'Sông Hồng đáng lẽ phải đẹp, sầm uất, thì nay bỏ hoang, nhếch nhác'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
26/03/2024 10:33 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng sông Hồng đáng lẽ phải trở thành không gian cảnh quan đẹp, sầm uất thì hiện nay hai bên bờ sông đang bỏ hoang, phát triển tự phát, nhếch nhác, trở thành vấn đề bức xúc.

Sáng 26.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5, cho ý kiến dự thảo luật Thủ đô sửa đổi. Luật này dự kiến sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua tại kỳ họp 7 vào tháng 5 tới.

Thành phố thuộc Hà Nội phải có quyền năng, chính sách đặc thù, vượt trội

'Sông Hồng đáng lẽ phải đẹp, sầm uất, thì nay bỏ hoang, nhếch nhác'- Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại hội nghị

PHẠM THẮNG

Nêu ý kiến tại hội nghị, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) cho rằng, phạm trù thành phố thuộc TP.Hà Nội là một thể chế đặc thù, phải quản lý theo quy chuẩn riêng.

Do đó, theo ông Cường, dù thành phố thuộc thủ đô là đơn vị hành chính cấp 2 như quận, huyện nhưng chức năng, vai trò quản lý hoàn toàn khác so với quận, huyện.

"Cần phải có khái niệm về thành phố thuộc thủ đô và giao quyền cho HĐND TP.Hà Nội quy định các quyền năng và chính sách đặc thù, vượt trội của thành phố thuộc thủ đô so với các quy định chung với các quận, huyện khác", ông Cường đề nghị.

Về quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống, đại biểu Hoàng Văn Cường góp ý, dự thảo luật đang đi vào liệt kê các vấn đề cụ thể.

Theo ông Cường, rất cần luật hóa việc khai thác các dòng sông trên địa bàn thủ đô để khai thác tiềm năng vô cùng to lớn, song hiện nay chưa thực hiện được.

"Sông Hồng đáng lẽ phải trở thành không gian cảnh quan đẹp, sầm uất thì hiện nay hai bên bờ sông đang bỏ hoang, phát triển tự phát, nhếch nhác, trở thành vấn đề bức xúc do không thể tổ chức khai thác vì vướng Quyết định 257 của Chính phủ về phòng chống lũ trên sông Hồng và sông Thái Bình", ông Cường nêu, đề nghị luật Thủ đô phải luật hóa vấn đề này.

Dự thảo luật Thủ đô sửa đổi quy định chính quyền địa phương ở TP.Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND.

Tuy nhiên, dự thảo luật không quy định riêng về thành phố thuộc thành phố mà quy định chung trong chương về tổ chức chính quyền đô thị chung với quận, thị xã.

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội sẽ xây dựng 3 thành phố thuộc thành phố, gồm: thành phố phía bắc, nằm trên địa bàn các huyện: Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn; thành phố phía tây thuộc khu công nghệ cao Hòa Lạc (H.Thạch Thất) và TT.Xuân Mai (H.Chương Mỹ); thành phố ở phía nam nằm trên địa bàn H.Phú Xuyên và H.Ứng Hòa sau khi hình thành sân bay thứ 2 của Vùng thủ đô.

 Xác định rõ Vùng Thủ đô gồm những tỉnh nào?

'Sông Hồng đáng lẽ phải đẹp, sầm uất, thì nay bỏ hoang, nhếch nhác'- Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu tại hội nghị

PHẠM THẮNG

Góp ý về liên kết phát triển vùng, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội nhìn nhận, dự thảo luật quy định mối quan hệ giữa thủ đô Hà Nội trong 4 vùng, gồm: Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng động lực phía bắc.

Theo ông Nghĩa, đây là các quy định mới, có nhiều đột phá so với luật hiện hành và mở rộng hơn so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ 6 (cuối năm 2023).

Tuy nhiên, ông Nghĩa nói, hiện Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng động lực phía Bắc đều đã được các văn bản của Quốc hội, Chính phủ quy định. Riêng Vùng thủ đô lại chưa được dự thảo luật xác định gồm những địa phương nào, ranh giới ra sao.

"Đề nghị xem xét bổ sung quy định xác định cụ thể các địa phương trong Vùng Thủ đô trong dự thảo luật để làm căn cứ thực tiễn cho việc quy định các chính sách liên kết vùng, phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng", ông Nghĩa nêu.

Nghị quyết số 81 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 quy định Vùng đồng bằng sông Hồng gồm: Hà Nội và 10 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh.

Quyết định số 198 năm 2014 của Thủ tướng quy định Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm Hà Nội và 6 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.

Nghị quyết số 81 năm 2023 quy định Vùng động lực phía Bắc bao gồm TP.Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TP.Hải Phòng và Quảng Ninh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.