Nhiều trang trại nuôi nhốt động vật hoang dã hung dữ trong khu vực dân cư nhưng không tuân thủ các quy định về an toàn đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Trại hổ ở khu vực cồn Tàu Voi (Xuân Tín, Thọ Xuân, Thanh Hóa) đang là nỗi lo sợ của người dân thôn 27 - Ảnh: Ngọc Minh
|
Chuồng nuôi cá sấu ở giữa khu dân cư ở xã Phú Ngọc, Định Quán, Đồng Nai - Ảnh: Lê Lâm
|
Một chuồng nuôi cá sấu giống ở xã Phú Ngọc (H.Định Quán, Đồng Nai) - Ảnh: Lê Lâm
|
Con cá sấu dài 2 m, nặng 32,5 kg bị anh Lương Văn Sal bắt được ở ao cá trước nhà vào ngày 15.12.2014 - Ảnh: Lê Lâm
|
Đã một tuần trôi qua nhưng người dân ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, H.Hóc Môn (TP.HCM) vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ việc bé D. bị con gấu nuôi trái phép cắn đứt lìa cánh tay. Một phụ nữ lớn tuổi, sống gần căn biệt thự nơi bé D. bị gấu cắn, nói: “Khi nghe bé bị gấu cắn tôi giật mình, một con gấu dữ như vậy nuôi trong nhà 3 năm trời mà không ai hay biết, như vậy thì thật nguy hiểm”.
Giật mình nghe tiếng hổ gầm
Người dân thôn 27, xã Xuân Tín, H.Thọ Xuân (Thanh Hóa) luôn cảm thấy bất an vì phải sống cạnh đàn hổ 11 con đang nuôi nhốt trong trang trại ở cồn Tàu Voi. “Đêm đêm đàn hổ dữ cứ gầm gừ, thi thoảng lại rống lên những âm thanh man dại, khiến ai nấy giật mình. Chưa kể do giống hổ chỉ chuyên ăn thịt, chuồng trại lại chật hẹp, những gia đình ở gần trại và bà con đi làm đồng phải hít thở không khí bị ô nhiễm bởi mùi thịt thối và mùi hôi của hổ”, một người dân trong thôn kể.
Hôm chúng tôi đến, những con hổ ở đây đang được cho ăn. Thấy người, mấy con hổ cùng lúc xộc tới, nhảy vồ lên hàng rào thép. Trại rộng khoảng 4.000 m2, 3 mặt tiếp giáp với cánh đồng và một mặt tiếp giáp với đường làng, xung quanh được xây tường cao khoảng 2,5 m, phía trên tường làm rào sắt B40. Tuy nhiên, do tường bao được xây trên nền đồi đất, nếu xảy ra mưa lũ hoặc vỡ đê gây xói mòn, có thể làm các bức tường sập đổ bất kỳ lúc nào, đàn hổ có thể thoát ra ngoài, gây mất an toàn cho người dân. Trận lũ hồi tháng 9.2012 gây vỡ đê tại xã Quảng Phú (H.Thọ Xuân), cạnh xã Xuân Tín, đã khiến nhiều người dân sợ hãi.
Tại Bình Dương, vào lúc cao điểm Công ty bia Pacific nuôi khoảng trên 40 con hổ lớn, nhỏ. Sau khi xảy ra vụ hổ vồ chết nhân viên trồng cây xanh ở khu du lịch Đại Nam (tháng 9.2009), Bộ NN-PTNT có kế hoạch tịch thu đàn hổ của các đơn vị này, nhưng sau đó lại tiếp tục cho nuôi “thí điểm”.
Cá sấu, rắn độc rình cắn người
Tỉnh Đồng Nai hiện có 229 trại đang nuôi gần 128.000 con cá sấu, tập trung nhiều ở xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu), dọc hai bờ sông La Ngà, thuộc hai xã La Ngà và Phú Ngọc của H.Định Quán. Các chuồng trại nuôi cá sấu được xây dựng rất đơn sơ với nền xi măng, xung quanh xây tường gạch cao từ 0,8 - 1 m, bên trên rào lưới B40, ở giữa nền là ao nước để cá ngâm mình. Ở xã Phú Ngọc, nơi được xem là thủ phủ cá sấu với số lượng hơn 60.000 con, nhiều hộ nuôi quy mô nhỏ lẻ, tận dụng khoảng vườn phía sau nhà, xây chuồng thả vài trăm con ngay giữa khu dân cư đông đúc. Anh Nguyễn Văn Hoàng, một người nuôi cá sấu ở xã Phú Lý, cho biết anh vẫn thường mua cá sấu sổng chuồng từ những người hành nghề đánh cá trong xã bắt được.
Tháng 10.2014, người dân sống ven lòng hồ Trị An ở H.Vĩnh Cửu lo lắng trước công văn hỏa tốc của UBND huyện về trường hợp một con cá sấu dài khoảng 1,2 m, do người dân nuôi đã để sổng ra hồ Trị An tại ấp 2, xã Mã Đà. Mãi đến cuối tháng 11.2014, lực lượng chức năng mới bắn hạ được con cá sấu hung dữ này. Tuy nhiên, ngày 15.12, một người dân lại bắt được một con cá sấu dài 2 m tại ao nước trước mặt nhà thông với hồ Trị An. Bà Huỳnh Thị Thanh Vân (xã Mã Đà), là người đã 5 lần giáp mặt con cá sấu trên, trong đó có lần bị cá sấu rượt cắn.
Tại xã Vĩnh Sơn (H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), nỗi lo bị rắn độc cắn luôn thường trực đối với người dân. Hầu hết các hộ gia đình ở đây mưu sinh bằng nghề nuôi rắn và chuyện rắn sổng bò từ nhà này sang nhà khác thường xuyên xảy ra. Thanh niên trong làng nhiều đêm đi chơi về khuya giẫm phải rắn ngay ở ngoài đường, bị rắn cắn phải đi cấp cứu. “Nhiều đêm đang ngủ, nghe tiếng động sột soạt, tôi mở mắt rọi đèn pin thì phát hiện một con hổ mang phì đen đang cạy màn định chui vào”, ông Hạ Văn Hoa, một người dân làng Vĩnh Sơn, nói. Theo ông Hoa, nhiều hôm đang đi ngoài đường, nghe tiếng kêu thất thanh của trẻ con, ông chạy vào thì thấy con rắn hổ mang đang cuộn tròn giữa nhà. Bố mẹ chúng không có nhà, mấy đứa trẻ không biết xử lý thế nào khi phải đối diện với hiểm nguy.
Tổng rà soát động vật hoang dã hung dữ
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Cites VN (Bộ NN-PTNT), cho biết trên địa bàn cả nước, các tổ chức và cá nhân đang nuôi nhốt trên 1.800 con gấu, 120 con hổ, 100 con voi, 1.000 trại cá sấu và 500.000 con... Đây là các loài động vật hoang dã hung dữ nhưng thời gian qua, nhiều cơ sở nuôi không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, không thực hiện đúng các quy trình về quản lý, nuôi, chăm sóc, đã đe dọa đến tính mạng, an toàn của người dân, gây ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng, đặc biệt có một số cơ sở đã để động vật hoang dã tấn công gây thương vong cho người.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng vừa ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý các cơ sở nuôi động vật hoang dã hung dữ để ngăn chặn những rủi ro trong hoạt động nuôi các loại động vật này. Theo đó, đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở nuôi động vật hoang dã hung dữ, đặc biệt là đối với những loài như voi, hổ, gấu, cá sấu, trăn, rắn trên địa bàn; kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi và tịch thu các cá thể động vật hoang dã hung dữ của những cơ sở không đảm bảo yêu cầu về an toàn, tiêu chuẩn chuồng trại theo quy định.
Khỉ sổng chuồng làm náo loạn khu phố
Khỉ nuôi cũng đang là nỗi lo của người dân ở nhiều địa phương. Tháng 9.2014, tại thị trấn Lộc Thắng (H.Bảo Lâm, Lâm Đồng), một con khỉ nặng khoảng 6 kg sổng chuồng làm náo loạn cả khu phố suốt thời gian dài. Khỉ vào nhà dân cắn phá quần áo, lấy điện thoại, bình sữa của trẻ nhỏ. Ban đêm thì mò vào bắt chim, gà, lấy cả ổ trứng gà đang ấp...
Trước đó, giữa tháng 5.2014, anh Hồ Phạm Tuấn (23 tuổi, ngụ thôn Fi Nôm, xã Hiệp Thạnh, H.Đức Trọng, Lâm Đồng) bị con khỉ đực đuôi lợn do chính anh mua từ nhỏ và nuôi đã 8 năm, cắn nát tay phải. Anh Tuấn cho biết, chú khỉ nặng khoảng 20 kg, bình thường rất thân thiện, nhưng hôm đó khi phát hiện khỉ sổng chuồng, anh tới bắt lại thì bất ngờ bị khỉ tấn công. Công an xã Hiệp Thạnh đã phải bắn hạ con khỉ “phản chủ” này để loại trừ mối nguy cho cộng đồng. |
Bình luận (0)