Sông Bắc Hưng Hải bị đầu độc suốt ngày đêm: Vạch trần hành vi xả thải trộm

Qua nhiều ngày tìm hiểu, nhóm PV Thanh Niên đã phát hiện một số nguồn xả thải đang ngày ngày 'bức tử' những con kênh chảy ra dòng sông Bắc Hưng Hải.

Đường đi của dòng nước thải đen ngòm từ KCN

Những dấu hiệu bất thường khiến kênh Trần Thành Ngọ có màu đen đặc, bốc mùi hóa chất được người dân đưa ra và chính quyền sở tại hé lộ, đã giúp nhóm PV Thanh Niên có thêm những thông tin trong hành trình vạch trần thủ đoạn xả thải ra môi trường tại Khu công nghiệp (KCN) dệt may Phố Nối B (H.Yên Mỹ, Hưng Yên).

KCN dệt may Phố Nối B hiện có 60 doanh nghiệp (DN) hoạt động, trong đó 80% là các công ty dệt nhuộm. Dù đã đi vào hoạt động nhưng KCN này mới chỉ có một nhà máy xử lý nước thải vận hành, còn một nhà máy đang trong giai đoạn hoàn thiện, nên KCN thường xuyên ở tình trạng quá tải trong công tác xử lý nước thải. Trong khi đó, để được hoạt động, tất cả DN trong KCN phải ký hợp đồng xử lý nước thải với đơn vị vận hành.

Sông Bắc Hưng Hải bị đầu độc suốt ngày đêm: Vạch trần hành vi xả thải trộm- Ảnh 1.

Nhà máy xử lý nước thải số 2 chưa đi vào hoạt động nhưng xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng

ĐÌNH HUY

Sông Bắc Hưng Hải bị đầu độc suốt ngày đêm: Vạch trần hành vi xả thải trộm- Ảnh 2.

Bãi đất trống “ngập” nước thải của KCN

Theo quy trình, nước thải của các công ty sẽ theo đường ống đổ về nhà máy xử lý nước thải số 1. Từ nhà máy này, nước thải sẽ được xử lý trước khi đổ ra môi trường. Tuy nhiên, trong nhiều ngày tìm hiểu, PV phát hiện nước thải của KCN này không đổ về nhà máy xử lý nước thải số 1 mà xả thẳng ra môi trường, thông qua hệ thống thoát nước mưa với thủ đoạn dùng ống ngầm tinh vi.

Ai đầu độc sông Bắc Hưng Hải - Kỳ 2

Hệ thống thoát nước mưa của KCN này được bố trí chạy quanh các trục giao thông, trước cửa các công ty, điểm cuối đổ ra bể chứa nước mưa và thông với kênh Trần Thành Ngọ. Xung quanh hệ thống thoát nước, các nắp cống được thiết kế cẩn thận. Lợi dụng việc KCN ít người qua lại, công ty đã thiết kế thêm đường ống ngầm, thông trực tiếp vào đường thoát nước mưa.

Cứ thế, mỗi ngày nước thải không qua xử lý đã chảy thẳng ra môi trường. Không rõ đã có bao nhiêu mét khối nước thải được xả ra kênh Trần Thành Ngọ, chỉ biết kể từ khi KCN này hoạt động thì người dân nhìn thấy dòng kênh dần đổi màu. Nhiều năm trở lại đây, dòng kênh luôn trong tình trạng nước đen đặc, nồng mùi hóa chất và không sinh vật nào sống nổi.

Sông Bắc Hưng Hải bị đầu độc suốt ngày đêm: Vạch trần hành vi xả thải trộm- Ảnh 3.

Công an dùng xà beng kiểm tra vết xi măng mới được xây lại ở hệ thống thoát nước thải của Công ty Đại Hoa

Sông Bắc Hưng Hải bị đầu độc suốt ngày đêm: Vạch trần hành vi xả thải trộm- Ảnh 4.

Đoàn kiểm tra của Ban Quản lý KCN tỉnh Hưng Yên kiểm tra Công ty Đại Hoa

Dùng xà beng cạy nắp cống thoát nước mưa trong KCN vào nhiều thời điểm trong ngày, chúng tôi phát hiện dòng nước đen kịt, sặc mùi hóa chất vẫn còn đang bốc hơi nóng chảy ào ạt ra môi trường. Ngoài việc đổ ra kênh Trần Thành Ngọ, dòng nước đen còn chảy ra một bãi đất trống rộng nhiều héc ta, cách nhà máy xử lý nước thải số 2 (chưa đi vào hoạt động) vài trăm mét. Nước thải ngày đêm đã biến bãi đất trống này thành "bể chứa" đen ngòm, hơi bốc lên nghi ngút.

Đáng chú ý, ngay tại thời điểm phát hiện xả trộm nước thải theo hệ thống nước mưa, nhóm PV đã thông báo trực tiếp cho cấp quản lý môi trường gần nhất (Phòng TN-MT TX.Mỹ Hào, Ban Quản lý KCN tỉnh Hưng Yên, Công ty CP phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối, Sở TN-MT tỉnh Hưng Yên), nhưng từ sáng đến chiều vẫn không có lực lượng chức năng nào đoái hoài, xin thông tin để đến hiện trường xác minh, kiểm tra.

Cảm thấy bất bình trước thái độ làm việc của các sở ngành, đơn vị liên quan, PV đã vào trực tiếp trụ sở Công ty CP phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối (đơn vị quản lý, vận hành KCN) để phản ánh, song không có cán bộ nào tiếp nhận.

Sông Bắc Hưng Hải bị đầu độc suốt ngày đêm: Vạch trần hành vi xả thải trộm- Ảnh 5.

Bể chứa nước mưa của KCN dệt may Phố Nối B, nước màu đen đặc quánh, bốc mùi hóa chất, phía miệng cống thoát nước liên tục có váng chảy ra

Sông Bắc Hưng Hải bị đầu độc suốt ngày đêm: Vạch trần hành vi xả thải trộm- Ảnh 6.

Chai nước được múc ra từ cống thoát nước mưa của KCN dệt may Phố Nối B

Tiếp tục lần theo những dấu hiệu bất thường, đi dọc về phía đầu nguồn của kênh Trần Thành Ngọ, nhóm PV phát hiện thêm nguồn nước đục màu đen, kèm theo những hạt vi nhựa chảy thẳng ra kênh từ làng Đan (P.Dị Sử, TX.Mỹ Hào). Nơi đây có khoảng hơn 100 hộ dân sản xuất, tái chế nhựa. Dù trời không mưa nhưng xung quanh ngôi làng này, những cống thoát đều ngập nước màu đen, bốc mùi hôi thối.

Theo người dân địa phương, tình trạng làng Đan xả thải trực tiếp ra kênh Trần Thành Ngọ xảy ra từ rất lâu nhưng vẫn chưa bị xử lý.

Lãnh đạo sở "sửng sốt" khi biết kênh bị "bức tử"

Ngay sau khi nắm được đầy đủ bằng chứng về việc xả thải trộm, nhóm PV đã cung cấp cho ông Trần Đăng Anh, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hưng Yên. Khi xem những bằng chứng và làm việc trực tiếp tại KCN dệt may Phố Nối B, ông Anh tỏ ra bất ngờ về hành vi xả thải này.

Cùng thời điểm chúng tôi làm việc với ông Trần Đăng Anh, đoàn kiểm tra do Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên thành lập, xuống kiểm tra hạ tầng của Công ty TNHH dệt may Đại Hoa (Công ty Đại Hoa). Công ty này cho 2 DN là Công ty TNHH dệt may Lực Thiên Đông Thìn và Công ty TNHH dệt kim Bangjie thuê mặt bằng để sản xuất.

Sông Bắc Hưng Hải bị đầu độc suốt ngày đêm: Vạch trần hành vi xả thải trộm- Ảnh 7.

Đại diện đơn vị quản lý KCN và lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Hưng Yên đi kiểm tra thực tế cùng PV Thanh Niên

Sông Bắc Hưng Hải bị đầu độc suốt ngày đêm: Vạch trần hành vi xả thải trộm- Ảnh 8.

Đường thoát nước mưa của KCN dệt may Phố Nối B nhưng lại có nước thải chưa qua xử lý

Theo quan sát, trước cổng của hai công ty này đã được đào đất lên và xuất hiện một đường ống thông vào lối thoát nước mưa của KCN đã được chặn lại. Đại diện Công ty CP phát triển hạ tầng dệt may Phố Nối cho biết, nhiều khả năng Công ty Đại Hoa là thủ phạm xả nước thải trực tiếp qua đường nước mưa.

Trong quá trình kiểm tra hệ thống thoát nước mưa của Công ty Đại Hoa, đoàn kiểm tra phát hiện một số bất thường như cống thoát nước mưa được thiết kế hai ống nước thải sinh hoạt chảy vào; nhiều vết đục cắt, xây lại vẫn còn mới từ hệ thống thoát nước thải của công ty. Đặc biệt, đại diện Công ty Đại Hoa phân bua việc xả thải qua cống thoát nước mưa là do... sự cố đấu nhầm ống.

Sông Bắc Hưng Hải bị đầu độc suốt ngày đêm: Vạch trần hành vi xả thải trộm- Ảnh 9.

Khu vực cống ngầm của Công ty Đại Hoa xả nước thải vào đường nước mưa

Ai chịu trách nhiệm ?

Chưa nói đến hành vi xả thải trộm hay đấu nhầm vào cống nước mưa thì tính riêng trong vòng một tuần, số nước thải mà Công ty Đại Hoa xả ra môi trường chỉ khoảng 2.100 m3. Con số này quá nhỏ so với những khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn P.Dị Sử. Dòng nước đen ngòm, không có sinh vật nào sống được ở con kênh Trần Thành Ngọ dài 7,5 km khiến người ta đặt câu hỏi liệu có phải chỉ Công ty Đại Hoa là "thủ phạm"?

Sông Bắc Hưng Hải bị đầu độc suốt ngày đêm: Vạch trần hành vi xả thải trộm- Ảnh 10.

Người dân nhảy xuống bể chứa nước mưa của KCN dệt may Phố Nối B để tìm cống ngầm

Sông Bắc Hưng Hải bị đầu độc suốt ngày đêm: Vạch trần hành vi xả thải trộm- Ảnh 11.

Nước thải từ làng nghề sản xuất nhựa chảy thẳng ra kênh Trần Thành Ngọ

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Đăng Anh khẳng định tỉnh ủng hộ DN phát triển nhưng không có nghĩa là đánh đổi với môi trường. Mọi hành động gây ô nhiễm, thiệt hại cho môi trường đều sẽ bị xử lý nghiêm. "Chúng tôi đã lấy mẫu nước và đang kiểm tra, xác minh làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị. Không loại trừ khả năng xả trộm của các công ty ra môi trường", ông Anh nhấn mạnh.

Trong khi Chính phủ đang quyết liệt đưa ra những giải pháp để "hồi sinh" sông Bắc Hưng Hải thì ở nhiều nơi vẫn ngang nhiên xả thải, đầu độc những con kênh chảy ra dòng sông này. Trách nhiệm thuộc về ai khi cuộc sống của người dân hai ven bờ Bắc Hưng Hải vẫn đang bị đe dọa từng ngày?

Xả thải ra môi trường có thể phải bị trách nhiệm hình sự ?

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, cho biết hành vi xả chất thải trái phép ra môi trường là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại điều 7 luật Bảo vệ môi trường 2020. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà cá nhân, tổ chức xả thải bừa bãi ra môi trường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hình sự, hành vi vi phạm có thể cấu thành tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà sẽ có các chế tài xử lý tương ứng, với mức phạt tù cao nhất 7 năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.