'Sông băng Ngày tận thế' có thể tan rã trong 3 năm

La Vi
La Vi
17/12/2021 07:01 GMT+7

Hiệp hội Địa vật lý Mỹ ngày 13.12 chỉ ra hình ảnh vệ tinh mới cho thấy sông băng Thwaites đang xuất hiện các vết nứt ngày càng lớn trên bề mặt.

Thwaites là sông băng lớn nhất thế giới ở tây Nam cực, kéo dài khoảng 120 km và sâu từ 800-1.200 m. Nó còn có tên gọi là "Sông băng Ngày tận thế", vì nếu sông băng này đổ vỡ sẽ kích hoạt một loạt đổ vỡ trong hệ thống sông băng Nam cực. Theo nghiên cứu mới nhất, "ngày tận thế" này có thể sẽ đến sớm hơn dự kiến.

Sông băng Thwaites

reuters

Nhà khoa học nghiên cứu về băng Erin Pettit tại Đại học bang Oregon (Mỹ) cảnh báo rằng: "Thềm băng phía đông có khả năng bị tách ra thành hàng trăm tảng băng. Cả khối băng có thể sập đột ngột".

Theo giới khoa học, việc tan chảy của sông băng có diện tích khoảng 170.000 km2 (tương đương gần một nửa diện tích Việt Nam) sẽ khiến lượng nước biển gia tăng hằng năm lên khoàng 4%.

Trước đây, phần phía đông của sông nối với một núi ngầm và ổn định hơn. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy các vết nứt ngày càng lớn dần và nước biển ấm lên càng khiến tốc độ nứt ngày càng tăng.

Bà Pettit cảnh báo rằng phần phía đông sẽ đổ sập trong 3-5 năm tới và sẽ tác động dây chuyền đến các phần khác. Việc này có thể châm ngòi cho thảm họa, khiến mực nước biển toàn cầu dâng lên, đe dọa đến cuộc sống của người dân vùng ven biển.

Khí hậu nóng lên đã khiến sông băng Thwaites tan chảy và trở nên bớt ổn định. Tính từ thập niên 1980 đến 2017, sông băng đã mất 600 tỉ tấn băng. Khi nước biển càng ấm lên, sông băng sẽ bớt kết dính với phần đất và gia tăng nguy cơ sụp đổ.

Mặc dù tác động đầy đủ của việc sông băng Thwaites bị sập có thể mất nhiều thế kỷ, nhưng dữ liệu mới khiến giới khoa học cảm thấy bớt lạc quan.

Theo dự báo của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), đến năm 2100, biến đổi khí hậu sẽ khiến mực nước biển dâng cao thêm 0,6 - 1,8 m, chủ yếu là do băng tan tại Nam cực và Greenland.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.