Cơ quan quản lý nhà nước cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng bởi đây chính là lãnh địa vốn đang gây nhiều sóng gió trên thị trường.
Thanh tra đột xuất 11 ngân hàng
Trả lời cử tri TP.Hà Nội về quản lý đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của ngân hàng (NH), NH Nhà nước (NHNN) mới đây cho biết vừa qua đã thanh tra đột xuất và có kết luận thanh tra tại 11 đơn vị. Trên cơ sở kết quả thanh tra, cơ quan quản lý tiền tệ đã ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các NH có hành vi vi phạm trong đầu tư TPDN. Trước đó, trong năm 2022, thanh tra, giám sát NH đã thanh, kiểm tra 1.420 cuộc, trong đó 1.034 cuộc theo kế hoạch và 385 cuộc kiểm tra đột xuất.
Cũng theo NHNN, thời gian qua đơn vị này đã ban hành các quy định nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn để kiểm soát hoạt động mua, đầu tư TPDN của các NH. Chẳng hạn, quy định về trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng bao gồm cả đầu tư TPDN; hoạt động mua, đầu tư TPDN được tính vào dư nợ tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan khi xác định giới hạn cấp tín dụng; NH chỉ được mua TPDN khi tỷ lệ nợ xấu dưới 3%...
Trách nhiệm của NH khi cung cấp các dịch vụ liên quan đến TPDN cũng đã được đề cập trong luật Các tổ chức tín dụng và một số văn bản khác. Theo đó, khi thực hiện hoạt động mua, bán hay dịch vụ liên quan đến TPDN, các NH phải được NHNN cấp phép; tuân thủ các quy định; báo cáo NHNN định kỳ; thực hiện các kiến nghị, khuyến nghị, cảnh báo của NHNN đối với hoạt động mua, bán TPDN, dịch vụ liên quan đến TPDN.
Tín dụng tăng chậm
Công ty CP chứng khoán SSI vừa công bố báo cáo vĩ mô tháng 2, thông tin tín dụng toàn nền kinh tế tính đến 24.2 tăng 0,77% (thấp hơn hẳn mức tăng 2,52% của cùng kỳ năm 2022 - PV), huy động vốn tăng 0,05% so với cuối năm 2022. Tín dụng tăng chậm giúp thanh khoản hệ thống trong ngắn hạn vẫn khá ổn định. NHNN chủ yếu hút ròng thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong 2 tháng đầu năm lên 197.000 tỉ đồng nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên NH ở mức hợp lý, giảm áp lực lên tỷ giá. Tỷ giá USD/VND chỉ tăng 0,7% so với cuối 2022, thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực trong bối cảnh đồng USD tăng 1,3%. Tuy nhiên, rủi ro về thanh khoản trong thời gian tới vẫn khá lớn, trong bối cảnh các vấn đề trên thị trường TPDN chưa được giải quyết.
Mặc dù danh tính của 11 NH bị thanh tra đột xuất cũng như một số đơn vị vi phạm không được tiết lộ nhưng ngoài phát hành trái phiếu nhiều nhất trên thị trường thời gian qua, các NH còn là nhà mua trái phiếu của các doanh nghiệp (DN) trên thị trường.
Tính đến cuối năm 2022, số lượng NH đầu tư TPDN giảm so với đầu năm. 17 trên tổng số 28 NH niêm yết cổ phiếu trên thị trường nắm giữ gần 188.000 tỉ đồng TPDN, giảm 13% so với năm 2021. Một số NH ôm TPDN nhiều gồm MBBank, Techcombank, VPBank, TPBank, SHB, Bảo Việt, BIDV, HDBank, Vietinbank, Bắc Á, OCB, MSB, NAMABANK, VIB, KienlongBank, SeABank, Vietcombank.
Trong đó, MBBank đứng đầu hệ thống với hơn 43.600 tỉ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Kế đến là Techcombank với 41.000 tỉ đồng, giảm 34,5%. VPBank nắm giữ 32.900 tỉ đồng (tăng 18%), TPBank tăng 16%… Trong năm 2022, một số nhà băng đã thực hiện "xả" toàn bộ trái phiếu như ABBank, Eximbank, PGBank, LienVietPostBank, Bản Việt Bank.
Cần tách bạch giữa NH thương mại và đầu tư
Theo báo cáo Nhìn lại 2022 và Triển vọng thị trường vốn 2023 của FiinRatings, trong năm 2022, việc hạn chế cho vay qua kênh tín dụng NH trong thời điểm thị trường TPDN cũng rơi vào tình trạng đóng băng đã khiến nhiều DN gặp khó khăn về nguồn vốn, gây nên các ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn nói chung và tác động ngược lại đến chất lượng tài sản sinh lãi của NH khi một số khách hàng bị nhảy nhóm nợ do chậm thanh toán các khoản vay.
Các khoản TPDN do NH nắm giữ cũng có nguy cơ trở thành nợ xấu khi nhà phát hành mất khả năng thanh toán một phần hoặc toàn bộ, trong khi tài sản đảm bảo cần thời gian để có thể thanh lý. Hoạt động kinh doanh, đầu tư chứng khoán bị ảnh hưởng bởi các biến động thị trường. Đặc biệt, danh mục TPDN của một số NH đang tiềm ẩn rủi ro tín dụng khi thị trường đã xuất hiện một số trường hợp chậm trả lãi và gốc trái phiếu. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 2,2% tổng tài sản sinh lời của các NH nhưng khi TPDN bị "nhảy" nhóm nợ cũng sẽ làm các khoản vay khác của DN đó tại các NH khác bị phân loại vào nhóm có chất lượng nợ thấp hơn, gia tăng tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống.
Lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội trong tháng 2 tổ chức 12 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành, khối lượng trúng thầu đạt 36.595 tỉ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu thành công đạt 79,12%. Lũy kế 2 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 69.427 tỉ đồng, đạt 64,28% kế hoạch quý 1 và 17,36% kế hoạch năm 2023. Trong đó, trái phiếu chủ yếu có kỳ hạn phát hành 10 năm và 15 năm với tỷ trọng lần lượt là 52,19% và 45,21%. Lãi suất trúng thầu tháng 2 tiếp tục có xu hướng giảm, tại phiên đấu thầu cuối tháng, lãi suất trúng thầu trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 15 năm đạt lần lượt là 4,12% và 4,32 %, giảm 0,24% so với lãi suất tại phiên cuối cùng của tháng trước. Trong tháng 2, thị phần giao dịch của khối NH thương mại chiếm tỷ trọng 70,48%, còn lại là khối công ty chứng khoán chiếm 29,52%.
Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đánh giá thay vì cho DN vay, NH lại đi mua trái phiếu của DN. Điều này là không tách bạch giữa hoạt động NH thương mại và NH đầu tư. Trong hoạt động đầu tư trái phiếu, NH đầu tư vào trái phiếu Chính phủ thì an toàn hơn. Còn huy động tiền của dân mà mua TPDN có độ rủi ro cao. Dư nợ trái phiếu trong các nhà băng hiện nay chiếm 10% tổng tài sản, gấp đôi vốn chủ sở hữu của NH. Nếu như khoản này thành nợ xấu thì rủi ro rất cao. Vì thế ông Nguyễn Hữu Huân kiến nghị cần sửa đổi luật Các tổ chức tín dụng tách bạch giữa NH thương mại và NH đầu tư để tránh rủi ro cho hệ thống.
Theo NHNN, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các NH nhằm phát hiện các rủi ro tiềm ẩn, dấu hiệu vi phạm pháp luật để phòng ngừa, xử lý phù hợp, hạn chế rủi ro và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân. Đồng thời, thực hiện một số giải pháp kiểm soát và hạn chế rủi ro trong hoạt động đầu tư TPDN của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về TPDN để khắc phục những bất cập, hạn chế phát sinh, tạo khung khổ cho thị trường TPDN phát triển lành mạnh, trong đó có quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với TPDN phát hành ra công chúng và riêng lẻ theo lộ trình. Đồng thời, tăng cường thanh tra, giám sát; phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cơ cấu lại và phát triển bền vững các phân đoạn thị trường tài chính, trong đó có thị trường TPDN để thúc đẩy thành kênh huy động vốn trung dài hạn chính của nền kinh tế…
Bình luận (0)