Sống chung với triều cường: Xoong nồi nổi lềnh bềnh, quán xá TP.HCM ế ẩm ngóng khách

27/10/2022 15:30 GMT+7

Những ngày này, nhiều tuyến đường ở TP.HCM chìm trong “biển nước” do triều cường dâng cao. Người dân ngán ngẩm với cảnh lội nước bán hàng mưu sinh hay phải chật vật di chuyển mới về được nhà vào giờ tan tầm.

Ám ảnh nước ăn chân

Chiều 26.10, đường Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát (Q.7) ngập sâu khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. Mỗi khi có xe ô tô đi qua tạo thành sóng nước tràn vào nhà người dân.

16 giờ chiều, bà Nguyễn Thị Thương (58 tuổi, chủ quán cơm gà trên đường Trần Xuân Soạn) vừa dọn hàng vừa… ngóng khách. Do triều cường, nước tràn vào khu bếp của quán. Xoong nồi nổi trên mặt nước bà Thương phải nhặt từng cái để lên trên cao.

Bà Thương ngồi ngóng khách khi triều cường dâng cao

dương lan

Bình thường, giờ tan tầm khách thường ghé quán mua cơm ăn tối nhưng vì nước ngập nên buôn bán chậm. Bà Thương chỉ biết lấy ghế ngồi trước cửa quán chờ khách đến. Bà biết nước sẽ ngập đến khoảng 7 giờ tối nên xác định trước hôm nay là ngày ế ẩm.

Bà thuê mặt bằng đường Trần Xuân Soạn cách đây 4 năm. Bà biết buôn bán ở mặt đường này rất khổ mỗi lần triều cường lên nhưng đành chấp nhận vì đã “quen rồi”.

Xoong nồi nổi trên mặt nước

dương lan

“Nước ngập riết nản lắm luôn, giờ nước vào nhà là khỏi buôn bán gì luôn. Chân tôi bị nước ăn hoài, tháng nào cũng bị, phải mua thuốc về xức. Mấy kẽ chân bị ngứa, không chịu được. Buôn bán không nổi, nước ngập quá nửa bánh xe thì người ta lo chạy về chứ ai dừng lại ăn uống gì đâu”, bà Thương cho biết.

17 giờ chiều, nước dần dần dâng cao trong quán bà Thương. Thỉnh thoảng, có khách hỏi mua suất cơm bà dặn khách cố đợi dù chân phải ngâm nước. Theo bà, nước ngập mà có khách đến mua cũng là điều may mắn.

Nước ngập khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng

cao an biên

“Từ hôm dịch tới giờ khách đã ít giờ thêm cả triều cường gây ngập nữa là ế luôn. Nước này dơ, không có sạch nhưng không có cách nào khác ngoài việc sống chung. Mấy năm trước ngập còn kinh khủng hơn, giờ vẫn bị nặng nhưng không bằng trước”, bà chia sẻ.

Anh Đức Hoàng (chủ cửa hàng văn phòng phẩm trên đường Trần Xuân Soạn) dùng bìa cát tông trải trên nền cửa hàng với hi vọng không để nước vào nhà mỗi khi ra vào. Anh cho hay, đây chỉ là giải pháp tạm thời khi nước chưa dâng cao. Nhiều khi nước tràn vào nhà, anh đành… “bó tay”.

Nhiều người phải đẩy bộ qua hẻm ngập ở đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7)

cab

“Quá mệt mỏi mỗi lần triều cường lên. Nước dâng cao quá tôi phải bê hàng hóa vào. Tháng 10, 11 và 12 là thời điểm triều cường dâng nên chả buôn bán được gì. Hơn chục năm nay gia đình tôi rơi vào cảnh “sống chung với lũ”, anh bày tỏ.

Lo sợ té ngã khi “ổ gà, ổ voi” ngập nước

Ông Võ Hoàng Hải (57 tuổi, ở hẻm 803 đường Huỳnh Tấn Phát) cho biết, từ 16 giờ 30 nước bắt đầu ngập vào nhà ông. Để ngăn nước tràn vào nhà, ông tát nước bằng tay liên tục.

Hàng quán ế ẩm

dương lan

Theo ông, những năm gần đây, mật độ dân cư đông đúc, nước thoát không kịp nên khu ông sống thường xuyên rơi vào cảnh ngập nước. Ông phải bỏ ra hơn 2 triệu đồng mua vật tư, thuê người xây hàng rào chắn nước. Ngoài ra, nhà ông cũng có máy bơm nhỏ hút nước ra ngoài vì tát không xuể.

Mỗi khi có xe đi qua, sóng nước lại ập vào nhà

dương lan

“Triều cường lên lúc nào ở đây cũng ngập. Tôi hi vọng chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp để dân ở đây đỡ khổ, mấy đứa nhỏ đi học cho thuận tiện. Tôi lo mấy “ổ gà, ổ voi” nước ngập, mọi người đi qua không biết bị té ngã nên phải lấy đồ lấp đầy hoặc báo hiệu. Có lúc mưa xuống càng khổ hơn nữa, nước tràn mạnh vào trong nhà”, ông thở dài.

Nước lênh láng ở quán cơm gà bà Thương

dương lan

Bình thường, ông Hoàng Nam (45 tuổi, chủ tiệm sơn xe ở đường Trần Xuân Soạn) làm việc đến tối. Tuy nhiên, triều cường gây ngập nên ông dọn hàng, nghỉ sớm lúc 16 giờ chiều.

Ông Nam nghỉ làm sớm vì triều cường dâng cao

dương lan

“Mỗi tháng triều cường lên khoảng 2 đợt, mỗi đợt kéo dài 2 - 3 ngày. Mọi hoạt động của tôi phải dừng lại hết. Tôi chỉ còn cách dọn hàng nghỉ sớm chứ nước ngập không làm được gì. Nước ngập đến khoảng 7 giờ tối, tôi lội nước quen rồi nên chỉ biết chấp nhận”, ông nói.

Nhân viên bà Thương lội nước làm cơm

dương lan

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai tiếp tục lên theo kỳ triều cường đầu tháng 10 âm lịch.

Đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 25 - 27.10 (tức từ ngày 1 - 3.10 âm lịch) và tại trạm Phú An và Nhà Bè có thể lên mức 1,67 - 1,72m (cao hơn BĐIII từ 0,07 - 0,12m). Thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 5 - 7 giờ và 17 - 19 giờ. Tại trạm Thủ Dầu Một có thể lên mức 1,72 - 1,77m (cao hơn BĐIII 0,12 - 0,17m).

Nhiều người chấp nhận cảnh "sống chung với lũ"

dương lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.