(iHay) 'Con sông dùng dằng con sông không chảy. Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu' (*). Đứng trước dòng sông Hương (Huế), mỗi lần, sẽ có một cảm xúc mới mẻ khác, mà không phải trước dòng sông nào, bạn cũng có được.
Tôi có thói quen thích quan sát những dòng sông chảy qua các thành phố. Bởi, khác với sông quê, những đổi thay bồi lấp đa phần do thiên nhiên tạo nên, diện mạo một con sông ở thành phố, thường được can thiệp bởi bàn tay của con người là chủ yếu. Tôi quan tâm bởi đơn giản là vì e ngại sự can thiệp quá đà của con người đối với những dòng sông chảy qua các thành phố.
Và, sau nhiều lần đến Huế, dòng sông Hương thật sự gây ấn tượng mạnh cho tôi bởi vẻ đẹp ngày mỗi mặn mà và kiêu kỳ của nó. Một người bạn là chuyên gia năng lượng, Việt kiều Pháp, sống ở Pháp gần 50 năm, đã đi đến hơn 50 quốc gia trên thế giới, nhận xét: “Hiếm có dòng sông nào chảy qua thành phố mà còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên hoang dã như dòng Hương này”. Tôi tin vào nhận xét của bạn khi đứng trước thảm cỏ xanh rì hoang sơ bên bờ sông trước trường Quốc học Huế.
Huế ngày nay có chút đổi thay, tinh tươm hơn, sạch sẽ hơn và kể cả… bê tông hóa nhiều hơn. Nhưng thật may, sông Hương như cô thôn nữ ngày nào lại càng đẹp một cách quý phái. Sông Hương của hôm nay vẫn còn nhiều lắm thảm cỏ xanh mướt, những tán cây xanh um đầy sức sống hai bên bờ. Cộng thêm màu xanh trong văng vắt của nước, dáng uốn lượn mềm mại, vẻ hững hờ “dùng dằn không chảy” khiến sông vẫn lưu giữ được nét đẹp với thời gian.
|
Đã có quá nhiều mỹ từ để ca tụng dòng Hương, tôi không muốn lạm dụng thêm nữa. Song đầu thu năm nay, khi có dịp đứng trước dòng Hương vào sớm mai, khi bình minh còn lấp ló sau rặng trúc của cồn Dã Viên, trong tôi trào lên nỗi nhớ sông Hương đến da diết. Thật lạ, đứng trước sông lại thấy nhớ sông đến quay quắt. Yêu lắm mới nhớ cồn cào đến vậy. Sông Hương hôm đó đẹp như bức tranh thủy mặc với nhiều gam màu sáng sóng sánh vàng ươm, lúng liếng xanh chuối non hay tinh khôi màu khói.
Nhiều nhà văn nhà thơ thích ví dòng sông như suối tóc dài của thiếu nữ và cầu Trường Tiền như chiếc cài được cài lên mái tóc thiếu nữ ấy. Nhưng sớm nay, tôi thấy sông Hương như một thiếu nữ ngủ nướng cuối tuần. Chút gì đó lười biếng, trễ nải, “cô” ngủ rất say nhưng dáng nằm vẫn khép nép, kín đáo.
Trên dòng sông Hương, hàng ngày có từ hàng chục đến hàng trăm (vào mùa cao điểm) lượt thuyền rồng chở khách đi lại, chủ yếu lên thăm các đền chùa lăng tẩm nằm dọc hai bờ sông. Song thật khó để thấy một sông Hương ồn ào tấp nập thuyền bè như những dòng sông phục vụ du lịch khác.
Huế vào thu, nhưng lúc chiều về, bạn cũng có thể bắt gặp dăm ba cậu sinh viên của Đại học Huế đang bơi lặn trong dòng nước trong mát. Sông Hương quý phái là thế nhưng cởi mở bình dị đến lạ. Ngoài thuyền rồng, có nhiều thuyền nan chuyên chở những cuộc mưu sinh của người dân nơi đây.
|
Nếu có dịp đi bụi đến Huế, tôi khuyên bạn nên thuê xe đạp (hoặc xe gắn máy), cứ chạy miên man ngược dòng Hương đến khi nào hết đường thi thôi. Đi dọc hai bờ sông, bờ Nam hay bờ Bắc cũng được, để khám phá một xứ Huế khác biệt và cảm nhận về dòng Hương cũng rất khác. Sẽ có rất nhiều điều thú vị chờ bạn trên hai bờ sông này.
Nếu muốn đi thuyền rồng, nên thuê thuyền xuôi về Vĩ Dạ, qua ngã ba Sình, lên làng giấy Thanh Tiên mua bó hoa giấy “chẳng nơi nào có được”, rồi tiếp về Thuận An, cũng có thể rẽ ngang về đầm Chuồn ăn hải sản. Thong thả thời gian thì ngủ lại trên chòi ở đầm Chuồn một đêm để tận hưởng gió biển mát rượi.
Vui thú sông Hương bằng cách riêng của bạn, chỉ có bấy nhiêu, nhưng để đi và đến được những nơi cần đến, dọc đường, bạn đã có vô số trải nghiệm mới mẻ thú vị của một phượt thủ, mà đôi khi nhẩn nha vài ngày chưa khám phá hết. Hoặc giả ngồi trên xe hơi hay bó gối trên thuyền rồng cũng không thể nào bạn có được cảm xúc tinh khôi trước dòng sông thơ mộng này. Cứ nương theo bờ sông Hương mà lang thang, mà nhẩn nhơ, sẽ có rất nhiều điều thú vị đang chờ bạn, ở cả hai bờ bên ni bên nớ.
(*) Trích bài thơ Tạm biệt Huế, tác giả Thu Bồn.
Phượt ký của Nguyên Nga
>> Cháo hến thơm lừng sông Hương
>> Bún thịt nướng bên bờ sông Hương
Bình luận (0)