Mới đây, đài NBC News đưa tin Lực lượng Không quân và Không gian Mỹ đang cải tổ hoạt động ở Tây Thái Bình Dương để hoạt động tốt hơn trong "kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực lớn" với Trung Quốc.
Tư lệnh Không quân Mỹ Frank Kendall cho biết các lãnh đạo cấp cao sẽ tổ chức lại cả 2 quân chủng trong những tháng tới để cải thiện hoạt động. Theo ông, lực lượng của Washington phải thích ứng để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc, vốn đang nâng cấp lực lượng không quân, hải quân và nâng cấp năng lực tên lửa có thể vươn đến đất Mỹ.
Phát biểu trên được ông Kendall đưa ra tại Hội nghị Hàng không, Không gian và Mạng của Hiệp hội Lực lượng Không quân và Vũ trụ Mỹ ở National Harbor, bang Maryland (Mỹ). Quan chức này trong hơn 1 thập niên qua đã nghiên cứu nỗ lực xây dựng quân đội của Trung Quốc.
Theo ông, sự tăng cường đó đã làm dấy lên mối lo ngại rằng Trung Quốc sẽ khai thác điểm yếu của Mỹ và thiết lập lực lượng đủ mạnh để ngăn chặn và cản trở lực lượng của Lầu Năm Góc ở Tây Thái Bình Dương.
Khó khăn của Mỹ
Không quân Mỹ đặt mục tiêu cải tổ trước tháng 1.2024, với sự tham gia của 5 nhóm có nhiệm vụ tập trung vào các quá trình gồm tổ chức, thiết bị, tuyển dụng, đào tạo, giữ nhân sự, sẵn sàng và hỗ trợ các sứ mệnh trên không và trong không gian.
Tuy nhiên, việc này đang khá khó khăn cho Mỹ bởi trong những năm qua, Trung Quốc đã đạt được một số tiến bộ đáng chú ý về năng lực không quân, hải quân và tên lửa có thể làm thay đổi cán cân quân sự ở Thái Bình Dương. Một trong những tài sản này là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20, câu trả lời của Trung Quốc đối với tiêm kích F-22 Raptor Mỹ sản xuất và là tiêu chuẩn cho chương trình máy bay chiến đấu của Bắc Kinh.
Vào tháng 2, Asia Times đưa tin J-20 của Trung Quốc sẽ vượt qua số lượng F-22 Raptor của Mỹ, với lượng J-20A tồn kho sẽ sớm vượt qua con số 187 chiếc F-22 Raptor. Trung Quốc có thể đã có tới 200 khung máy bay được thiết kế để sánh ngang với F-22 trong chiến đấu không đối không và đang đầu tư nhiều hơn vào dây chuyền sản xuất để tăng tốc độ giao hàng.
Hơn nữa, Trung Quốc có thể sắp giải quyết được các vấn đề quan trọng bằng công nghệ động cơ phản lực, vốn là một trở ngại đáng kể đối với máy bay chiến đấu phản lực của nước này. Vào tháng 7, Asia Times cho hay J-20 của Trung Quốc đã bay thành công với động cơ phản lực WS-15 nội địa, có lực đẩy tương đương với động cơ Pratt & Whitney F119 của F-22. Điều này có thể giúp J-20 có thêm lợi thế và ưu thế trên không.
Đáp lại những tiến bộ của Bắc Kinh, Washington đã đẩy nhanh sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu và xem xét phát triển tiêm kích không người lái.
Dù vậy, Mỹ vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc này. Asia Times lưu ý vào tháng 10.2022 rằng Trung Quốc cũng đang đạt được tiến bộ ổn định về máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu, phản ánh cách tiếp cận "hệ thống của các hệ thống" tương tự như Không quân Mỹ.
Hiện vẫn không rõ liệu Mỹ hay Trung Quốc có tốc độ sản xuất máy bay không người lái (UAV) nhanh hơn. Tuy nhiên, Reuters lưu ý trong tháng này rằng Trung Quốc đã vận chuyển ít nhất 282 UAV chiến đấu vũ trang cỡ lớn tới 17 quốc gia trong thập niên, trong khi Mỹ chỉ xuất khẩu 12 chiếc sang Pháp và Anh trong cùng thời gian.
Bức tường tên lửa
Vào tháng 12.2022, Asia Times đưa thông tin về kế hoạch của Mỹ trong việc xây dựng "bức tường tên lửa" ở Thái Bình Dương. Điều này đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chiến lược từ hành động độc lập sang hỗ trợ các đồng minh thiết lập hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD).
Kế hoạch này bao gồm việc thiết lập một mạng lưới tấn công chính xác ở Chuỗi đảo thứ nhất (Nhật Bản, đảo Đài Loan và Philippines) và một mạng lưới phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp ở Chuỗi đảo thứ hai (Quần đảo Bonin, Guam và Tây New Guinea).
Tuy nhiên, việc tìm kiếm một đối tác để Mỹ sẵn sàng trang bị hệ thống tên lửa là một thách thức. Hạn chế về quân sự và sự khó đoán về chính trị của Philippines, nỗ lực của Thái Lan nhằm tăng cường quan hệ với Trung Quốc, tính mỏng manh của Hàn Quốc trước áp lực của Trung Quốc, Úc không muốn bị kéo vào một cuộc xung đột, và việc Nhật Bản lâu nay miễn cưỡng phát triển năng lực tấn công rõ ràng đã đi ngược lại kế hoạch của Mỹ.
Ngoài ra, những cải thiện về khả năng tấn công của Trung Quốc đặt ra thách thức đáng kể đối với các căn cứ tiền phương của Mỹ ở Thái Bình Dương và cũng như các tính toán về hạt nhân của nước này.
Ngoài ra, sự chậm trễ trong việc triển khai hệ thống đạn đánh chặn thế hệ tiếp theo (NGI) có thể làm ảnh hưởng đến an ninh chiến lược của Mỹ.
Bình luận (0)