Bị “tra tấn” đủ đường…
Đầu tháng 8.2016, PV Thanh Niên đã cùng đoàn công tác của Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh vào hiện trường các mỏ khai thác đất, đá tại thôn Phước Thuận. Khủng khiếp nhất là cảnh bụi tung mù mịt khi có ô tô chạy qua. Người đi đường phải bịt kín mũi, cây cối hai bên đường dường như không còn màu xanh, xơ xác vì bị bụi bám. Ông Huỳnh Bá Tú người dân trong thôn lắc đầu: “Ô nhiễm không khí tại Hòa Nhơn tỷ lệ thuận với sự phát triển của TP.Đà Nẵng. TP phát triển bao nhiêu thì việc đánh mìn khai thác đá, đất gây ra ô nhiễm vì khói bụi càng tăng lên bấy nhiêu”. Theo ông Tú, người dân Phước Thuận không chỉ khổ vì bị bụi “tra tấn” mà hằng ngày, họ còn phải gánh chịu những tiếng nổ lớn, khói thuốc từ những vụ nổ mìn khai thác đá.
Ông Đinh Ngọc Ngô ở thôn Phước Thuận cho biết thêm, người dân trong thôn còn phải đối mặt với việc thiếu nước sinh hoạt do nguồn nước giếng đã bị ô nhiễm. Theo phản ánh của người dân, đường ống cấp nước sạch đã được đưa về thôn nhưng không rõ lý do gì mà vẫn chưa đưa vào sử dụng. Theo UBND xã Hòa Nhơn, hiện toàn xã có khoảng 30 ha đất nông nghiệp không thể sản xuất được do bị bồi lấp bởi hoạt động khai thác đất đá.
Chiều 25.8, ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết từng có ý kiến về việc di dời hơn 100 hộ dân thôn Phước Thuận để quy hoạch khu vực đồi núi trong thôn thành khu khai thác mỏ, tuy nhiên hiện vẫn chưa có ý kiến chính thức. Về việc thiếu nước sạch, theo ông Phát, hiện đường ống dẫn nước đã đi đến khu vực có dân cư nhưng do áp lực nước yếu nên vẫn chưa thể đưa từ nhà máy nước Cầu Đỏ về thôn Phước Thuận. “Hiện TP đang làm một trạm bơm trung chuyển và đã triển khai thi công được 10 ngày, dự kiến 10 ngày nữa sẽ đi vào hoạt động, cấp nước cho dân”, ông Phát nói.
Trách nhiệm của doanh nghiệp
Ông Nguyễn Tấn Phát cho biết thêm giải pháp di dời dân là giải pháp lâu dài nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến nên trước mắt, ngành chức năng địa phương phải tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định trong khai thác, đảm bảo phun nước vào các giàn máy nghiền đá để không phát sinh bụi. “Phương án nữa là làm các đường công vụ để doanh nghiệp vận chuyển đất đá không đi vào khu vực có dân cư. Họ phải né khu dân cư để không gây ra khói bụi”, ông Phát nói. Vấn đề ô nhiêm môi trường tại thôn Phước Thuận đã tồn tại nhiều năm qua. Mới đây sau chỉ đạo “làm thế nào để hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến môi trường, đến cuộc sống của nhân dân” của Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng đã vào cuộc quyết liệt.
Ngày 25.8, Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng cho biết, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đã có kết luận cuộc họp xử lý ô nhiễm môi trường và hướng tuyến đường công vụ ra vào thôn Phước Thuận. Theo đó, TP giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan và chỉ đạo Viện Quy hoạch Xây dựng khẩn trương thiết kế, lập sơ đồ ranh giới và lập dự toán nâng cấp, gia cố xây dựng 2 tuyến đường công vụ, cầu rửa xe cho các phương tiện vận chuyển vật liệu tại khu vực thôn Phước Thuận. Sở Xây dựng TP thông báo kinh phí đóng góp cụ thể của từng doanh nhiệp và nộp vào tài khoản của UBND H.Hòa Vang trước ngày 10.9 để thực hiện.
Cũng theo kết luận này, ông Thơ còn yêu cầu Sở GTVT nghiên cứu lắp đặt các biển báo hạn chế tốc độ tại tuyến đường vào mỏ đá Hòa Nhơn để đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn giao thông cho dân cư tại khu vực. Đối với các đơn vị khai thác khoáng sản phải chấp hành nghiêm các quy định trong giấy phép khai thác được cấp, có trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở chấn chỉnh lại đội ngũ lái xe chấp hành nghiêm các quy định về chở đúng tải trọng, tốc độ cho phép, che chắn không gây rơi vãi… trong quá trình vận chuyển; đóng góp kinh phí tưới nước để giảm thiểu ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…
Bình luận (0)