Sống chậm và kỷ nguyên ''slow''

21/01/2005 15:58 GMT+7

Nhàn cư vi bất thiện. Câu này hoàn toàn sai với những fan của slow-food, slow-cities và slow life. Thậm chí nhà báo Will Hutton còn khẳng định trên tờ The Guardian rằng nếu cuộc sống ở phương Tây chậm hơn một chút nữa, bớt căng thẳng thêm một chút nữa, nhàn rỗi thêm một chút nữa, thì Al Qaida và các thế lực khác chắc chắn sẽ không có ý định chống phá. Số báo bản lề 2004-2005 của tuần báo Courrier International còn có cả một chuyên đề lớn có cái tên như lời kêu gọi: Hãy sống chậm lại! Hân hạnh chào đón quý vị trong kỷ nguyên của slow.

Siêu tốc - căn bệnh của thế kỷ XXI

Tất cả chúng ta đang mắc căn bệnh chạy đua với tốc độ. Nhà xã hội học người Na Uy Thomas Hylland Eriksen đã dày công nghiên cứu và cho ra đời công trình có tên là OIoyeblikkets tyranni. Rask og langsom tid i informasjonssamfunnet (Thời gian bạo chúa. Nhanh và chậm thời tin học) Theo tác giả chúng ta đang sống trong thời đại thuốc lá thay cho tẩu, thư điện tử thay thư tay, các bài báo ngày càng có xu hướng ngắn hơn, các hình ảnh xuất hiện với tốc độ nhanh hơn... Nói tóm lại là mọi thứ đều có xu hướng nhanh và nhanh hơn nữa.

Một dàn nhạc cổ điển của Nhật Bản đã chơi Bản giao hưởng số 5 của Beethoven nhanh hơn nguyên bản tới 4 phút 15 giây. Một vở kịch của Ibsen ngày xưa dài 4 tiếng thì bây giờ các nghệ sĩ của Na Uy chỉ cần diễn trong vòng 2 tiếng. Ở thế kỷ XIV, dịch hạch phải mất 3 năm để chạy từ Silice sang Riga. Năm 2003, dịch SARS chạy từ Trung Quốc sang Canada đúng bằng thời gian của một chuyến máy bay. Tại sao chúng ta lại mất quá nhiều thời gian so với trước đây mà vẫn cứ thấy thiếu và rất thời gian? Theo Eriksen thì thay vì tận dụng thời gian rỗi chúng ta lại trở thành nô lệ của tên Thời gian bạo chúa.

Ăn chậm

Đồ ăn nhanh của Mc Donald làm mưa làm gió ở mọi nơi, mọi chốn. Nó nhanh chóng cuốn người ta vào vòng vội vã. Nhưng cũng có nhiều người không thích và không chịu được kiểu ăn tốc độ. Thế là bắt đầu xuất hiện những hiệp hội thích ăn uống những thứ không phải là fast-food. Dần dần nó trở thành một trào lưu, một cách sống khác hẳn với kiểu sống nhanh vốn thịnh hành ở các thành phố lớn. Những người sành ăn (tất nhiên là ăn rất lâu) sau đó được hiểu như những nhà sinh thái học và cả những người bảo vệ bản sắc văn hoá của mỗi thành phố mỗi địa phương trước sự tấn công ồ ạt của quá trình toàn cầu hoá, của tin học và mạng.

Ăn chậm, sống chậm ở đây không có nghĩa là quay về với tụt hậu, không phát triển? Không phải. Vấn đề là chính chúng ta phải tổ chức thời gian tốt hơn để được hưởng cuộc sống tốt hơn. Chưa bao giờ chúng ta có nhiều thời gian như bây giờ mà sao lúc nào cũng cảm thấy thiếu, cũng vội. Xét một cách thực dụng nhất thì chính những bữa ăn truyền thống được chuẩn bị cầu kỳ và thưởng thức kỹ càng dạy chúng ta cách chiến thắng thời gian mà không làm mất đi chất lượng của nó.

Thành phố chậm

Sống trong một thành phố chậm tức là sống kiểu khác, chậm hơn, năng suất có thể ít hơn (ít không có nghĩa là thấp), nhưng chắc chắn người hơn, môi trường trong sạch hơn, các thế hệ hiện tại và tương lai đoàn kết hơn, truyền thống địa phương được tôn trọng hơn trong một thế giới toàn cầu hoá và nối mạng.

Năm 2002, bốn thị trấn nhỏ (đều chưa đến 50.000 dân) là Orvieto, Bra (Piémont), Greve in Chianti (Toscane) và Positano (Campanie) hợp thành cái gọi là Cittàslow (Những thành phố chậm). Hiểu một cách đơn giản, Cittàslow là một phong trào hướng tới giảm tiếng ồn và sự đi lại quá đông đúc, giữ kiến trúc, phong cảnh cũng như truyền thống ẩm thực của địa phương.

Hiện nay ngoài hơn 40 tỉnh thành của Ý, Cittàslow đã kết nạp thêm hàng trăm thành viên khác của Anh, Đức, Séc, Nhật, Braxin, ... Orvieto, được coi là cái nôi của Cittàslow, có biểu tượng là một con ốc sên cõng trên mình nó cả một thành phố.

Osaka, thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản, không hẳn lúc nào cũng bận rộn, vội vã. Cuộc điều tra mới đây của Nihon Keizai Shimbun cho thấy số slow workers đang làm việc tại thành phố này là rất đông. Họ muốn làm việc theo nhịp riêng của họ mà không mấy quan tâm đến thu nhập. Điều đáng ngạc nhiên hơn là số lượng các công ty chấp nhận những công nhân sống chậm này cũng ngày một đông. ARRK, nhà sản xuất khuôn nhựa ở Osaka đã phải đưa thêm một nguyên tắc: free-lance. Nhân viên của ARRK có thể nhận nhiệm vụ, sau đó mỗi người làm theo cách riêng của mình. Khối lượng công việc Ban giám đốc giao tuỳ theo sở thích của mỗi người. Do đó chẳng có gì ngạc nhiên khi mức lương nhân viên có độ chênh đến mức khó tin từ 3 đến 20 triệu yên/năm. Nhưng đổi lại, họ có thể chỉ làm việc buổi sáng hoặc 3 ngày/tuần. Cái đích cuối cùng mà chúng tôi hướng đến là tăng năng suất phù hợp với phong cách sống của mỗi người (Toshiaki Onishi-GĐ ARRK).

Thành phố chậm không có nghĩa thành phố của những người lười biếng và thụ động. Chúng ta đang sống với những quy luật của hôm nay và những quy luật này chắc chắn gây cho chúng ta những áp lực. Thay vì để cho mọi thứ cuốn ta đi thì chúng ta hãy hành động để có thế sống tốt nhất. Tất cả những gì mà các công dân của Cittàslow làm hôm nay là tối đa hoá chất lượng cuộc sống. Mọi người thống nhất với nhau cùng hướng đến một sự phát triển bền vững và hài hoà.

Và sống chậm

Điều quan trọng không phải làm việc và trở thành một con người của công việc mà phải là biết chơi và trở thành người biết chơi. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không làm gì. Vấn đề ở đây không phải là tìm cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng mà phải là hiểu được rằng để sống một cuộc sống thực sự thì cần biết chơi và phải đưa triết lý này vào trong mọi hoạt động của chúng ta.

Chơi, đó là tưởng tượng, trải nghiệm và dám mạo hiểm và kết quả chẳng có gì là quan trọng cả vì ta đã xác định trước với nhau đó là một cuộc chơi. Nếu bắt đầu từ nguyên tắc chúng ta là một người chơi và thế giới sẽ không ngừng vận động nếu dự định của chúng ta không đi đến đâu, thì chúng ta có nhiều cơ may để sống đam mê hơn, có được nhiều thời gian hơn và xây dựng được nhiều mối quan hệ bền chặt hơn. Và quan trọng hơn cả là chúng ta thực sự sáng tạo hơn.

Trong bài phỏng vấn trên The Ecologist, người sáng lập ra hội Slow Food (thành lập từ năm 1986 tại Roma và hiện đã có trên 100.000 thành viên) là Carlo Petrini đã khẳng định chắc chắn rằng Slow Food sẽ trở thành một học thuyết của thế giới.

Nhưng, cũng theo ông Carlo, học thuyết này không thể trở thành đại chúng vì nó chỉ được thịnh hành ở các nước giàu, nơi mà người ta không phải bận tâm đến miếng cơm, manh áo. Tất nhiên mục tiêu cuối cùng vẫn là bảo vệ truyền thống, bản sắc văn hoá địa phương, thì cả nước giàu và nước nghèo đều cần.

Sẽ là không tưởng nếu ai đó nghĩ rằng rồi đây cả thế giới sẽ sống chậm, nhưng biết đâu đấy khi đọc xong bài viết này bạn sẽ có cái nhìn chính xác hơn về giá trị của gia đình, người thân và giải trí. Cần lắm những khoảnh khắc bạn tắt điện thoại, không nhắc đến công việc, quan tâm đến những người ruột thịt và cùng họ trải qua những thời khắc tuyệt vời nhất. Có như thế bạn sẽ bắt đầu một ngày làm việc mới hiệu quả và sáng tạo hơn nhiều.

Xét cho cùng dù là ăn chậm hay sống chậm thì chẳng qua cũng là để mỗi chúng ta sống tốt hơn, cân bằng hơn mà thôi.

Tất nhiên không phải chậm lúc nào cũng tốt. Chính nhà báo Will Hutton, người đã có nhiều bài viết về 3 chậm (slow-food, slow-cities và slow life) cũng phải thú nhận ông thích ngồi trên máy bay để đến Mỹ hơn là đi bộ (mà chắc chắn là ông không thể đi được) và ông thích sống một cuộc sống chất lượng, cho dù nó có ngắn ngủi, hơn là ngồi tận hưởng tuổi già một cách thụ động để được coi là người sống thọ, chơi lâu, ăn nhiều và chết chậm.

Tuấn Anh
(SVVN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.