Osin
Tôi đang vật lộn với đủ thứ nghề để kiếm sống, lấy đâu ra tiền để trả cho Osin. Tuy nhiên, mấy cậu bạn ở chung nhà trọ nói, chỉ tiết kiệm một chút là đủ tiền trả cho người giúp việc cả tháng. Hóa ra tiền công cho Osin ở Mumbai nói riêng và Ấn Độ nói chung rất rẻ.
Osin ở đây cũng khá giống ở Việt Nam, với 2 hình thức: Osin ở cùng chủ nhà (live-in maids) và chỉ làm hết việc rồi sang nhà khác. Cả 2 Osin tại nhà trọ của tôi đều thuộc dạng thứ 2 nên họ có thể mỗi ngày làm cho 4 – 5 nhà.
Mỗi tháng, tiền công cho người lau dọn là 1.000 rupees (Rs), tức khoảng 400 ngàn đồng, còn cho người giặt quần áo là 250Rs (100 ngàn đồng). Phần lớn người dân ở đây còn thuê thêm người nấu đồ ăn chay với mức 2.000Rs/tháng (800 ngàn đồng) bao gồm cả tiền công và tiền thức ăn.
Hầu hết Osin mặc saree, gắn hạt bindi trên trán và có thái độ nhún nhường, chân thật.
Ở đây con gái phải ăn mặc kín đáo, quần sóc áo hai dây tuyệt đối cấm. Một lần do đãng trí lại đang vội, tôi mặc quần ngắn ra đường, mọi người nhìn tôi chằm chằm. Tại đây, bạn không được mặc đồ hở vai, nhưng có thể hở rốn. Saree là trang phục truyền thống mát mẻ nhất mà tôi từng thấy, với phần bụng và nửa lưng dưới để lộ ra ngoài. |
|
Nhức đầu vì giao thông
Là thành phố đông đúc nhất thế giới lại đang mùa lễ hội nên giao thông ở Mumbai thật tệ. Hẹn ăn tối với bạn cách nhà khoảng 8km, nhưng tôi phải mất tới 3 tiếng mới đi đến nơi.
Tại Mumbai, hầu hết người dân đi lại bằng phương tiện công cộng tàu, xe buýt, taxi và auto-rikshaw (loại xe 3 bánh có mái che, chở được 3 người). Ô tô sản xuất ở Ấn Độ giá rất rẻ, có loại xe 4 chỗ giá chỉ 100.000Rs (khoảng 40 triệu đồng). Cậu bạn ở cùng nhà trọ Ashwin có xe nhưng ít khi dùng vì chỗ đậu xe khan hiếm, giá xăng đắt đỏ. Một lít xăng ở đây giá 55Rs (22 ngàn đồng), đắt hơn Việt Nam, gấp 2,5 lần giá xăng ở Malaysia và 4 lần giá xăng ở Brunei.
Tàu và xe buýt ở đây khá rẻ, khoảng 5Rs-12Rs một lượt đi (2 ngàn - 5 ngàn đồng) và đi đến hầu hết mọi ngóc ngách của thành phố. Nhưng để làm quen với hệ thống đó thì không đơn giản chút nào, nhất là với người nước ngoài.
Bến xe buýt chỉ ghi số xe buýt sẽ đến đây mà không ghi rõ xe đó sẽ đi đâu về đâu. Số xe buýt đều được viết bằng chữ số Hindi mà may mắn là sau hơn một tuần ở đây, cuối cùng tôi cũng học được cách đọc. Xe buýt hiếm khi chờ cho người lên hết rồi mới đi tiếp, mà mọi người phải nhảy lên khi xe còn đang chạy.
Đi tàu ở đây có thể nói là cơn ác mộng. Trước khi sang đây, tôi đã từng cười lăn lóc khi xem hình những đoàn tàu chật ních người ở Ấn Độ. Nhưng khi phải tự mình chen lấn xô đẩy trong những đoàn tàu đó, tôi chỉ muốn khóc. Chưa bao giờ tôi thấy nhiều người đến thế! Không khí ngột ngạt khiến mọi người lao ra đứng gần cửa, nên việc lên xuống lại càng khó khăn.
Cũng may tàu ở Mumbai có phân chia khoang dành cho nam nữ riêng biệt nên phụ nữ không phải lo lắng bị sàm sỡ. Vé khoang hạng nhất dành cho nữ giới tuy có đắt đỏ hơn một chút, nhưng ít người hơn. Sau vài lần nhỡ bến vì không thể lách ra khỏi cửa được, tôi đành phải bấm bụng mua vé hạng nhất.
Đồ ăn vỉa hè
Đồ ăn vỉa hè hiển hiện ở mọi nơi như một phần cuộc sống của Mumbai. Cứ ra khỏi nhà là gặp người đứng bán hàng trong lều nhỏ với 1 cái bàn hoặc bán hàng rong trên xe đạp. Họ bán từ đồ ăn sáng như idly (bánh bột gạo chấm với nước tương), andaar paav (bánh mì vuông kẹp trứng), prathan (giống roti nhưng có nhân khoai tây), đến đồ ăn tối như dosa (bột gạo cán mỏng, rán lên), frankie (bột gạo cuộn lại với trứng, khoai tây hay thịt bên trong); từ đồ ăn chính như mì xào đến đồ ăn vặt như đỗ lạc hầm, hành chiên bột...
Giá đồ ăn vỉa hè ở đây rẻ. Một đĩa 6 viên panipuri (một dạng bánh bột rán) giá chỉ từ 6 - 10Rs (2.400 - 4.000 đồng). Với 20-30Rs (8.000 - 12.000 đồng) bạn có thể tiêu thoải mái với đồ ăn vỉa hè.
Điều khiến nhiều người ngại ăn đồ vỉa hè là do chất lượng vệ sinh. Người bán hàng thường dùng tay trần chạm vào đồ ăn. Ban đầu khi nhìn thấy người bán panipuri nhúng sâu cả bàn tay vào bát nước dùng, tôi sợ không dám ăn. Nhưng ở đây mãi rồi cũng thành quen.
Theo Tiền Phong
* Sống bụi ở Mumbai - Bài II: Cạm bẫy tình
Bình luận (0)