Trưa nắng chang chang, chị Huỳnh Thị Ênh lái chiếc vỏ lãi đi bán rau, cá trên sông, vừa chạy máy vừa rao hàng. Thế rồi giọng rao của chị đứt ngang khi chiếc vỏ composite bắt đầu chạy vào ngã tư kênh Chống Mỹ (xã Xà Phiên, Long Mỹ, Hậu Giang). Chiếc vỏ như bị mất dạng trong một rừng lục bình dày đặc, giăng kín mặt kênh. Kinh nghiệm bảo chị ghìm láp máy xuống thật sâu để "chân vịt" không vướng vào rễ lục bình. Hơn 30 phút, chỉ đi được một đoạn 50m rồi kẹt giữa "rừng" lục bình, dù chị có dùng cây chống, hay máy chạy hết tốc lực cũng không thể xê dịch. Dòng sông phủ đầy lục bình như chiếc bẫy khổng lồ ghìm chặt những chiếc xuồng nhỏ lỡ sa vào, tới cũng không được, lui cũng không xong.
Có mặt tại ngã tư kênh Chống Mỹ chưa đầy một giờ, chúng tôi chứng kiến nhiều cảnh xuồng ghe mắc kẹt, tắt máy, nhiều chiếc đã quay đầu trở hướng không tiếp tục đi vào con kênh. Một người dân sống bên kênh Chống Mỹ nói, người đi sông lỡ vào con kênh này vào ban ngày đã khổ, vào ban đêm, kẹt giữa "rừng" lục bình thì còn kinh hoàng hơn.
Kênh Chống Mỹ chỉ là một trong số hàng chục con kênh, con sông lớn nhỏ ở hai tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu lâm vào "vấn nạn" lục bình. Người ta đặt tên cho những dòng sông này là "dòng sông đau khổ". Khổ nhất là những gia đình sinh sống dọc theo những con sông này; có xuồng, có ghe nhưng cũng không thể đi lại. Có những con sông trước đây ghe xuồng đi lại tấp nập thì giờ đây đã trở nên vắng ngắt.
Kênh Lộ Hoang (Hậu Giang) không còn thấy mặt nước vì lục bình bao phủ - Ảnh: T.Trình |
Tuy nhiên, trên những con sông như Cái Bần, Cái Nai ở gần đó, dù dòng chảy không bị tác động nhưng lục bình vẫn sinh sôi dày đặc. Một hộ dân sống bên sông Cái Bần nói, do người dân bao chà bắt cá đã thả lục bình ra sông nên lục bình mới dày "cứng" sông như vậy. Xuồng ghe đi qua đây bị chết máy như ăn cơm bữa.
Ở xa hơn, sông Ngan Dừa giáp ranh hai tỉnh Bạc Liêu - Hậu Giang, người dân cũng bắt đầu lao đao với lục bình. Bà Năm Hiền, chủ những chiếc phà khách qua sông Ngan Dừa than, phà của bà luôn là nạn nhân của đám lục bình trôi lờ đờ trên sông. Chúng thường xuyên quấn vào "chân vịt", làm chết máy giữa dòng. Thường những lần vướng phải lục bình, tài công phải lặn sâu xuống sông mới gỡ ra được. Từ khi xuất hiện lục bình dày trên sông, những chiếc phà đưa khách ở đây đã phải tốn gấp rưỡi dầu so với bình thường.
Do lục bình trôi theo dòng chảy, đến một số nơi chúng bị vướng lại và sinh sôi với một tốc độ chóng mặt. Chẳng bao lâu, những khóm lục bình nhỏ đã nảy nở ra đầy cả sông. Không kể hết bao nhiêu con sông bị "nạn" lục bình hoành hành. Chỉ biết danh sách những con sông, con kênh bị chúng tấn công ngày càng dài thêm. Từ những con kênh nhỏ như kênh Mười Thước đến những con sông lớn như Ngan Dừa, Hậu Giang... đều nhanh chóng có sự hiện diện của lục bình và ở mỗi nơi, chúng đều gây khó dễ cho tàu ghe qua lại. Ghe tàu nếu không mắc kẹt giữa dòng thì cũng vướng lục bình vào động cơ. Không những làm mất thời gian mà còn gây hao tốn nhiều nhiên liệu. Thậm chí có nhiều nơi lục bình đã ngăn tàu ghe không thể chạy trên sông.
Ở vùng sông rạch chằng chịt như Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng... hơn 80% lượng lúa gạo, cá tôm, gà vịt, nông sản được vận chuyển bằng đường sông. Thế nhưng tình trạng lục bình lấn sông đã khiến việc sinh kế, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nhà nông gặp rất nhiều khó khăn, ách tắc. Chuyện khắc phục vấn nạn này thực ra không khó, chỉ cần mỗi hộ bỏ ra vài giờ để vớt sạch lục bình trên phần sông trước nhà mình, vừa làm thông thoáng cho sông, vừa lấy xác lục bình ủ phân bón cây lợi ích đôi bề, nhưng chưa ai "chịu khó" đứng ra làm. Trong khi đó chỉ cần chính quyền các xã, ấp vận động người dân dọn hoang thì chắc các dòng sông không đến nỗi bị "chết nghẹt" như lâu nay.
Tiến Trình
Bình luận (0)