Bỏ ruộng vì phí
Hiện nay, tôi biết ở nhiều vùng nông thôn, người nông dân phải bỏ ruộng mà nguyên nhân chính là phải đóng quá nhiều phí, lệ phí. Nào phí dịch vụ HTX nông nghiệp, phí chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo vệ thực vật, bảo vệ đồng ruộng, thủy nông, quỹ nội đồng, quỹ hội nông dân... mỗi sào lúa lãi gần 100.000 đồng nhưng tiền thuế, phí phải đóng gấp đôi thì hỏi sao người dân không bỏ ruộng? Lương Tấn Linh(linhluong_muina@yahoo.com)
Tự nguyện mà như bắt buộc
Tôi thấy nhiều loại phí người thu nói là tự nguyện, như phí làm đường, khuyến học, xóa đói giảm nghèo... nhưng cách thu không khác gì bắt buộc khi đưa ra “mức đóng góp” cụ thể, không đóng thì bị nhắc nhở... Nhiều người ở khu phố tôi chỉ có cách trốn khi thấy cán bộ đến thu tiền mà thôi. Trần Ngọc (ngoc_tran34@gmail.com)
Đụng đâu cũng thấy phí
Bây giờ, đụng cái gì cũng có phí. Doanh nghiệp vận tải kêu trời về phí cầu đường quá nhiều, quá cao. Dân ở chung cư cũng đóng hằng hà sa số phí. Thậm chí, để được làm công việc thu gom rác, người dân cũng phải đóng đến vài ba thứ phí, rồi bà con tiểu thương ở các chợ cũng đóng quá nhiều phí, đến giao dịch bất động sản cũng vậy... Mỗi lĩnh vực, mỗi địa phương mỗi loại phí chung và riêng, mỗi thứ đóng một ít nhưng cộng lại là con số rất nhiều. Trương Minh Hoàng (ongtunui@yahoo.com)
Tôi cho rằng số phí, lệ phí hiện cao hơn con số 432 rất nhiều, vì nhiều địa phương không báo cáo thực tế về những loại phí, lệ phí do mình đặt ra. Trần Kim Tuyến (Dĩ An, Bình Dương) Nhà nước cần rà soát tổng thể nhằm thống nhất khung pháp lý về mức thu, việc sử dụng phí, lệ phí. Đặc biệt, cần chấn chỉnh theo hướng giảm bớt khoản thu và mức thu phí, lệ phí; thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thu - chi các loại phí ở các địa phương, các ban, ngành để tránh tình trạng phí chồng phí, loạn phí. Cao Văn Nhân (Q.Gò Vấp, TP.HCM) Thanh Đông |
Ban CTBĐ
(tổng hợp)
Bình luận (0)