(iHay) Câu chuyện Làm dâu phố cổ Hà Nội gây ngỡ ngàng với những chi tiết tưởng như chỉ có trong tiểu thuyết cũng đã phản ánh phần lớn sự thật về cuộc sống ở khu phố cổ trong lòng Thủ đô. Rõ ràng nó không hào nhoáng như người ta vẫn tưởng.
>> Chuyện làm dâu phố cổ gây ngỡ ngàng vì thực tế quá phũ phàng
|
Chuyện hàng chục người chen nhau sống trong căn hộ rộng chỉ vài m2, hay các phòng chỉ ngăn với nhau bằng tấm rèm, đi vệ sinh chung… là thực tế diễn ra tại không ít hộ gia đình trong khu vực phố cổ Hà thành.
Ngõ Phất Lộc (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nổi tiếng bởi những căn nhà siêu nhỏ. Con ngõ này được mệnh danh là nơi tập trung nhiều loại nhà “mắt muỗi” nhất giữa Thủ đô.
Bán nước chè đầu ngõ Phất Lộc đã gần 10 năm, chị Ngọc cho biết, căn nhà chị ở cùng hai đứa con chỉ rộng khoảng 4m2. Trần nhà thấp, có khi chỉ cần ngồi trên giường, với tay là chạm tới trần. Những ngày mưa gió, căn nhà ẩm ướt vì quần áo giăng mắc khắp nơi. Còn ngày nắng, ánh sáng cũng là thứ “xa xỉ phẩm” vì nhà quá thấp, không thể đón được ánh sáng mặt trời.
Chị Ngọc cho biết, tại ngõ Phất Lộc, những ngôi nhà rộng rãi, thênh thang có riêng phòng ngủ gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại, đa phần là nhà “mắt muỗi”.
“Nói không ngoa, nhà vài m2 một căn là đặc sản của ngõ này. Nhà ai cũng như nhà ai, nên chả cười nhau được. Ai có tiền thì mua sẵn đất, nhà ở vùng xa trung tâm thành phố. Nhưng mà mua để sẵn đó thôi, phần lớn vẫn sống chật chội ở đây. Quen rồi, không xa được”, chị Ngọc dí dỏm nói.
|
Không chỉ ngõ Phất Lộc, nhiều khu vực khác ở quận Hoàn Kiếm như phố Hàng Bạc, Hàng Bè,… hàng trăm căn nhà “mắt muỗi” cũng vẫn đang tồn tại. Điểm chung của những căn nhà dạng này là nhỏ, chật chội, đồ đạc tối giản hết sức có thể và nằm trong ngõ sâu hút hoắt.
Phố Hàng Bè (phường Lý Thái Tổ, Q. Hoàn Kiếm) có những con ngõ nhỏ chiều rộng chưa đến 1m nhưng lại “cõng” hàng chục căn nhà núp bóng bên trong. 16 chỉ là tên một số nhà, nhưng có đến hơn 30 hộ cùng sinh sống. Băng qua con ngõ sâu hút, tối thui, ngập mùi ẩm thấp và giăng mắc hàng chục chiếc công tơ điện mới đến được khu sinh hoạt của các hộ dân ở đây.
|
Anh Thịnh, một người dân sống tại số nhà này cho biết, kêu khổ cũng không giải quyết được gì, nên mọi người chấp nhận “sống chung với lũ”.
“Đi ra đường, xe đẹp, quần là áo lượt, mọi người tưởng giàu lắm. Nhưng nói thật, nhiều lúc không dám mời bạn bè về chơi nhà, vì chật và quá bừa bộn. Tôi có vài người bạn thân, thân lắm, cũng ở phố cổ, chơi với nhau cả chục năm nay nhưng đâu biết nhà nhau ở chỗ nào. Chỉ biết là cùng cảnh ngộ: nhà rất chật. Thành ra, gặp nhau toàn ở quán cà phê cho tiện”, anh Thịnh nói.
Nhà anh Thịnh có bốn người, sống trong căn phòng rộng khoảng 12m2 do bố mẹ để lại. Hai vợ chồng làm cơ quan Nhà nước, lương ba cọc ba đồng, không có tiền mua chỗ khác, nên vẫn ở tại căn nhà nhỏ xíu trên phố Hàng Bè này.
|
Anh Thịnh kể, chuyện đi vệ sinh chung ở phố cổ kể ra người khác cũng không tưởng tượng hết, cũng lắm bi hài. Nhà vệ sinh tại các con ngõ như thế này trên phố cổ phần lớn đều kiểu ngồi xổm, với hai hòn gạch bắt chéo nhau.
Chỗ nào “lịch sự” thì có cửa che bằng cót ép. Ngược lại, có không ít khu, nhà vệ sinh cứ thông thống, không cửa, không rèm, được thiết kế theo kiểu quay mặt ngang để không “bị nhận diện” khi đang giải quyết nhu cầu tế nhị.
“Khổ nhất là những hôm có ai trót bị đau bụng vào… giờ cao điểm. Đợi nhau đã đành, nhưng nếu lâu, còn bị giục, thậm chí nghe cáu gắt”, anh Thịnh nói.
Chuyện tế nhị nói trên khiến cho những người là dân sống ở khu phố cổ đều tranh thủ đi vệ sinh ở ngoài trước khi về nhà. Thậm chí, chán cảnh xếp hàng, một số người còn cố “nhịn” để đến chỗ làm việc "giải quyết".
Đan Hạ
>> Hà Nội là điểm du lịch có giá hợp lý nhất thế giới
>> Hà Nội ngập trong sắc tím hoa bằng lăng
>> Xao xuyến mùa hoa sấu Hà Nội
Bình luận (0)