Nghe thế không hiểu, thậm chí thắc mắc, cuộc sống đáng quý chứ sao người ta lại chê nó để đề cao cái chết. Rồi cũng ngờ ngợ, vì thấy từ nhà mình đến hàng xóm, bữa ăn đạm bạc rau dưa, mặc áo vá vai rách rưới. Mùa rét không đủ ấm, mùa hè gió táp, đeo cái áo tơi chằm lá cọ trông như con bù nhìn, mà cũng không tránh được hạt mưa sa. Ngờ ngợ rằng có phải suy nghĩ đó xuất phát từ chỗ quá nghèo khổ? Suốt bao nhiêu năm tôi cũng vẫn không hiểu câu giáo huấn được coi của nhà Phật là sự tổng kết một đời người hay các cụ tự nghiệm ra rồi truyền vào tai con cháu?
Tôi lớn lên và ra trận. Cuộc sống ngấp nghé cái chết mấy lần nhưng đều thoát. Hòa bình, nhưng do tàn tích chiến tranh và những sai lầm của con người, nhìn lại thấy gian khổ nhưng không đến nỗi như các cụ nghĩ về cuộc đời là “sống gửi thác về”. Cuộc sống vẫn luôn có một ý nghĩa nào đó. Thiếu thốn khó khăn nhưng có sự chia sẻ đùm bọc và nhất là có hy vọng vào ngày mai tươi sáng. Rồi đất nước chuyển mình mở cửa, bỏ tem phiếu mà vẫn sống khỏe, thấy mừng. Chẳng ai trong hoàn cảnh ấy lại suy nghĩ “sống gửi thác về” như các cụ.
Tiếp đó là đổi mới, mở cửa đầu tư nước ngoài, hết dự án này đến dự án nọ. Những miếng đất công được nhà đầu tư xây lên những khu nhà cao tầng hiện đại. Cảm thấy có chút sắc hồng trên khuôn mặt bợt bạt mỗi con người. Mừng. Đến khi những vùng đất thượng đẳng điền ven đô được san lấp để xây khu du lịch, khách sạn, nhà ở và làm sân gôn thì trong lòng mơ hồ gợn lên mối lo, đất ruộng mất đi thì lấy đâu hạt lúa mà ăn. Nhưng được khuyến cáo là xây nhà cho người nghèo, thì cũng có chút hy vọng vỗ về. Rồi hàng chục năm qua, sau bao nhiêu quyết định giao đất làm nhà cho người nghèo đầy sự nhân ái đó mà vẫn không thấy mấy người nghèo được vào nhà mới. Chỉ có người giàu hưởng.
Nhiều dự án chỉ mới cắm lô định tầng thì các căn hộ từ mặt đất đến tầng trên đã có chủ. Người nghèo vẫn sống chui rúc, chẳng thấy chính quyền nói gì, trong khi không ít người giàu lại có tới vài chục căn hộ chờ được giá bán cao. Có chỗ còn xua đuổi cả người chết, san phẳng cả nghĩa địa để làm nhà. Có chỗ người nông dân không đồng ý rời bỏ đất ruộng thì bị cưỡng chế. Nhà giàu và nhiều người có thế lực say tiền như điếu đổ. Thấy có sự bất công nhưng không biết làm thế nào, ai bênh vực người nghèo khi chính quyền không bênh nổi? Thương những con người khi đất nước chiến tranh thì lầm lũi ra trận, hết chiến tranh tưởng được mở mày mở mặt lại rơi vào cảnh mất đất mất nhà, hỏi sống bằng gì.
Sống gửi thác về. Bây giờ câu đó vẫn đang vang âm lẩn khuất đâu đây. Tôi chợt nghĩ rằng nó không phải của nhà Phật mà được đẻ ra trong kiếp sống bần cùng nơi thôn xóm tự ngàn xưa và trở thành tài sản tinh thần chẳng mấy vui của những người bị khốn cùng. Đó là cách tự an ủi chăng? Kẻ lắm tiền làm sao biết được điều đó, hiểu được điều đó.
Đỗ Đức
Bình luận (0)