2 lần tự xây công trình chống ngập
Nhà bà Kiều nằm ở cuối "dòng kênh đen", trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Quá. Ở TP.HCM thường có 2 mùa nắng và mưa. Vào mùa nắng, mùi hôi thối từ con kênh bốc lên trùm kín không gian căn nhà nhỏ nơi bà trú ngụ. Còn đến mùa mưa, nước ở dòng kênh dâng nhanh, chảy ào ạt cuốn theo vô số rác tràn vào làm căn nhà. Từ đó đến nay đã gần 10 năm, gia đình bà Kiều luôn thấp thỏm mỗi đợt mưa về.
Căn nhà cấp 4 xây cách đây hơn 40 năm có phần chân tường đã nứt nẻ, luôn trong tình trạng ẩm mốc vì thường xuyên ngập nước vào mùa mưa. Năm này qua năm khác, dấu tích của vết ngập nước dễ dàng được nhìn thấy khi người lạ bước vào nhà của ông bà.
Chịu hết xiết, vợ chồng bà quyết định xây tường xi măng thay cho lớp hàng rào sắt để chống ngập. Ở lần xây đầu tiên, vợ chồng bà Kiều mượn 5 triệu đồng của người quen mua vật liệu.
Nỗi khổ ở hẻm không cống thoát nước: Ngập như cơm bữa, 'hứng' trọn rác sau mưa
Ông Nguyễn Văn Tiết (71 tuổi) chồng bà Kiều dựng lên bức tường cao 1 m với bề rộng 2 lớp gạch bao quanh nhà để chống ngập. Tuy nhiên, vì nhà nằm ở cuối con kênh, rác thải ùn ứ nên bức tường chắn nước bị đổ sập trong trận mưa lớn.
Không kịp trở tay, nước tràn vào nhà ngập quá đầu gối, mang theo rác thải, xác động vật… làm hư hỏng rất nhiều vật dụng trong nhà. Lớn tuổi, vợ chồng bà Kiều không còn đủ sức lội nước dọn dẹp nên để liều. Nước rút, họ thuê người dọn dẹp nhà, sân vườn với giá 2 triệu đồng. Rút kinh nghiệm, vợ chồng bà Kiều quyết định xây bức tường cao hơn, dày hơn và đổ bê tông kiên cố, chi phí gần 20 triệu đồng. Năm ngoái, vợ chồng bà Kiều "tạm yên ổn" vượt qua mùa mưa.
Nhưng như một thói quen, đến mùa mưa năm nay, bà Kiều lại thấy lòng thấp thỏm, nhiều đêm không ngủ được. Bà không dám chắc năm nay bức tường liệu có thể bảo vệ được căn nhà hay không vì ngay trận mưa đầu mùa, nước dâng cao, tràn qua bức tường cao 1,5 m, ngập nhà đến mắt cá nhân.
Không có quá nhiều rác nhưng bà Kiều vẫn hì hục cả buổi mới dọn dẹp lớp bùn hôi thối đọng lại khi nước rút. Dù công trình chống ngập tại nhà đã phần nào phát huy tính hiệu quả, nhưng mùi hôi từ dòng kênh chết ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của gia đình bà nhiều năm qua. Bởi vậy mà từ lâu, trong túi của họ luôn thủ sẵn chai dầu gió để xức lên mũi chống hôi, tay chân nhằm chống muỗi.
"Có nhiều lần thức giấc giữa đêm, tôi thấy khó thở lắm. Nhiều người không có ý thức bảo vệ môi trường, xả rác bừa bãi nên giờ chúng tôi ở đây phải chịu", bà Kiều nói.
Tự mình cứu mình
"Ngoài xây tường, chúng tôi còn xây thêm bục cao để kê tủ quần áo. Mọi vật dụng khác cũng đặt lên giường phòng trường hợp mưa lớn trở tay không kịp", giữa lòng TP.HCM, bà Kiều mô tả cảnh gia đình mình như thể người dân vùng rốn lũ.
Đã gần 10 năm nay, cứ đến đầu tháng 5 là vợ chồng bà Kiều đã lo dọn nhà, kê vật dụng, đồ đạc lên cao. Tuy nhiên, vì tình hình mỗi năm một tệ hơn, nước ngập sâu, rác nhiều thêm nên chồng bà Kiều đã có 2 lần nâng chiều cao của những kệ xi măng đặt tủ lạnh, máy giặt. Cũng ngần ấy thời gian, họ không còn nhớ nổi đã bao nhiêu lần phải mua máy giặt, tủ lạnh mới. "Mới thấy mưa nhỏ là tôi phải lo chạy xe về nhà ngay. Nếu không kịp, nước ngập đồ điện tử trong nhà là hư hết", ông Tiết – làm nghề chạy xe ôm kể.
Bà Kiều chia sẻ đã chọn mảnh đất này để "an cư lạc nghiệp" từ hơn 40 năm trước. Nơi đây, phía sau nhà có con kênh tự nhiên nước rất trong, 2 bên cỏ mọc xanh um, không khí mát mẻ.
Đoạn kênh chảy đến nhà bà Kiều thì bị "thắt cổ chai". Xung quanh toàn là nhà dân, dòng nước kênh chỉ còn một lối thoát duy nhất là tràn vào sân sau nhà bà Kiều, rồi tiếp tục chảy đầu hẻm. Mấy năm trước, còn sức khoẻ, sau khi kê hết đồ đạc trong nhà xong, ông bà thường ra bờ kênh dọn bớt rác, khơi thông dòng chảy. 2 năm nay sức khoẻ yếu, sợ trượt ngã nên họ đành bất lực nhìn rác ùn ứ, không biết làm gì hơn.
Xây bức tường chặn nước có lẽ là việc làm đúng đắn nhất của vợ chồng ông bà, sau nhiều năm "sống chung với lũ". Tại sao không xây sớm hơn?, câu hỏi đôi vợ chồng già thường được nghe nhưng họ chỉ biết trả lời rằng: "Già rồi làm gì có tiền"? Ngay đến cả bức tường chống ngập, vợ chồng ông bà cũng phải mượn và nhờ con cái hỗ trợ kinh phí.
Phía trước cổng, nắp cống bằng bê tông cũng được ông Tiết thuê thợ hàn nắp sắt với những lỗ thưa để nước thoát nhanh hơn. "Không có điều kiện dọn đi nơi khác, sống ở đây thì phải tự mình cứu mình thôi chứ biết trông cậy vào ai", ông Tiết nói.
Bình luận (0)