Đường số 41 phía trước nối với đường Tam Bình, phía sau giáp Rạch Dừa thuộc P.Hiệp Bình Chánh, dài khoảng 350 m. Hai bên đường, nhà dân và các xưởng sản xuất nằm liền kề. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, dù đã được nâng đường nhưng đường số 41 chưa có hệ thống thoát nước đầy đủ.
Chạy đua với con nước
Chiều cuối tháng 5 vừa qua, dù vừa qua đợt triều cường và trời không mưa nhưng nước ở Rạch Dừa vẫn dâng cao, ngấm qua lớp đê chảy vào đường lênh láng. Người dân sống ở khu vực này cho biết khoảng chục năm trở lại đây, đoạn đường này thường xuyên xảy ra tình trạng ngập nước đến quá đầu gối mỗi đợt triều cường hay mưa lớn.
Ông Sáu Long (59 tuổi), người lớn lên trên con đường này từ nhỏ chia sẻ: "Ngày xưa nơi đây vốn là con đường đất, nhỏ hẹp. Để tránh lầy lội, người dân tự đổ thêm xà bần trước mặt nhà mình. Ở đây cũng thưa người lắm, số nhà đếm được trên đầu ngón tay và có nhiều khoảng đất trống, rạch nhỏ để thoát nước".
Nâng nền nhà 3 lần vẫn ngập: Người dân thi nhau’ dọn dẹp, móc cống sau mưa
Khoảng mười năm nay, người từ nơi khác đến mua đất, dựng nhà kín hai bên đường, nâng nền cả những bãi đất trống để phục vụ nhu cầu sử dụng. Những rạch nhỏ thì bị tắc nghẽn bởi rác thải, bốc mùi hôi thối, và càng càng khó thoát nước hơn trong những cơn mưa lớn hay đợt triều cường.
Ông Long kể nhà mình trước đây cao hơn mặt đường đất khoảng 60 cm, nhưng vẫn luôn bị ngập nước mỗi đợt triều cường. Người đàn ông vẫn nhớ như in cảnh cả nhà phải hì hục chuyển đồ, dọn nhà tới nửa đêm. Năm này qua năm khác, ông Long từng nhiều lần nâng nền, sửa nhà để mong cảnh thoát ngập.
Cũng lâm vào cảnh tượng tự, bà Năm (75 tuổi) cách nhà ông Sáu Long chừng vài chục mét cũng ám ảnh cảnh nửa đêm đang ngủ thì thấy "lạnh sống lưng" vì nước mấp mé thành giường phải bật dậy "chạy lũ".
Biết ơn tấm lòng giám đốc
Chứng kiến cảnh mọi người chống chọi với nước ngập, 6 năm trước bà Duyên tổ trưởng tổ 48B, P.Hiệp Bình Chánh vận động người dân góp tiền nâng đường, mong thoát cảnh ngập. Ý tưởng hay được nhiều người dân hưởng ứng nhưng không phải hộ nào cũng có điều kiện để đóng góp, bởi ngay cả tiền nâng nền cho nhà mình họ còn không có.
Nghe tin, ông T.Q.H (51 tuổi) – giám đốc một công ty chuyên sản xuất bao bì có xưởng đặt tại đường số 41, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức từ năm 2010 ngỏ ý góp phần lớn kinh phí, với số tiền hơn 200 triệu đồng để nâng đường. Phần còn lại, người dân đóng góp thêm, tùy theo khả năng của mình. "Trung bình, mỗi nhà góp thêm khoảng hơn 1 triệu đông", bà Duyên cho biết.
Mọi người ai cũng phấn khởi vì ông H giúp thay đổi bộ mặt con đường đất đá lởm chởm trở nên rộng, sạch, khang trang. Đường được đổ bê tông kiên cố, rộng hơn 3 m, xe hơi có thể di chuyển vào một cách dễ dàng.
Khi được hỏi về con đường cao ráo hiện tại, người dân trong hẻm từ người trẻ đến người già đều bày tỏ lòng biết ơn đến ông H.
Phóng viên Thanh Niên liên hệ với ông H, ông cởi mở kể về đóng góp của mình, song không muốn nhắc tên vì nghĩ chỉ góp chút công nhỏ. "Xưởng của tôi đặt trên con đường này, đường ngập nước cũng ảnh hưởng đến các công nhân. Giúp mọi người cũng là tự giúp mình thôi", ông H chia sẻ.
Ông Hoàng Xuân Trịnh (69 tuổi) - bảo vệ trong xưởng của ông H - cho biết sau khi nâng đường, tình trạng ngập vẫn còn xảy ra nhưng không đáng kể, chỉ khoảng nửa bánh xe máy, việc di chuyển đỡ vất vả hơn trước.
Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, đặc biệt vào những đợt triều cường đạt đỉnh, nước có hiện tượng rút chậm hơn. Khi các phương tiện giao thông di chuyển qua lại, sóng đánh mạnh vào khu vực chứa hàng hoá trong xưởng nên phải huy động công nhân kê đồ đạc lên cao tránh hư hỏng.
Xưởng của ông H cũng trang bị máy bơm để kịp thời hút nước ra ngoài mỗi khi nước dâng, tràn vào xưởng. Đầu mùa mưa, ông cũng chủ động dùng những tấm kệ gỗ kê hàng để đặt quạt máy, ổ điện lên cao phòng khi mưa lớn trở tay không kịp.
Cũng là người dân sống trên đường số 41 này, bà Duyên - tổ trưởng tổ 48B đại diện mấy chục hộ cư ngụ ở đây kiến nghị chính quyền địa phương lắp đặt hệ thống cống thoát nước trên một nửa đoạn đường còn lại để nước ngập có thể rút nhanh hơn. Qua đó "công trình chống lụt" với sự đóng góp ý nghĩa của ông H cũng sẽ phát huy hết được tác dụng của nó...
Dân đông, áp lực đô thị lớn: Nước thoát đi đâu?
Bình luận (0)