Sớm trang bị kiến thức khởi nghiệp cho giới trẻ

12/10/2006 00:21 GMT+7

Mở đầu cuộc đối thoại với các nhà doanh nhân trẻ diễn ra chiều 11/10, tại TP.HCM do T.Ư Hội Doanh nghiệp trẻ VN (DNT) tổ chức với sự tham gia của doanh nhân ở 34 tỉnh, thành trên toàn quốc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đưa ra một số giải pháp giúp các doanh nghiệp phát triển đội ngũ doanh nhân tương lai:

"Hội DNT và Bộ GD-ĐT cần soạn tài liệu giới thiệu những doanh nhân VN trẻ thành đạt. Tổ chức những khóa học cho các bạn trẻ muốn lập doanh nghiệp. Biên tập sách cẩm nang giải đáp các thắc mắc về kinh doanh cho những người mới bắt đầu kinh doanh...”.

Bức xúc về vấn đề ý thức của người lao động chưa cao khi được tuyển dụng, anh Nguyễn Thành Nhơn - Phó chủ tịch Hội DNT TP.HCM hỏi: "Bao giờ thì ngành giáo dục và các doanh nghiệp gặp nhau để doanh nghiệp bày tỏ về tác phong của người lao động?". Bộ trưởng trả lời ngay: "Giáo dục của nước ta trong thời gian dài là đào tạo theo cung chưa đào tạo theo cầu. Chính vì thế, trong tháng 12/2006, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội thảo về vấn đề đào tạo theo nhu cầu của xã hội"...

Anh Trần Phúc Tiến - Giám đốc Trung tâm đào tạo Việt Nam Hợp Điểm phát biểu: "Phải dạy cho giới trẻ (nhất là ở bậc phổ thông trung học) biết thế nào là kinh doanh, lợi nhuận, thế nào là văn hóa công ty, tác phong công nghiệp... Bộ GD-ĐT cần phải đưa kiến thức doanh nghiệp vào trường học...". Theo anh Tiến, sở dĩ anh đặt vấn đề này với Bộ trưởng là vì hiện nay rất nhiều sinh viên ra trường còn rất mơ hồ về kiến thức kinh doanh, các doanh nghiệp phải tốn chi phí đào tạo. Anh Tiến còn viện dẫn các mô hình giảng dạy của nhiều trường phổ thông ở Singapore, các môn học: quản trị kinh doanh, kế toán, cách thành lập công ty, đạo đức lao động... đều được coi là bắt buộc.

Còn anh Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch Hội DNT Nghệ An nói: "Theo quan điểm của tôi, cần phải sớm xem lại việc giáo dục đại học hiện nay, thực tế sinh viên chỉ hiểu biết lý thuyết, có nhiều em khả năng thuyết trình, soạn thảo văn bản còn rất kém... Nên chăng thổi khát vọng làm giàu vào chương trình đào tạo?". Bộ trưởng trả lời: "Lỗi này cũng một phần là do các doanh nghiệp vì trong quá trình học, các em đi thực tập hầu hết các doanh nghiệp đâu có nhận! Tôi mong rằng Hội DNT Việt Nam quan tâm nhắc nhở các doanh nghiệp thành viên giúp các em có một quá trình thực tế". Bộ trưởng cũng cho rằng, thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng thêm nhiều buổi học ngoại khóa về khởi nghiệp giúp học sinh, sinh viên tập kinh doanh...

Ngoài ra, tại buổi gặp gỡ, các doanh nhân đã có nhiều ý kiến đóng góp để củng cố và phát triển Hội DNT VN và xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực để phát triển doanh nhân tương lai hướng tới mục tiêu 500 ngàn DN đến 2010. Cũng tại buổi gặp gỡ đối thoại này, Hội DNT VN và Bộ GD-ĐT đã ký kết bản ghi nhớ về vấn đề thực tập và giải quyết việc làm cho sinh viên. Hội DNT VN đã quyên góp được hơn 500 triệu đồng để ủng hộ đồng bào vùng bão.

Võ Ba - Thiên Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.