truyền thống này không phải là những trò chơi dân gian mà là hoạt động đá gà ăn tiền? Bởi lẽ, chỉ có hoạt động đá gà mới thu hút đám đông mải mê quây quanh những cặp gà chọi đến độ "quên ăn"? Và cảnh tượng hàng trăm người xúm xít xem đá gà cùng những cuộc giao dịch công khai khiến chúng tôi thắc mắc về công tác quản lý lễ hội truyền thống ở địa phương… (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.