Sơn đồ cổ và 'kho báu' Thành Nam

24/09/2015 09:51 GMT+7

Một thanh niên trẻ đã say mê tìm kiếm những hiện vật, tư liệu cũ về Thành Nam (TP.Nam Định xưa) và anh đã có một “kho báu” tái hiện TP này từ thế kỷ trước.

Một thanh niên trẻ đã say mê tìm kiếm những hiện vật, tư liệu cũ về Thành Nam (TP.Nam Định xưa) và anh đã có một “kho báu” tái hiện TP này từ thế kỷ trước.

Triệu Thanh Sơn cùng những tư liệu về TP.Nam Định mà anh sưu tập - Ảnh H.LongTriệu Thanh Sơn cùng những tư liệu về TP.Nam Định mà anh sưu tập - Ảnh H.Long
Từ cuối năm 2014, từng góc của Thành Nam xưa bắt đầu tái hiện trên trang facebook có tên là “Thành Nam xưa và nay”. Tác giả của nó là một người Nam Định tên là Triệu Thanh Sơn, 32 tuổi, được mọi người gọi bằng biệt danh “Sơn đồ cổ” hoặc “Sơn già”.
Sơn cho biết đến với việc sưu tập tư liệu về Thành Nam bắt đầu từ một bức ảnh cổ về tháp chùa Phổ Minh năm 2009. Nhìn bức ảnh chụp từ khoảng những năm 1940 về ngôi chùa tháp nổi tiếng của Nam Định của một người Pháp, Sơn ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của ngôi chùa. Từ đó, Sơn tìm kiếm những tư liệu, hình ảnh cũ về các danh thắng khác của Thành Nam như cột cờ, chùa Vọng Cung, nhà thờ Khoái Đồng, Thành cổ Nam Định, các phố cổ, rồi các phong tục, tập quán của người Nam Định xưa, nhất là thời điểm TP này là đô thị phồn hoa với 44 phố Hàng, 4 phố Bến, 4 phố Cửa... “Càng tìm hiểu, tôi càng thấy choáng ngợp trước lịch sử của Thành Nam xưa đến mức say mê lúc nào không biết”, Triệu Thanh Sơn tâm sự.
Mua lại tranh của tác giả nước ngoài
Gần 6 năm tìm kiếm, Triệu Thanh Sơn hiện có trong tay gần 200 bức tranh, ảnh về TP.Nam Định xưa. Trong đó, có gần 100 ảnh chụp từ đầu thế kỷ 20, nhiều bức chụp từ những năm 50, đặc biệt là có rất nhiều ảnh “độc” về các danh thắng, phong tục, nếp sống như trường thi Thành Chung, phố cổ, chùa Vọng Cung, tháp Phổ Minh, nhà thờ Khoái Đồng…Theo Triệu Thanh Sơn, nhiều bức anh phải mua của các tác giả nước ngoài, nhiều nhất là của Pháp với giá hàng trăm USD. “Để mua được các bức ảnh đó, ngoài tích cóp từng đồng khi đi làm, tôi đã từng phải bán cả đồ cổ do ông nội tôi để lại”, Triệu Thanh Sơn chia sẻ.
Cùng với biệt danh “Sơn đồ cổ”, Triệu Thanh Sơn còn gắn bó với biệt danh “Sơn già” vì cuộc sống lăn lộn khá sớm với nhiều nghề. Tốt nghiệp Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nam Định, từng công tác tại Nhà Văn hóa 3-2 rồi Đoàn Cải lương tỉnh Nam Định, sau đó đầu quân cho Công ty biểu diễn nghệ thuật Hồng Phúc (Hà Nội). Tuy nhiên, nghiệp ca hát không giữ được Sơn lâu.
Vì muốn được đi, được biết những vùng đất mới, Sơn xin làm hướng dẫn viên du lịch. Nhưng đi đến đâu, Sơn cũng chăm chăm hỏi về văn hóa, lịch sử, nghe thấy có đồ cổ là bỏ cả khách đi xem, nên chẳng làm được lâu. Nhà ở cạnh làng nghề cây cảnh Điền Xá, Sơn cũng mày mò đi học nghề trồng cây cảnh, nhưng cũng chỉ được vài năm lại bỏ nghề vì “chẳng thể ở nhà lâu”. Mới đây, vì có giọng hát hay, lại “biết ăn nói” nên Sơn được mời làm quản lý cho một phòng trà - ca nhạc ở TP.Nam Định.
Ấp ủ cho triển lãm "Thành Nam xưa và nay"
Ngoài 30 tuổi, lăn lộn nhiều nghề, mà Triệu Thanh Sơn đến nay vẫn trắng tay vì “cứ tích cóp được đồng nào là tôi lại đi đến những vùng đất mới để tìm kiếm cổ vật”. Sơn cho biết, thú chơi này của anh được thừa hưởng từ ông nội, cụ Triệu Công Thìn, một lái tàu viễn dương có tiếng say mê đồ cổ ở Thành Nam thời Pháp thuộc.
Ngay từ nhỏ Triệu Thanh Sơn đã bắt đầu sưu tầm những con tem, đồng xu, rồi những hiện vật như bát, đĩa ở nhiều niên đại khác nhau. Mỗi món đồ cổ, anh đều tìm hiểu về niên đại, giá trị lịch sử và ghi chép tỉ mỉ theo sự hướng dẫn của ông nội. Thói quen tìm hiểu cặn kẽ, ghi chép đầy đủ đối với từng hiện vật dù nhỏ nhất đã giúp Sơn sớm có được những kiến thức khá hệ thống về cổ vật.
Tháng 11.2014, Triệu Thanh Sơn bắt đầu thực hiện ý định quảng bá TP.Nam Định xưa bằng việc tạo trang “Thành Nam xưa và nay” trên facebook. Cùng với đăng tải những bức ảnh, Sơn còn tìm kiếm và gắn kèm thông tin lịch sử. Kỳ công hơn, Sơn đến các địa danh trong ảnh, chụp hiện trạng để người xem so sánh. Đến nay, trang facebook này đã có trên 5.000 thành viên, được xem là một kho tư liệu về TP.Nam Định cổ với hàng vạn lượt truy cập. Sơn cũng nhận được rất nhiều đề nghị xin, thậm chí là hỏi mua bản quyền đối với những bức ảnh đẹp về Thành Nam. “Niềm say mê Thành Nam của tôi không phải để kinh doanh nhưng với những ai yêu thích Thành Nam xưa, tôi đều gửi tặng những bức ảnh, tư liệu họ cần. Nhiều lúc, tôi tự in, đóng khung ảnh để gửi tặng”, Sơn nói.
Triệu Thanh Sơn cũng dự định mở một triển lãm “Thành Nam xưa và nay”, trưng bày khoảng hơn 100 bức tranh, ảnh và tư liệu về Thành Nam được đối chiếu với hiện tại, nhưng chưa đủ kinh phí.
Theo ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng Nam Định, trang “Thành Nam xưa và nay” của Triệu Thanh Sơn khá công phu về mặt sưu tập, tìm kiếm và đối chiếu tư liệu. Đặc biệt có nhiều ảnh đẹp về các danh thắng của Thành Nam xưa. Đối chiếu với một số tư liệu, hiện vật do Bảo tàng Nam Định quản lý như: Thành cổ Nam Định, tháp Phổ Minh, một số hình ảnh về phố cổ, trường thi Nam Định... thì tư liệu của trang facebook này trùng khớp, tương đối chính xác và được trích từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.