(iHay) Đi vệ sinh – chuyện tế nhị với nhiều người lại là chuyện không nhỏ với cư dân phố cổ Hà Nội.
>> Sống khổ như phố cổ Hà Nội - Kỳ 1: Ráng 'nhịn' đi toilet trong... 'giờ cao điểm
Brian, một du khách nước ngoài kể lại lần được tận mắt nhìn thấy nhà vệ sinh trên khu vực phố cổ cách đây vài ngày cho hay: “Hà Nội đã để lại ấn tượng không đẹp với tôi”.
Anh kể, một buổi chiều đầu tháng 7, anh và bạn gái ngồi uống trà đá trên phố Hàng Bè. Cần đi vệ sinh, anh hỏi chủ quán thì được chỉ vào khu vệ sinh chung của các hộ dân sống tại đây. Băng qua một ngõ nhỏ sâu và tối, Brian được mục sở thị nhà vệ sinh của phố cổ Hà Nội.
“Thật kinh khủng, bây giờ là thế kỷ nào rồi mà còn dùng kiểu nhà vệ sinh như vậy. Nói thì quá, nhưng đi vệ sinh kiểu tự nhiên (ngoài trời), hơi mất lịch sự nhưng dù sao vẫn còn tốt chán so với toilet ở phố cổ”, du khách 29 tuổi đến từ Anh nhăn mặt chia sẻ thêm.
Trên thực tế, câu chuyện về nhà vệ sinh ở phố cổ Hà Nội không chỉ là nỗi ám ảnh với khách du lịch, mà ngay với cả những người bản địa cũng trở thành nỗi kinh hoàng.
Gia đình chị Nga gồm 4 thế hệ sống tại một con ngõ nhỏ trên phố Hàng Bè (Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã từ vài chục năm nay. Hơn chục người sống chen chúc, chật chội trong căn nhà chỉ rộng vỏn vẹn 25m2. Nhà chật, các vật dụng sinh hoạt đều bị tiết giảm tối đa, nên chuyện có không gian riêng cho nhà tắm, bếp, hay nhà vệ sinh… trở thành chuyện không tưởng. “Cả khu này giải quyết nỗi buồn trong nhà vệ sinh chung, ngay đầu ngõ”, chị Nga cho biết.
Nhà vệ sinh cũ kỹ, hình hộp, tối thui, có hai ngăn, một bên quây tạm bằng phên liếp, bên còn lại trống hoác. Vì chỉ có một bên có cửa liếp, nên mặc định sẽ ưu tiên phụ nữ. Còn đàn ông và trẻ em sẽ dùng chiếc còn lại. "Không phân công, nhưng người dân sống ở đây đều đi vệ sinh theo giờ, chỉ có xáo trộn khi nhà có khách hoặc tình huống bất khả kháng”, chị Nga kể.
Chị Nga kể thêm, hồi trước chị làm công nhân ở một nhà máy mạ, rồi được phân nhà ở đây. Thấm thoắt, vợ chồng con cái chị đã ở đây hơn 30 năm. Số nhà này có 6 hộ, tất thảy là hơn 30 nhân khẩu, hộ nào rộng thì được chừng 20 - 25 m2 cả cơi nới, hẹp thì 6 – 10 m2, tất cả chung nhau một gian bếp nhỏ, một nhà tắm và một nhà vệ sinh.
|
“Hồi trước, đi vệ sinh là cực hình của người xóm này. Từ khi những hộ diện tích rộng xây nhà vệ sinh riêng, việc đi vệ sinh cũng đỡ vất vả. Nhưng thỉnh thoảng, buổi sáng, cảnh xếp hàng đi vệ sinh vẫn tái diễn. Nhà mình chật chội thế này chỗ đâu mà xây”, chị Nga nói.
Cùng ở phố Hàng Bè này còn có nhiều nhà khác cũng có tình trạng này như số nhà 16, 20, 18, 31… “Đặc biệt là số nhà 31, có 5 hộ với gần 30 người hiện giờ vẫn chung nhau một nhà vệ sinh. Mà bên đó vẫn dùng loại “cổ” nhất ở Hà Nội: Nhà vệ sinh thùng (nhà vệ sinh có 2 ngăn nhỏ, đầy bên nào thì đậy lại chờ múc, đi bên kia - PV), bẩn thỉu, mùi khiếp lắm”, vừa tiễn chúng tôi ra ngõ chị vừa cho biết.
Người đàn ông bán trà đá ban nãy thấy chúng tôi đi ra, vỗ vai bạn tôi bảo: “Tào Tháo đuổi ở đây còn đỡ chứ đuổi ở phố Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào thì chạy đằng trời. Trên các phố đó, đi vệ sinh còn khổ hơn ở đây nhiều”. Anh kể, nhà chị gái ở đầu phố Hàng Khay, cũng chật chội nhưng đi vệ sinh lại “sướng” hơn ở đây nhiều.
“Có lần mình lên đó chơi, cậu con trai buồn vệ sinh, thế là chị dẫn sang bên trung tâm thương mại Tràng Tiền (24 Hai Bà Trưng) đi nhờ. Chị ấy bảo, dân quanh khu đó toàn thế, vừa sạch, lại không phải chờ đợi. Tuy bất tiện là phải đi hơi xa” anh bán trà đá kể.
(còn tiếp)
Đan Hạ
>> Đọc chuyện làm dâu phố cổ Hà Nội ngẫm về giấc ngủ trăm lượng vàng ở Sài Gòn
>> Chuyện làm dâu phố cổ gây ngỡ ngàng vì thực tế quá phũ phàng
Bình luận (0)