Sớm khai thông 'ổ khóa' dữ liệu

20/06/2023 04:13 GMT+7

Câu chuyện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) gặp vướng mắc không phải là mới, mà đã nhiều lần được đề cập tại các cuộc họp, từ cấp bộ đến Chính phủ.

Vướng thì đã nhận diện rõ: cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, thiếu sự liên thông, công tác chỉ đạo một số nơi còn chưa quyết liệt… Vấn đề là, giải pháp nào để tháo gỡ những nút thắt ấy.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ví như xương sống của Đề án 06, cung cấp "mạch máu" dữ liệu cho dịch vụ công của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Nếu coi đây là "chiếc két sắt" dữ liệu thì "ổ khóa" là sự liên thông giữa các bộ, ngành, "chìa khóa" chính là thẻ CCCD gắn chip.

Đến nay, "két sắt" đã được lấp đầy dữ liệu bằng việc chính thức vận hành kể từ tháng 7.2021, "chìa khóa" cũng sẵn sàng với hơn 80 triệu thẻ CCCD gắn chip đã cấp cho người dân trên toàn quốc. Thế nhưng, những bánh răng của "ổ khóa" vẫn chưa thể vận hành trơn tru để "chìa khóa" khai mở "két sắt", thể hiện qua việc lúng túng trong chia sẻ, đồng bộ dữ liệu.

Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, tính tới tháng 6.2023, tức gần 2 năm kể từ khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào vận hành, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương vẫn vướng mắc, còn tình trạng "cát cứ thông tin", "co cụm dữ liệu", "manh mún", "chia cắt".

Đó chính là nguyên nhân khiến những bánh răng của "ổ khóa" chưa thể ăn khớp, mà theo lời Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, "chuyển đổi số phải chuyển động trước hết từ các bộ, ngành, một cách đồng bộ; không thể một bộ đi nhưng 4, 5 bộ khác đứng yên".

Làm sao để không còn sự "đứng yên"? Giải pháp thì có nhiều, nhưng căn cơ là cần một nhận thức thực sự nghiêm túc từ lãnh đạo các bộ, ngành, kèm theo những hành động mang tính khẩn trương, quyết liệt và dứt khoát. Muốn Đề án 06 đạt hiệu quả như kỳ vọng, yếu tố đồng bộ là tiên quyết, từ hạ tầng kỹ thuật đến con người vận hành, rồi kinh phí triển khai. Đồng thời, việc xây dựng hành lang pháp lý cũng rất quan trọng, bởi chính sách pháp luật luôn phải đi trước một bước, tránh tình huống bi hài như chia sẻ của một lãnh đạo UBND phường tại Hà Nội, rằng Bộ Tư pháp thí điểm triển khai giấy khai sinh điện tử nhưng khi người dân xuất trình bản điện tử đó thì công an lại không chấp nhận vì không có dấu đỏ!

Người dân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình (làm thủ tục cấp CCCD, tích hợp thông tin, cài đặt ứng dụng VneID…), phần còn lại là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Hãy để khẩu hiệu "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm" trở thành hiện thực, bằng việc sớm cho họ thụ hưởng các tiện ích mang lại từ Đề án 06.

Thước đo của Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số chính là tốc độ cắt giảm thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này. Với việc đẩy mạnh giao dịch trên môi trường điện tử, lợi ích của người dân, doanh nghiệp sẽ được đảm bảo; bởi ở đó có sự minh bạch, đơn giản và hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.