Xây gần nghĩa trang, dân e ngại sử dụng
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án nhà máy nước sạch xã Cẩm Nhượng (H.Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) được triển khai xây dựng từ năm 1998 với tổng vốn đầu tư 2,2 tỉ đồng từ nguồn tài trợ của Chính phủ Đan Mạch và một phần đối ứng do người dân địa phương đóng góp. Công trình được xây dựng trên khu đất nằm gần nghĩa trang ở thôn Tân Hải, xã Cẩm Nhượng.
Theo thiết kế, công trình có công suất 800 m3/ngày đêm này sẽ cung cấp nước sạch cho toàn bộ gần 3.000 hộ dân xã Cẩm Nhượng. Nguồn nước nhà máy đưa vào xử lý là nước ngầm, được khoan ở độ sâu cách mặt đất khoảng 50 - 70 m. Khi hoàn thành, do nguồn nước ngầm hạn chế nên nhà máy chỉ đủ cung cấp nước cho khoảng hơn một nửa hộ dân sống cạnh nhà máy.
Đến nay, sau nhiều năm đưa vào sử dụng, nhà máy nước này đã bị xuống cấp nghiêm trọng, các thiết bị lọc nước hoen rỉ, hư hỏng. Mặc dù UBND xã Cẩm Nhượng từng bỏ kinh phí tu sửa song chẳng mấy hiệu quả. Tình trạng mất nước thường xuyên vẫn xảy ra buộc người dân phải sử dụng nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan không đảm bảo vệ sinh để sinh hoạt. Nhiều năm qua, UBND xã Cẩm Nhượng đã giao nhà máy nước cho một đơn vị tư nhân tự bỏ kinh phí đầu tư, quản lý và vận hành.
Ông Nguyễn Tiến Hà (51 tuổi, ngụ tại thôn Chùa, xã Cẩm Nhượng) cho biết, lâu nay gia đình ông vẫn sử dụng nước của nhà máy nhưng chỉ để tắm giặt, rửa ráy chứ không dám dùng để ăn uống.
"Nguyên nhân là do nhà máy được xây dựng cạnh nghĩa trang, dùng nước ngầm khoan sâu dưới lòng đất để xử lý nên người dân chúng tôi rất e ngại. Mặc dù đơn vị quản lý nhà máy cho rằng nước khi đưa đi kiểm nghiệm đảm bảo nhưng chúng tôi vẫn không yên tâm. Gia đình tôi và đa số người dân trong xã đều phải bỏ tiền đi mua từng can, từng bình nước ở các cơ sở sản xuất nước sạch tinh khiết về sử dụng. Dù rất tốn kém nhưng muốn đảm bảo sức khỏe thì phải chấp nhận", ông Hà chia sẻ.
Ông Nguyễn Thừa Dong, Giám đốc Nhà máy nước sạch Cẩm Nhượng, thừa nhận việc nhà máy nằm cạnh nghĩa trang khiến người dân không yên tâm, quan ngại nên không sử dụng để ăn uống mà chỉ dùng để tắm rửa. Chính vì lý do này mà khoảng gần một nửa dân số ở xã Cẩm Nhượng không mua nước sạch từ nhà máy.
"Hiện nay, nhà máy đang cấp nước cho khoảng 1.600 hộ dân. Chúng tôi cũng đã nhiều lần đưa mẫu nước đi kiểm nghiệm thì kết quả đều đảm bảo vệ sinh. Thời gian qua, chúng tôi vẫn thường xuyên tu sửa, nâng cấp các trang thiết bị của nhà máy để cấp nước cho người dân được tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi về chất lượng nước nên không dám sử dụng", ông Dong nói.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, trước đây nghĩa trang của xã nằm cách nhà máy nước sạch khá xa. Trải qua thời gian, nghĩa trang ngày càng nới rộng ra và hiện nay các phần mộ nằm sát bên cạnh nhà máy nước. Do đó, việc người dân có tâm lý e ngại khi sử dụng nước từ nhà máy là điều rất dễ hiểu.
"Tuy vậy, địa phận của xã nằm sát biển, không có nguồn nước sông suối để thay thế nên nhà máy buộc phải lấy nước ngầm. Hiện nay vẫn còn gần một nửa dân số của xã chưa có nước sạch để sử dụng. Để giải quyết bài toán này, chúng tôi đã đề xuất với cấp trên cho mở rộng dự án nước sạch Nam Thiên Cầm để cấp nước sạch cho 6 xã vùng biển của huyện. Dự án đang thực hiện giai đoạn 2 và khi hoàn thành thì số hộ dân còn lại của xã sẽ có nước sạch để sử dụng", ông Hùng thông tin.
Nhà máy nước hơn 9,5 tỉ đồng "có cũng như không"
Tương tự, nhiều năm nay phần lớn người dân ở TT.Nghèn (H.Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn chưa có nước sạch đảm bảo vệ sinh để sử dụng dù trên địa bàn có nhà máy nước được đầu tư hơn 9,5 tỉ đồng.
Theo phản ánh của người dân, cuối năm 2012, Nhà máy nước Tiến Lộc được xây dựng tại xã Tiến Lộc cũ (nay là TT.Nghèn) hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư dự kiến cung cấp nước cho toàn bộ gần 1.000 hộ dân xã Tiến Lộc cũ.
Nhà máy sau đó được chủ đầu tư bàn giao cho HTX nước sạch Tiến Lộc quản lý, vận hành. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy nước không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Ông Trần Đình Nhâm (75 tuổi, ngụ tại tổ dân phố Vĩnh Phong, TT.Nghèn) nói rằng gia đình ông lâu nay không có nước sạch để sử dụng dù nhà nằm gần nhà máy nước. "Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, gia đình tôi và nhiều hộ dân trong tổ dân phố chỉ được dùng nước sạch hơn 1 tuần, sau đó không còn được cấp nữa. Vì vậy, chúng tôi phải quay trở lại dùng nước giếng để tắm giặt và lấy nước mưa để ăn uống", ông Nhâm phàn nàn.
Anh Ngô Đức Kiểu, cán bộ vận hành Nhà máy nước Tiến Lộc, cho hay hệ thống máy bơm được trang bị cho nhà máy công suất nhỏ nên không thể đẩy nước cho toàn bộ hệ thống đường ống. Bên cạnh đó, một số đoạn đường ống thường xuyên bị vỡ, hư hỏng trong khi nguồn kinh phí nâng cấp, bảo dưỡng, sửa chữa và duy trì không có khiến việc cấp nước cho người dân chưa đạt hiệu quả. Hiện tại, nhà máy chỉ cung cấp nước cho khoảng hơn 200 hộ dân sống bên cạnh song cũng không được ổn định.
Theo ông Lê Xuân Đức, Chủ tịch UBND TT.Nghèn, Nhà máy nước Tiến Lộc sau thời gian dài đưa vào sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống các trang thiết bị cũng không còn đáp ứng được yêu cầu để vận hành hiệu quả. Địa phương đang xây dựng một nhà máy nước khác để thay thế nhằm cung cấp nước sạch đảm bảo vệ sinh cho các hộ dân trên địa bàn.
"Dự án nhà máy nước đang triển khai cũng sắp hoàn thành để đưa vào vận hành và sẽ sớm đấu nối đường nước cho các hộ dân chưa có nước sạch để sử dụng. Còn đối với Nhà máy nước Tiến Lộc đã xuống cấp, thời gian tới chúng tôi sẽ báo cáo với cấp trên để xin ý kiến, phương án xử lý", ông Đức thông tin.
Bình luận (0)