|
Đó là thực trạng đáng buồn của ngành logistics VN được đưa ra tại Diễn đàn “Logistics thúc đẩy thương mại và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu” tổ chức ngày 27.11 tại TP.HCM do Bộ Công thương, Bộ GTVT, Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN và Thời báo Kinh tế VN phối hợp tổ chức.
Chi phí cao gần gấp đôi
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, đưa ra ví dụ là năm rồi Hoa Sen xuất khẩu gần 300 triệu USD đến 50 quốc gia ở Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ… đều bằng con đường xuất khẩu ủy thác. Gọi theo cách của ông là “xuất khẩu ké”. Tập đoàn này đã "ké" sản phẩm của mình với các tập đoàn lớn của Hàn Quốc để đưa hàng đi Mỹ. Nhờ thế, chi phí vận chuyển từ VN đến Mỹ chỉ còn 70 - 80 USD/tấn thay vì 120 - 130 USD/tấn như trước.
Phải làm thế nào để giảm chi phí logistics. Đây không chỉ là vấn đề của DN mà là của cả nền kinh tế vì chỉ có như vậy mới tăng được sức cạnh tranh của quốc gia |
||
Ông Lê Phước Vũ |
||
“Nếu chi phí cao như trước thì một là không còn lợi nhuận hoặc nâng giá bán thì sản phẩm không thể cạnh tranh. Điều này cho thấy chi phí logistics trong cơ cấu giá thành hàng hóa trong nước ra nước ngoài là rất lớn. Với mức chi phí đó, doanh nghiệp (DN) nội không thể cạnh tranh được. Vì vậy, phải làm thế nào để giảm chi phí logistics. Đây không chỉ là vấn đề của DN mà là của cả nền kinh tế vì chỉ có như vậy mới tăng được sức cạnh tranh của quốc gia”, ông Vũ nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể xác định chi phí logistics ở VN chiếm 20,9% GDP, riêng vận tải chiếm 56% trong khi ở các nước phát triển, chi phí logistics chỉ từ 9 - 15% GDP.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng nhìn nhận, dự báo năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của VN đạt khoảng 154,4 tỉ USD, tăng 16% so với năm 2013. Tuy nhiên, chi phí logistics cao như hiện nay đã làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước trên thị trường thế giới.
Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại VN, đặt vấn đề về việc trong khi nhiều cảng bị quá tải dẫn đến tắc nghẽn thì một số cảng lớn như Cái Mép hoạt động chưa tới 20% công suất. Ông Lê Phước Vũ cũng tỏ ra bức xúc không kém khi cho rằng ngành công nghiệp cảng VN vận hành chưa hợp lý. Hoa Sen chọn đặt nhà máy ở khu công nghiệp Phú Mỹ vì nơi đây có cụm cảng quốc tế tổng hợp Thị Vải, Tân Cảng Cái Mép, Phú Mỹ... nhưng không hiểu vì sao các tàu container chạy tuyến quốc tế lại không cập cảng này.
“Chúng tôi phải vận chuyển hàng đến nơi khác mới xuất được hàng. Điều này dẫn đến tăng chi phí vận chuyển, quá tải ở các cụm cảng tại TP.HCM”, ông Vũ nói.
Đột phá từ thủ tục hành chính
Trong khi đó, Phó chủ tịch Hiệp hội Chủ hàng VN Ngô Thanh Minh khẳng định: “Chuyện cơ sở hạ tầng cho ngành logistics hay gì đó thì sẽ là một câu chuyện quá lớn lao và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên phải làm một điều gì đó để tạo đột phá trong khả năng của mình thì đó chính là cải cách thủ tục hải quan. Chỉ cần làm được bao nhiêu đó thôi cũng đủ giúp VN trở thành trung tâm trung chuyển logistics của khu vực”.
Theo bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB tại VN, khi tạo thuận lợi thương mại tốt hơn sẽ giảm chi phí trực tiếp và gián tiếp liên quan đến các thủ tục đối với DN. Đây là việc cần hợp tác của các DN và cơ quan quản lý, trong đó nhà nước có vai trò quan trọng. Chính sách mở cửa VN đã đạt được sự tăng trưởng mạnh và nhanh. Xuất khẩu trong thập niên qua tăng trưởng liên tục. Nhưng khi kết nối với chuỗi cung cấp toàn cầu, thì hàm lượng công nghệ, giá trị còn chưa cao.
“Hiện nay ngành logistics của VN mới chỉ đạt 3,5 trên thang điểm 5. Điều này cho thấy dư địa của sự phát triển còn rất lớn. Chỉ cần tăng chỉ số này thì sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và hàng hóa VN”, bà Kwakwa nhấn mạnh.
Chí Nhân
>> Phí tàu đè doanh nghiệp xuất nhập khẩu
>> Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Đông tăng liên tục
>> TP.HCM: Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đều giảm
>> Dành 1.000 tỉ đồng cho vay xuất nhập khẩu
>> Xuất, nhập khẩu xăng dầu đều giảm mạnh
>> Mất 21 ngày mới xong thủ tục xuất nhập khẩu
Bình luận (0)