Thật khó hình dung một cô gái đến từ Việt Nam, không bằng cấp, không quen biết, không nói được tiếng địa phương như tôi lại có thể cạnh tranh với những bạn trẻ ở Mumbai khi xin việc. Hầu hết Cty đều yêu cầu tôi phải có visa lao động bởi người nước ngoài không được phép làm việc với visa du lịch, trong khi muốn có visa lao động trước hết phải có công việc. Tôi sang Ấn Độ với visa du lịch có thời hạn 6 tháng và chỉ còn 2 tháng nữa hết hạn.
Mumbai có kinh đô điện ảnh Bollywood nên trong thời gian là bồi bàn, lễ tân, tôi vài lần làm diễn viên trong phim quảng cáo của Bollywood với mức thù lao 500 rupees (RS)/ngày, tức khoảng 200.000 VND. Tuy nhiên, do nghề này mất nhiều thời gian, đòi hỏi lòng kiên nhẫn và năng khiếu diễn xuất nên tôi đành từ bỏ.
Tôi còn được giới thiệu với anh Imran, điều phối viên (người phụ trách tuyển diễn viên quần chúng) có tiếng ở Bollywood luôn có trong tay danh sách của 50-60 diễn viên người nước ngoài. Qua anh, tôi được biết để trở thành điều phối viên phải có quan hệ, quen biết hầu hết đạo diễn, nhà sản xuất phim.
Ở Mumbai chỉ có khoảng 4-5 điều phối viên trụ được. Hỏi liệu tôi có trở thành trợ lý cho anh không, anh gật đầu, xin số điện thoại. Mấy ngày sau anh gọi tôi liên tục, không phải để làm việc mà rủ rê tôi đi ăn chơi, hẹn hò...
Bạn bè ở đây giúp tôi bằng cách đăng tin tìm việc trên internet. Một đạo diễn gửi tin nhắn hỏi tôi có muốn làm việc trong đoàn làm phim không. Tôi mừng quýnh, lập tức gọi điện để gặp. Ông cho biết đang quay bộ phim tiếng Hindi ở một vùng đồi núi và cần trợ lý đạo diễn. Ông bảo trông tôi xinh xắn dễ thương, chắc làm trợ lý tốt. Đạo diễn đề nghị mức lương 20.000Rs/tháng (8,7 triệu VND) với điều kiện tôi phải chuyển đến gần nhà ông để tiện cho công việc. Mỗi lần đi quay, tôi phải đi cùng, ăn ở và làm mọi việc cùng ông. Qua lần gặp gỡ đầu tiên tôi phải trốn chạy.
|
Trực điện thoại, viết báo tự do
Nghề khác khá phổ biến ở đây là trực tổng đài điện thoại. Để tiết kiệm chi phí trả lương cho nhân viên, những Cty ở Mỹ, Anh, Úc... đặt tổng đài ở Ấn Độ để trả lời các yêu cầu qua điện thoại từ khách hàng ở nước họ. Cả 2 anh bạn thuê trọ cùng nhà đều làm việc cho tổng đài với mức thu nhập trên 25.000RS/tháng (10 triệu VND). Allen là quản lý cấp cao, dưới anh có khoảng 80 nhân viên, còn Titus là quản lý cấp trung. Cả 2 đều có mức sống khá thoải mái dù điều kiện chỉ là thông thạo tiếng Anh.
Tuy nhiên, do chênh lệch múi giờ, những người ở trung tâm điện thoại đều có giờ làm việc rất oái oăm, không thích hợp với tôi. Swapnil, bạn mới quen của tôi, cũng từng làm việc cho tổng đài của doanh nghiệp ở Anh, ca từ 1h chiều đến 11, 12h đêm. Cậu làm ở đó 1 năm rồi thề không bao giờ quay lại vì đây là nghề quá căng thẳng, phải liên tục tiếp nhận hàng trăm cuộc điện thoại phàn nàn của khách hàng. Tự nhận thấy sức chịu đựng của mình có hạn, tôi từ bỏ.
Công việc mà tôi làm trước đây ở Việt Nam và Malaysia là quản lý social media (truyền thông xã hội), sử dụng mạng xã hội, diễn đàn, blog để quảng bá sản phẩm, chiến dịch hay duy trì quan hệ với khách hàng. Tại Mumbai, tôi nộp hồ sơ vào 2 Cty nhưng không thành do một số lý do tế nhị. Nơi tôi đặt nhiều hi vọng nhất là Cty WATConsult. Anh Rajiv Dingra, người sáng lập Cty mới 25 tuổi, nói rất hài lòng sau khi phỏng vấn tôi. Khi tôi đề nghị mức lương khá cao, Rajiv nói rằng sẽ cân nhắc, nhưng đến nay vẫn chưa gọi lại.
Tìm việc quá khó, tôi quay sang viết lách. Qua giới thiệu, khá nhiều báo mạng ở Mumbai liên hệ mời tôi viết với điều kiện không trả nhuận bút. Cậu bạn Swapnil vừa giới thiệu tôi viết cho một Cty Israel như cộng tác viên thường xuyên. Nhuận bút cho mỗi bài viết không cao, nhưng nếu tôi viết chăm chỉ cũng đủ sống trong khi chờ đợi công việc ổn định...
>> Bài I: Vật lộn tìm phòng trọ
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)