‘Soi’ giấy phép lái xe giả trên QL1

09/10/2015 10:27 GMT+7

CSGT Công an Quảng Nam liên tiếp phát hiện hàng loạt Giấy phép lái xe (GPLX) được làm giả tinh vi, qua đó đặt nhiều nghi vấn về đường dây mua bán GPLX, chủ yếu có “xuất xứ” từ TP.HCM.

CSGT Công an Quảng Nam liên tiếp phát hiện hàng loạt Giấy phép lái xe (GPLX) được làm giả tinh vi, qua đó đặt nhiều nghi vấn về đường dây mua bán GPLX, chủ yếu có “xuất xứ” từ TP.HCM.

GPLX giả của Nguyễn Huy Bình - Ảnh: Phòng CSGT Quảng Nam cung cấpGPLX giả của Nguyễn Huy Bình - Ảnh: Phòng CSGT Quảng Nam cung cấp
Phòng CSGT Công an Quảng Nam vừa xử phạt hành chính lái xe Nguyễn Huy Bình (27 tuổi, trú P.Tân An,TP.Hội An) 5 triệu đồng và tịch thu GPLX, tạm giữ xe ô tô 7 ngày. Đây là trường hợp mới nhất bị CSGT Công an Quảng Nam phát hiện sử dụng GPLX giả lưu hành trên QL1 vào chiều 6.10. Như vậy, chỉ trong vòng 2 tuần qua, đã có đến 4 vụ sử dụng GPLX giả được phát hiện và là vụ thứ 9 kể từ đầu năm tại Quảng Nam. “Các GPLX giả này đều có chất liệu composite, hầu hết lái xe khai nhận mua ở TP.HCM, chưa phát hiện trường hợp nào được cấp tại Quảng Nam”, thượng tá Phan Thanh Hồng, Phó trưởng phòng CSGT Công an Quảng Nam nói.
GPLX dỏm giá nào cũng có
Lái xe Nguyễn Huy Bình thừa nhận đã mua GPLX giả (có cả hồ sơ gốc) hồi tháng 2.2015 từ một người tên Hiếu ở P.Cẩm An, TP.Hội An với giá 14 triệu đồng. Tất nhiên, cái gọi là “hồ sơ gốc” kia cũng là hàng giả nốt. “Tôi đã sử dụng GPLX trên cho đến hôm nay thì bị CSGT phát hiện và thông báo là GPLX giả. Tôi thấy hành vi trên của tôi là sai”, Bình viết trong bản tường trình. GPLX giả này mang số 790106007978, có giá trị đến ngày 10.2.2019, được ký bởi một Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM. Hai GPLX giả “xuất xứ” từ TP.HCM cũng bị phát hiện vài ngày trước đó. Đó là trường hợp Nguyễn Phi Long (27 tuổi, trú xã Mỹ Thắng, H.Phù Mỹ, Bình Định) điều khiển xe khách BS 77B-007.51 hôm 28.9 và Nguyễn Viết Trình (34 tuổi, trú xã Phổ An, H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) điều khiển xe khách BS 76B-002.93 hôm 29.9. Tuy nhiên, các GPLX hạng D của Long và Trình có giá “mềm” hơn, lần lượt được mua 2 và 5 triệu đồng.
Tất cả 9 vụ GPLX giả phát hiện kể từ đầu năm (cùng với 1 vụ làm giả Giấy chứng nhận đăng ký xe) đều được Phòng CSGT xử lý vi phạm hành chính và chuyển cơ quan điều tra. Hiện chưa có phản hồi nào từ phía cơ quan điều tra về manh mối đường dây làm giả GPLX tinh vi, nên lực lượng CSGT tiếp tục duy trì biện pháp kiểm soát gắt gao các phương tiện lưu thông trên QL1. Đại úy Lê Phan Minh Mẫn, Phó trạm trưởng Trạm CSGT Thăng Bình (thuộc Phòng CSGT) tiết lộ, đơn vị tập trung “soi” kỹ các loại xe khách 16 chỗ và xe khách đường dài, sau khi tiếp nhận có thông tin lái xe mua GPLX giả tinh vi. Lo ngại trước tình trạng dễ dàng mua GPLX giả (để hợp thức hóa khi chưa đủ điều kiện được cấp bằng lái, hoặc bị tước GPLX thật), thượng tá Phan Thanh Hồng đề nghị sớm có biện pháp chống làm giả. “Hành vi này rất nguy hiểm cho an toàn giao thông. Việc giả mạo rất tinh vi, không dễ kiểm tra bằng mắt thường, ngay cả chủ phương tiện khi thuê lái xe cũng không thể nhận biết đó là GPLX giả hay thật”, thượng tá Hồng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.