Sống bằng nghề vẽ tranh thú cưng, cô gái khiếm khuyết nhiều lần xúc động

14/04/2022 08:25 GMT+7

Để không phải trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác, Trần Ngọc Anh Thư (25 tuổi) dù không may bị khiếm khuyết nhưng đã tự vươn lên, sống bằng nghề vẽ những bức tranh thú cưng cho người nước ngoài.

Bị mẹ bỏ rơi ở chùa

Anh Thư không biết mình được sinh ra ở đâu. Cô chỉ biết mình bị mẹ bỏ ở một ngôi chùa thuộc tỉnh Đồng Nai khi mới vừa 5 tuổi. Từ đó, Thư sống cùng những trẻ mồ côi và được các sư cô nuôi nấng, chăm sóc.

Anh Thư vượt qua nghịch cảnh để theo đuổi đam mê vẽ tranh

Thùy Anh

Sống cùng trẻ mồ côi khác nhưng chỉ mình Thư là trẻ khiếm khuyết nên cô luôn cảm thấy tự ti về bản thân. Mỗi ngày, Thư tự thu mình lại với thế giới xung quanh. Cô chọn bút chì, giấy trắng để làm bạn. Hễ buồn chuyện gì, Thư ngồi vẽ về nỗi sợ, những chuyện mình gặp phải lên giấy để giải tỏa nỗi niềm.

“Ở chùa, các bạn ai cũng có người đến nhận làm con nuôi còn tôi thì không, tôi nhìn mà buồn lắm. Cuối cùng, có một chị đến và nhận tôi làm em nuôi, thế là tôi mới cảm thấy cuộc đời này thật ấm áp vô cùng”, Thư xúc động chia sẻ.

Lớn hơn, khi được đi học, Thư bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về hội họa. “Tôi học vẽ thông qua các kênh YouTube chứ không phải học chính thống”, Thư kể lại.

Cứ thế, hành trình thời học phổ thông của Thư là những chuỗi ngày đi học và vẽ tranh. Cô thể hiện những bức tranh trắng đen với gam màu tối trên nền giấy trắng.

Vừa tốt nghiệp THPT, Thư đậu ngành công nghệ thông tin, nhận được học bổng nhưng bỏ dở giữa chừng. Năm tiếp theo, Thư tiếp tục thi và đậu vào ngành dược một trường cao đẳng ở TP.HCM theo nguyện vọng của các sư cô.

Những bức tranh thú cưng được Anh Thư vẽ theo đặt hàng của nhiều người nước ngoài

NVCC

Những bức tranh màu ra đời

Thư bắt đầu vẽ tranh nhiều hơn, vẽ chân dung để tặng chị nuôi. Những gam màu tối được thay bằng những nét vẽ nhiều màu sắc ấm áp. Dần dần cô không còn tự ti, mà cảm thấy yêu đời nhiều hơn dù bản thân là người khiếm khuyết.

Thư bày tỏ nhiều cảm xúc khi vẽ tranh thú cưng bị dị tật

Năm 2016, Thư rời chùa, một mình vào TP.HCM để học tập. Cô gái có dáng vóc mảnh khảnh, lưng cong, tay chân co quắp nhưng đầy nghị lực khi sống ở thành phố. Thư ôm ba lô đi thi, thuê trọ, một mình đi lại giữa thành phố rộng lớn.

Tốt nghiệp ngành dược nhưng Thư lại có một lựa chọn khác, phù hợp với bản thân là vẽ tranh. “Tôi quyết định không theo ngành dược như nguyện vọng của sư cô nữa. Trong một lần tham gia dự án phi lợi nhuận tôi nhận được lời mời từ một người chú vẽ một bức tranh thú cưng rồi tặng cho chú. Không ngờ, đó là khách hàng đầu tiên của tôi”, Thư tâm sự.

Từ bức tranh thú cưng đó, nhiều người nước ngoài biết đến Thư và cô nhận được nhiều đơn đặt hàng. Đa phần những người nước ngoài đều muốn Thư vẽ tranh thú cưng của họ. Cô cảm thấy mình khá tự hào khi làm được một công việc yêu thích mà không phụ thuộc vào ai.

Thư chia sẻ: “Có một đơn hàng mà tôi nhớ nhất là khi nhận vẽ một con chó, con mèo khuyết tật bị chủ nhân bỏ rơi vì nó khá giống với hoàn cảnh của tôi. Hoặc có lúc tôi vẽ những chú chó đã mất của khách hàng. Khi xem xong họ khóc rất nhiều. Tôi vẽ mà xúc động lắm. Nhiều lúc tự nghĩ nó chỉ là thú cưng còn được chủ yêu thương nhưng mình thì không được ba mẹ yêu thương như vậy”.

Cô mong ước sẽ được vẽ nhiều hơn nữa và làm công việc mình yêu thích

NVCC

Trung bình Thư vẽ xong một bức về thú cưng trong vòng 3 ngày. Sau 2 năm làm nghề vẽ, Thư cho hay cô đã vẽ hơn 100 bức cho những vị khách nước ngoài.

Sống trong căn phòng trọ nhỏ tại Q.3, TP.HCM, Thư giờ đây đã tự mình trả chi phí hàng tháng bằng cách vẽ tranh. Cô nghĩ rằng dù bị khiếm khuyết nhưng bản thân không tự ti, cố vươn lên thì mọi thành công sẽ đến. Thư cũng thầm cảm ơn người chị nuôi, chú khách hàng đầu tiên đã truyền cảm hứng cho những bước đường đã qua.

“Thay đổi nhiều nhất của tôi là không còn nghĩ người khác nghĩ gì về mình. Tôi dám đứng trước đám đông để thuyết trình, không còn cảm giác người khác kỳ thị mình nữa. Tôi cảm thấy công việc vẽ thú cưng có ý nghĩa vì đó là những bức tranh mang đầy kỷ niệm”, Thư nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.