Theo báo cáo, việc phát triển thủy điện ồ ạt với mật độ dày đặc trên lưu vực sông Đồng Nai (trên dòng chính có 14 công trình, các phụ lưu có 10 công trình thủy điện đã và đang xây dựng; 645 công trình thủy lợi) đã đặt tài nguyên nước, hệ sinh thái của lưu vực và sinh kế của người dân trước nhiều rủi ro thách thức. Việc vận hành các công trình thủy điện còn nhiều bất cập trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường đã ảnh hưởng tiêu cực cho vùng hạ du, làm nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, việc lấy nước thô tại một số nhà máy nước trên sông Đồng Nai và Sài Gòn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống thủy điện trên sông Đồng Nai được xây dựng theo kiểu bậc thang nên rất dễ dẫn đến hiệu ứng domino trong xả lũ với những hậu quả khó lường... Tại khu vực TP.HCM, hàm lượng BOD5, COD, vi sinh... trong nước sông không đạt quy chuẩn chất lượng nước dùng cho sinh hoạt. Theo tính toán đến năm 2012, tổng nhu cầu nước trên toàn lưu vực sông Đồng Nai và vùng phụ cận khoảng 12,1 tỉ m3 (năm 2010 là 6,9 tỉ m3). Trong khi đó, nguồn nước của lưu vực này đang đối diện nguy cơ suy giảm về chất lượng và số lượng.
Hội thảo cũng đề xuất giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực để bảo vệ nguồn nước bằng cách rà soát quy hoạch thủy lợi, thủy điện trên toàn lưu vực, dứt khoát loại bỏ các dự án gây tác động lớn đến điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái, xã hội.
Chí Nhân
Bình luận (0)