Sẽ kiểm tra 35 văn nghệ sĩ, người nổi tiếng
Cụ thể theo Cục Thuế TP.HCM, trong thời gian qua, nhiều cá nhân có hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đã tự giác kê khai nộp thuế. Điển hình một trường hợp hộ kinh doanh do Chi cục Thuế Q.1 quản lý tự đăng ký và nộp 11,5 tỉ đồng; có trường hợp nộp trên 1 tỉ đồng, một hoa hậu 4,7 tỉ đồng, thu thuế một streamer 1,9 tỉ đồng.
Cục Thuế TP.HCM hiện quản lý 58.264 người nộp thuế hoạt động TMĐT, trong đó có 12.959 doanh nghiệp, 45.305 hộ kinh doanh với tổng giá trị giao dịch thành công 28.700 tỉ đồng. Qua kết quả kiểm tra đã xử lý 14.581 tổ chức, cá nhân với tổng số thuế truy thu, phạt 286 tỉ đồng. Trước mắt, cơ quan thuế sẽ thí điểm 35 cá nhân là nghệ sĩ, người nổi tiếng có hoạt động TMĐT trên các nền tảng số.
Câu chuyện thu nhập của giới văn nghệ sĩ từ trước đến nay luôn được quan tâm. Những nghệ sĩ hạng S (super), A, B và C trong showbiz Việt có thu nhập không cố định nhưng rất cao. Chẳng hạn ca sĩ hạng S có cát sê từ 700 triệu đến 2 tỉ đồng, hạng A từ 200 - 700 triệu đồng và mức thấp nhất là hạng D từ 5-10 triệu đồng. Ngoài việc đi hát, đóng phim, các hoa hậu, ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng… còn có hợp đồng quảng cáo tiền tỉ, quảng cáo trên trang cá nhân với các nhãn hàng.
Một hoa hậu nộp thuế 4,7 tỉ đồng, ngành thuế sẽ kiểm tra 35 văn nghệ sĩ
Đặc biệt, ngày nay rất nhiều nghệ sĩ còn trở thành những "ngôi sao" chốt đơn hàng khi livestream bán hàng. Nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại VN là Facebook, Shopee và TikTok. Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, có sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán. Nhiều phiên livestream của người nổi tiếng, giới văn nghệ sĩ có doanh thu vài chục đến hàng trăm tỉ đồng. Doanh thu thực ra sao, những người bán hàng qua mạng, đặc biệt là nghệ sĩ, người nổi tiếng đóng thuế như thế nào vẫn là mối quan tâm của nhiều người.
Cục Thuế TP.HCM cho biết khó khăn trong việc quản lý cá nhân hoạt động TMĐT là không thực hiện đăng ký thuế, không lên làm việc tại trụ sở cơ quan thuế theo thông báo. Đối với doanh nghiệp kinh doanh TMĐT, tuân thủ thời điểm xuất hóa đơn đang trở nên khó khăn. Sau khi cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện hành vi sai phạm xuất hóa đơn sai thời điểm.
Vì thế, một trong những biện pháp chống thất thu thuế trong lĩnh vực này được cơ quan thuế đưa ra trong năm 2025 là tăng cường công tác kiểm tra thuế với những cá nhân, người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên nền tảng số có phát sinh từ hoạt động TMĐT, thu nhập từ tiền lương tiền công. Căn cứ theo nguồn dữ liệu của sàn TMĐT cung cấp cho cơ quan thuế, Cục Thuế TP.HCM tăng cường công tác rà soát, xử lý 52.700 cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, hoạt động trên sàn TMĐT do 6 sàn cung cấp. Trong năm 2025, số thu dự kiến đối với cá nhân kinh doanh là 702 tỉ đồng và thực hiện rà soát và xử lý đối với 20.900 tổ chức. Dự kiến xử lý hoàn thành vào tháng 3.2025.
Công khai "danh sách đen"
Trước đây, việc bêu tên nợ thuế được áp dụng khá nhiều với các doanh nghiệp chây ì. Nhưng năm 2025 đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết sẽ thực hiện công khai những cá nhân không tuân thủ quy định về thuế nhằm nâng cao ý thức. Thực ra nhiều năm trước đây, cơ quan thuế công bố kết quả kiểm tra và truy thu thuế một số văn nghệ sĩ, người nổi tiếng. Tuy nhiên thời gian gần đây, biện pháp này không còn thực hiện nhiều, thay vào đó là biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn.
Ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) - Cục Thuế TP.HCM, nhớ lại thời bắt đầu triển khai thuế TNCN cách đây hơn 10 năm cơ quan thuế đã tập trung đến giới nổi tiếng và đánh động đến cả xã hội sắc thuế mới này. Bởi khi đi sâu vào lĩnh vực này, cũng còn nhiều vấn đề.
Giới văn nghệ sĩ hưởng cát sê rất lớn cho mỗi bài hát. Thế nhưng, phía sau họ là cả một ê kíp. Ca sĩ nhận tiền thù lao cao, nhưng chi phí lớn cho trang phục biểu diễn, đạo cụ, vũ công, vé máy bay, ăn ở… Những chi phí này không được trừ ra trước khi tính thuế nên các ca sĩ đã thành lập công ty quản lý để thực hiện ký kết hợp đồng. Tiền cát sê này được tính vào doanh thu công ty nên những chi phí phát sinh cho ca sĩ từ ăn mặc, đi lại được trừ ra.
Ngày nay, giới văn nghệ sĩ, người nổi tiếng còn thực hiện bán hàng livestream hay trên các sàn TMĐT nên được xem là cá nhân, hộ kinh doanh. Nếu vậy thì thuế đóng có thể thực hiện là thuế khoán trên doanh thu kê khai. Từ trước đến nay doanh thu kinh doanh của hoạt động này vẫn là ẩn số, rất khó có thể kiểm soát được.
"Trước đây, cơ quan thuế thực hiện thông tin về danh sách giới văn nghệ sĩ nợ thuế, điều này gây tác động đến những người nổi tiếng. Việc cơ quan thuế công bố thông tin những người bán hàng TMĐT không lên làm việc với cơ quan thuế hay những người nợ thuế dù không được đánh giá cao nhưng có thể thực hiện nhằm nâng cao ý thức người nộp thuế", ông Nguyễn Thái Sơn cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường đại học Công nghệ và Kinh doanh Hà Nội, cho rằng cần tuyên truyền về thuế liên quan TMĐT cho văn nghệ sĩ. Nếu thành lập doanh nghiệp thì được trừ chi phí, quản lý thuế tốt hơn. Doanh nghiệp được trừ đi chi phí trước khi tính thuế. Kinh doanh phải kê khai thuế, đó là trách nhiệm của người nộp thuế. Cơ quan thuế mời không lên cơ quan thuế thì không được công bố thông tin, trong trường hợp kiểm tra phát hiện có trốn thuế thì ra thông báo và thực hiện cưỡng chế. Thông báo ra công chúng là quyền riêng tư nên không được lạm dụng. Chỉ được thông báo khi nợ thuế quá hạn.
Người nộp thuế, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ liên quan danh tiếng nên việc thông báo chưa rõ ràng sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Vì thế cần thận trọng trong công bố ra công chúng. Trong thời gian tới sàn TMĐT khấu trừ thuế đối với người bán hàng trên sàn nên phần nào chống thất thu thuế với các hoạt động trên sàn.
Ông Nguyễn Ngọc Tú
Bình luận (0)