"Không thể bàng quan trước thực trạng nhiều bộ đội radar bị rơi vào tình trạng vô sinh, đầu năm 2004 bọn mình bắt tay vào thực hiện công trình Nghiên cứu ảnh hưởng của sóng siêu cao tần và tác dụng của chế phẩm Azolla Microphyla đến số lượng và chất lượng tinh trùng", Trần Quang Huy nhóm trưởng cho biết.
Gần 1 năm trời cả nhóm đánh vật với 30 chú chuột nhắt đực trắng trong phòng thí nghiệm. Hằng ngày, họ thay phiên nhau mang thức ăn cho chuột từ Học viện lên Trung tâm sinh thái quân sự. Họ cho các chú chuột sống trong môi trường có chiếu sóng siêu cao tần ngày 2 giờ, trong điều kiện 28 độ C, độ ẩm 90%. Chiếu liên tục trong 4 tuần thì bắt chúng đem giải phẫu. Đếm qua kính hiển vi cho thấy số lượng và chất lượng tinh trùng của chuột đực giảm rõ rệt. Khi cho lũ chuột này "cặp đôi" với chuột cái chẳng thấy có kết quả gì, trong khi lũ chuột bình thường đã kịp sinh 7-8 con cùng thời gian nuôi.
Nghiên cứu trên chuột đã khó, nhưng lấy mẫu tinh trùng xét nghiệm ở người còn nan giải hơn vì đây là chuyện tế nhị. Ròng rã mấy tháng trời 5 chàng trai lặn lội từ Hà Đông vào Hà Nội rồi vào Thanh Hóa, thuyết phục anh em công nhân viên quốc phòng tại các trạm radar hợp tác. Cuối cùng, được sự đồng ý của các nhân viên này, nhóm đã làm xét nghiệm tinh dịch đồ cho 142 người tuổi từ 25 trở lên có thời gian làm việc tại các trạm radar từ 1-3 năm. Kết quả cho thấy 75/142 người tiếp xúc với sóng siêu cao tần có số lượng và chất lượng tinh trùng giảm.
Tín hiệu vui cho những người hiếm muộn
Thuốc Medyphalamin do Công ty Dược liệu TƯ 1 sản xuất và được Bộ y tế cho phép lưu hành trên toàn quốc. Thuốc được chiết xuất từ loài cây Azolla Microphyla. |
Công trình của nhóm sinh viên đã đoạt giải nhất "Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - VIFOTECH" năm 2005 của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Đây là lần đầu tiên ở nước ta, có đề tài được công bố về ảnh hưởng của bức xạ sóng siêu cao tần đến số lượng và chất lượng tinh trùng của chuột nhắt thực nghiệm và của người. Lần đầu tiên có đề tài công bố về tác dụng của thuốc Medyphalamin làm hồi phục số lượng và chất lượng tinh trùng ở người.
"Hãy biết tự bảo vệ mình" là thông điệp nhóm tác giả muốn gửi đến mọi người. Thay vì đút điện thoại di động vào túi quần, các bạn nên để điện thoại vào bao da và đeo vào thắt lưng, vừa lịch sự, vừa an toàn.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng đề tài trên người chịu ảnh hưởng của sóng radar và điện thoại di động để đưa ra phương hướng diều trị cho người hiếm muộn", nhóm quả quyết.
Theo Khoa học và Đời sống
Bình luận (0)