|
* Ông đánh giá như thế nào khả năng tăng trưởng tín dụng 2013?
- Ông Phạm Xuân Hòe: Tăng trưởng tín dụng 2013 chắc chắn sẽ được cải thiện, bởi tín dụng đang là kênh dẫn dắt chính sách tiền tệ chủ lực của Việt Nam. Xứ mệnh của NHNN phải ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tuy nhiên cần phải có sự hỗ trợ cho tăng trưởng.
Có hai nguyên nhân tín dụng sẽ cải thiện. Thứ nhất, Thống đốc vừa có ý kiến về một số giải pháp giải cứu thị trường bất động sản (BĐS), trong đó có việc kích nhu cầu của người tiêu dùng, thu nhập thấp, trung bình có nhu cầu mua nhà thực sự. Chắc chắn lượng tín dụng vào BĐS sẽ tạo ra hiệu ứng giữa các ngành như vật liệu xây dựng, trang trí, nội thất. Luồng vốn sẽ chuyển động, nhu cầu tín dụng tăng lên.
Thứ hai, năm tới tập trung quyết liệt xử lý nợ xấu, nợ xấu xử lý đến đâu luồng vốn sẽ được khai thông đến đó.
* Xu hướng điều hành lãi suất của NHNN trong năm tới?
- Ông Phạm Xuân Hòe: Vừa qua, Thống đốc có thông tư điều chỉnh lãi suất, đưa trần huy động về 8%. Điều hành lãi suất năm tới vẫn căn cứ theo tín hiệu của lạm phát. Bên cạnh đó, phải kết hợp với lãi suất đồng ngoại tệ, tỷ giá để bình ổn tốt thị trường tiền tệ, tăng dự trữ ngoại hối, giảm tình trạng đô la hóa. Tuy nhiên, căn cứ vào tín hiệu lạm phát vừa qua, ngay từ bây giờ NHNN đang tính tới bước đi cụ thể và kế hoạch để trả lãi suất về với thị trường.
* Khó khăn, thách thức trong điều hành chính sách của NHNN thời gian tới là gì, thưa ông?
- Ông Phạm Xuân Hòe: Những năm qua, nền kinh tế dồn áp lực lo vốn quá lớn cho ngân hàng (NH), hệ thống luôn phải đối mặt với rủi ro, hệ số vay nợ của các doanh nghiệp (DN) khá cao. Bên cạnh đó, chỉ số tài chính của DN, điểm xếp hạng tín dụng đang bị giảm sút. Vì vậy, để có đủ điểm tiếp cận tín dụng hay không đang là vấn đề lớn của DN và của các NH.
Thách thức khác là phải xử lý căn bản căn bệnh thanh khoản của hệ thống tín dụng. Tuy nhiên, cần tiếp tục củng cố sự bền vững, đặc biệt chênh lệch kỳ hạn giữa huy động và cho vay khá lớn. Bởi nếu NH huy động 1 tháng, cho vay 6 tháng phải quay vòng tối thiếu 5 lần mới đủ được nguồn vốn đáp ứng cho vay ra 6 tháng. Mỗi lần như vậy, các NH phải bỏ ra chi phí để bù thanh khoản. Chưa kể, chi phí bù cho phần rủi ro trong môi trường đầy rủi ro nền kinh tế.
* Giải quyết tình trạng này như nào, thưa ông?
- Ông Phạm Xuân Hòe: Theo tôi, nên chăng ở thời điểm như thế này, lạm phát thấp, vĩ mô ổn định các NH thương mại cần phải hoạch định cơ cấu lại sản phẩm tiền gửi. Đặc biệt chú trọng hơn nguồn tiền gửi trung và dài hạn để cân đối cho phần tài trợ dư nợ trung và dài hạn. Điểm này là then chốt, nếu không thu hẹp chênh lệch giữa kỳ hạn cho vay ra và huy động, vẫn để nó luôn luôn lớn thì rõ ràng thanh khoản không thể giải quyết tận gốc, thì NH không thể cho vay trung, dài hạn nhiều được.
Anh Vũ (ghi)
Bình luận (0)