Duyên nợ
Đến nhà họa sĩ Trần Trưởng, có cảm giác “gai” người vì xương rồng vây tứ phía: xương rồng trực diện, xương rồng nghiêng nghiêng, xương rồng liếc xéo, xương rồng mang dáng dấp của những phụ nữ… Đủ mọi cung bậc tình đời đã được chàng họa sĩ nghèo tiền nhưng giàu khát vọng này “mượn” xương rồng để giãi bày với thế giới.
Đam mê hội họa đến quên cả bản thân đang ăn gì, mặc gì, thiếu thốn từ nhỏ nhưng trước sau Trần Trưởng vẫn khoái chơi chất liệu “tốn kém” là sơn dầu với tông màu mạnh, đường nét góc cạnh đến tức thở. Bước vào tuổi 50, trải 30 năm cầm cọ với đủ mọi đề tài, tác phẩm của Trần Trưởng đã để lại một ấn tượng sâu lắng trong họa giới và công chúng miền Trung.
Cũng như nhiều họa sĩ có chút “trường trại”, Trần Trưởng ôm giấc mộng khôn nguôi với những đề tài trừu tượng và những phong cách “hoành tráng” để chinh phục công chúng. Nhưng cuối cùng, sao lại là xương rồng mà không là thứ gì khác ám ảnh anh? Trưởng phân trần: “Quê tui là xứ cát, đẻ ra tui đã thấy cát chạy, cát bay, cát đẩy, cát xoa dịu bao nỗi lòng… Vẽ lung tung xèng, bôi không biết bao nhiêu mảng màu, mòn không biết bao nhiêu cây cọ, tui vẫn thấy bức bí trong lòng. Thế nhưng khi chạm đến xương rồng, tui bỗng thấy như được an ủi, như đủ đầy, giàu có nhất trần gian. Vậy là vẽ xương rồng, xương rồng và xương rồng. Thực ra, xương rồng đã hiện trong tranh tui những ngày đầu còn học hội họa ở Nha Trang. Nhưng lúc đó hình như tui chưa biết xương rồng là… chính tui! Mấy năm trở lại đây, càng thêm tuổi, càng nặng suy nghĩ và rồi chợt nhận ra chỉ có xương rồng mới là nơi giải thoát cuộc đời “bôi màu” của mình…”.
Cây và hoa xương rồng có lẽ không là hình ảnh xa lạ trong tranh của các họa sĩ Việt Nam; thế nhưng lấy xương rồng làm đối tượng chính, xoi mói đến từng cái gai, sắc thân, cánh hoa xương rồng thì tôi biết chỉ có họa sĩ “điên” Trần Trưởng ở xứ Tuy Hòa, Phú Yên. Nhưng đóng góp độc đáo của Trần Trưởng là ở chỗ: trong tranh xương rồng của anh luôn hiện bóng con người với nhiều cung bậc. Kiên gan và dữ dội như xương rồng mới trụ được trên cát bỏng và đâm hoa đẹp nhường kia. Tôi nghĩ Trần Trưởng đã chọn đúng lối đi nghệ thuật của đời mình...
|
|
Họa sĩ Lê Đức Thắng, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật VN tại Phú Yên. |
Cũng như nhiều họa sĩ “vùng xa” khác, việc đưa tranh tiếp cận với công chúng và giới sưu tập có tiềm lực luôn là mơ ước khó thực hiện đối với một họa sĩ nghèo như Trần Trưởng.
“Ở Sài Gòn tui không vẽ được”
Trần Trưởng cưới vợ sớm, một bầy con gần nửa tiểu đội đã làm anh giằng xé bao ngày với nỗi lo cơm áo gạo tiền, cho con ăn học, nuôi con lớn khôn. Trưởng làm không thiếu nghề gì, từ cuốc ruộng, đi biển, đào vàng, tìm trầm, ngồi làm mẫu cho sinh viên vẽ… Cũng đã có hồi, Trưởng dứt áo đi kiếm sống ở Sài Gòn, phụ giúp mảng mỹ thuật cho một doanh nghiệp của người bạn, cũng đỡ ngặt cho gia đình một đoạn. Thế nhưng tiếng gọi của những doi cát, dải cát, rừng cát trùng trùng vùng biển Đông Tác quê hương đã hút anh trở về.
Trưởng tâm sự: “Có đói chết cũng trở về, ở Sài Gòn tui không vẽ được…”. Thế mới biết, người nào lỡ bị dòng máu nghệ sĩ ấp ủ quá nóng thì việc không sáng tác được coi như là… rồi đời! Trưởng trở lại quê nhà phụ vợ làm nước mắm, làm tất cả các việc dù có hay không liên quan đến nghề họa sĩ của mình để chắt chiu, tập trung sáng tác trong sự bủa vây của “đội tàu há mồm”.
Hùng Phiên
Bình luận (0)