Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 2 tại Sóc Trăng đã kết thúc sau 4 ngày diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi và thiết thực, thu hút trên 400 ngàn lượt khách trong nước và quốc tế. Từ đây, sẽ mở ra nhiều cơ hội mới giúp cho ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững.
Phát biểu bế mạc Festival, ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nhận định: “Thắng lợi của Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 2 là thắng lợi của sự kết hợp bền chặt, đồng tâm hiệp lực của các vùng sản xuất lúa gạo Việt Nam; là thắng lợi của niềm tự hào “Vinh danh hạt ngọc Việt”. Sự thành công của Festival lần này một lần nữa khẳng định vai trò và tầm quan trọng của hạt gạo Việt Nam cũng như những người trực tiếp làm ra nó”.
|
Tri ân người trồng lúa
Chiếm tỷ lệ 80% dân số, nông dân Việt Nam luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chỉ riêng ngành sản xuất lúa, mỗi năm xuất khẩu mang về cho đất nước hàng tỉ USD; trong đó, 90% lượng gạo xuất khẩu có nguồn gốc từ ĐBSCL. Nông dân Việt Nam được xem là những người rất năng động vì không chỉ đảm nhận vai trò trực tiếp sản xuất, nhiều người còn tìm tòi nghiên cứu sản xuất ra các máy móc thiết bị phục vụ cho công việc của mình; hoặc nghiên cứu lai tạo giống lúa; thậm chí là ra nước ngoài làm chuyên gia…Để ghi nhận những đóng góp hết sức to lớn đó, tại kỳ Festival lần này, BTC đã tôn vinh 48 nông dân điển hình - tiên tiến - sáng tạo năm 2011. Phát biểu tại buổi lễ tôn vinh, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định nông dân Việt Nam nói chung đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sản xuất lương thực, đặc biệt là lúa gạo; không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn khẳng định vị thế của lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Bộ trưởng cũng động viên bà con nông dân tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, phấn đấu nhiều hơn nữa trong sản xuất, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đưa hạt gạo Việt Nam tiến xa, tiến vững chắc trên thương trường quốc tế.
Những thành công trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tạo điều kiện để ổn định và từng bước cải thiện đời sống của bà con nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2-2,5%/năm, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong nỗ lực thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc về giảm nghèo. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng trong suốt 25 năm qua, với sự nỗ lực của hàng triệu nông dân và các nhà khoa học, năng suất và sản lượng lúa của Việt Nam không ngừng tăng và luôn dẫn đầu các nước trong khu vực. Trong mấy năm gần đây, nông nghiệp nói chung và ngành sản xuất kinh doanh lúa gạo nói riêng đã thể hiện vai trò là chỗ dựa vững chắc cho nền kinh tế. Khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì nông nghiệp Việt Nam nói chung vẫn phát triển đều và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tại Festival lần này, BTC cũng đã trao tặng cúp vàng cho 21 công ty, doanh nghiệp ngành hàng kinh doanh, sản xuất chế biến, xuất khẩu gạo đã có đóng góp to lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam trong thời gian qua.
Nâng cao giá trị hạt gạo và đời sống nông dân
Trong khuôn khổ Festival cũng đã diễn ra nhiều hội thảo quan trọng, có chất lượng nhằm định hướng phát triển lúa gạo Việt Nam thời gian tới. Theo nhiều đại biểu tham gia hội thảo, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo từ năm 1989 và trong nhiều năm qua, luôn đứng hàng thứ 2 trên thế giới. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thương trường vẫn còn thấp do chất lượng và giá thành còn cao, gạo Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Theo nhiều chuyên gia, giá gạo liên quan đến chất lượng gạo và phương cách giao hàng. Do vậy, muốn nâng cao giá trị hạt gạo cần sự đầu tư lớn về tiếp thị, bao bì và bán hàng. Thái Lan làm thương hiệu rất tốt nên họ luôn là nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới và giá bán luôn cao hơn Việt Nam. Hiện nay, xu hướng tiêu dùng thế giới là chọn lựa tập trung vào sản phẩm có thương hiệu được phổ biến rộng rãi và tạo được cảm xúc trong lòng khách hàng. Nếu không có thương hiệu sẽ chịu thiệt nhất định khi chen chân vào thị trường xuất khẩu khó tính. Điều lưu ý trong tạo dựng thương hiệu là ngoài bao bì, đóng gói bắt mắt, chất lượng phải đảm bảo bằng cam kết cụ thể với khách hàng…
Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện KH-KT nông nghiệp miền Nam, điều quan trọng hiện nay không nên quá nhấn mạnh đến yếu tố tài nguyên, lao động nhiều, giá nhân công rẻ mà phải nâng cao không ngừng yếu tố tri thức trong quản lý và sản xuất lúa gạo, cần nghĩ nhiều đến giá trị gia tăng. Đồng thời thúc đẩy đầu tư của tư nhân trong nông nghiệp mạnh mẽ hơn, khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn xây dựng những cánh đồng mẫu lớn (theo mô hình của Bộ NN-PTNT) để tiếp cận công nghiệp hóa vào sản xuất lúa gạo chất lượng cao.
TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ cho rằng, muốn nâng cao giá trị hạt gạo cần đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, thay việc xuất khẩu những sản phẩm gạo đơn thuần bằng những sản phẩm đã qua tinh chế. Để tiếp thị và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam ra thị trường thế giới cần phải định vị thương hiệu cho hạt gạo, xác định đối thủ cạnh tranh cũng như đất nước nào là khách hàng nhập khẩu quan trọng. Việc định vị thành công chính là lời cam kết cho nhà nhập khẩu. Gạo Việt Nam cần xây dựng một thương hiệu mang đậm bản sắc và hình ảnh đặc trưng của người Việt Nam.
Cũng theo các chuyên gia, muốn phát triển ngành sản xuất và kinh doanh lúa gạo một cách bền vững thì cần phải quan tâm, nâng cao đời sống của người trồng lúa. Trên thực tế, dù đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị làm ra hạt gạo nhưng nông dân chỉ được hưởng có 11% giá trị mà hạt gạo mang lại. Đời sống của đại bộ phận nông dân còn có khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của xã hội. Để làm được điều đó, bản thân nông dân cũng cần phải liên kết lại với nhau trên những cánh đồng lớn để làm ra những hạt gạo có tính đồng nhất về chất lượng, thuận tiện trong việc ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp.
Lập 2 kỷ lục Việt Nam Kỷ lục Bản đồ Việt Nam bằng lúa gạo lớn nhất với kích thước 6 m x 9 m (tượng trưng cho 63 tỉnh, thành trong cả nước), được làm từ 23 loại hạt lúa gạo có nguồn gốc từ nhiều vùng miền của đất nước. Kỷ lục Con đường lúa gạo Việt Nam dài 1.200 mét với 47.000 chậu lúa các loại từ lúc mới gieo sạ cho đến lúc làm đòng, trổ và chín. |
Trần Thanh Phong - Nguyễn Trực
Bình luận (0)