Sống khỏe mà rẻ khi du học

28/06/2014 02:00 GMT+7

Bên cạnh học phí, một trong những mối lo lớn nhất của du học sinh, đặc biệt ở Mỹ, là chuyện ăn, ở. Tuy nhiên, nếu biết cách, du học sinh vẫn có thể ăn ngon, sống tốt mà không quá tốn kém.

Ở khỏe

 
Nếu biết cách, du học sinh sẽ không tốn nhiều tiền khi đi chợ mua sắm cho các bữa ăn của mình - Ảnh: Thủy Tiên 

Kinh nghiệm từ các du học sinh ở Mỹ cho thấy có bao nhiêu tiền sống cũng được, tùy hoàn cảnh của mỗi người mà chọn kiểu sống thích hợp cho bản thân.

“Nếu có điều kiện, bạn nên ở ký túc xá (dormitory). Tuy giá khá cao (trên dưới 1.000 USD) nhưng bù lại không phải bận tâm nhiều về chỗ ở, ăn… và quan trọng hơn, trong môi trường này bạn bắt buộc phải nói tiếng Anh. Điều này giúp khả năng ngoại ngữ của bạn tiến bộ rất nhanh”, Hoàng Thị Thảo - cựu sinh viên ĐH Washington đưa ra lời khuyên.

Cách khác là ra ngoài thuê phòng. Tùy theo bang, một căn hộ loại một phòng ngủ có giá từ 450 USD (Texas) đến 750 USD (Washington) hoặc cả ngàn USD (New York). Ở kiểu này có ưu điểm là sự riêng tư cao. Tuy nhiên, bạn sẽ phải nhức đầu với mớ thủ tục, giấy tờ, hóa đơn… Điều này có thể gây khó khăn cho những bạn trình độ tiếng Anh còn hạn chế. “Muốn riêng tư nhưng tiết kiệm hơn, bạn nên share phòng (thuê lại một phòng trong căn hộ). Những thông tin này bạn có thể vào trang web  www.craigslist.org hoặc trên bảng thông báo của trường. Điều cần lưu ý là nên share phòng với sinh viên Mỹ hoặc châu Âu để luyện tiếng Anh”, Nguyễn Văn Tuấn (Trường CĐ Cộng đồng Shoreline, TP.Seattle) cho biết.

Ở khu đông người Việt như quận Cam (California), Houston, Dallas (Texas), Seattle (Washington), không khó để tìm thuê một căn phòng bao đầy đủ điện, nước, internet giá chỉ từ 250 - 350 USD. “Bạn cứ việc ra chợ lấy mấy tờ báo miễn phí của người Việt, có rất nhiều mẩu rao cho thuê phòng. Ở kiểu này tuy rất rẻ nhưng ngược lại sẽ không có cơ hội nói tiếng Anh thường xuyên. Nhiều khi tiếc vài trăm đô, nhưng qua Mỹ mà chỉ nói tiếng Việt thì ở nhà cho rồi”, Nguyễn Trung Tín (ĐH Houston, Texas) nói.

Ăn rẻ

Tiền chợ ở Mỹ rẻ hơn VN. Nghe khó tin, nhưng đó là sự thật. Ở Mỹ, đi ăn nhà hàng hơi tốn tiền vì công lao động, phí dịch vụ đắt nhưng nếu chịu khó đi chợ, nấu nướng thì cực rẻ. Mua thịt, sữa, trứng, nên đến chợ Mỹ. Mua rau và gia vị nấu ăn thì ra các chợ VN.

Nếu lười nấu ăn, bạn có thể ra siêu thị mua thức ăn làm sẵn (khi ăn chỉ cần bỏ vào lò vi sóng). Một phần thức ăn gồm: một đùi gà, khoai tây nghiền, đậu có giá chỉ… 1 USD. Một con gà quay sẵn giá 5 USD (khoảng 100.000 đồng), sữa chừng 2,5 USD/gallons (khoảng 14.000 đồng/lít). “Chịu khó lấy những tờ quảng cáo tại chợ vì thường có coupon giảm giá. Đồng thời, đừng quên lấy thẻ thành viên miễn phí. Có thẻ này, mua đồ ăn sẽ rẻ hơn nhiều. Một tháng, tiền chợ của tôi chỉ trên dưới 100 USD. Ăn ngày ba bữa, thịt, rau, sữa đầy đủ”, Trần Thanh Mai (Trường CĐ Cộng đồng Houston, Texas) chia sẻ kinh nghiệm.

Ngay cả khi “ngặt nghèo” quá, bạn vẫn có thể vào Google tìm địa chỉ Food Bank (ngân hàng thực phẩm) gần nhất để nhận đồ ăn miễn phí. Chỉ cần trình ID (chứng minh nhân dân), bạn sẽ được phát thực phẩm (có cả cho người ăn chay, ăn kiêng) đủ ăn cả tuần. “Ăn hết ra lấy tiếp, không bao giờ sợ đói. Tuy nhiên, Food Bank là nơi dành cho người nghèo, vô gia cư. Vì thế, trừ khi “bí lối” quá, chứ thanh niên có sức khỏe chẳng ai vào đây cả”, Brian Nguyễn, Việt kiều tại quận Cam (California) cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm

Muốn mua sắm áo quần, vật dụng trong nhà, bạn nên đến cửa hàng Goodwill (hệ thống cửa hàng bán đồ cũ, giá rẻ lớn nhất nước Mỹ). Tại đây, không khó để mua được những bộ đồ hiệu nổi tiếng với giá vài USD; bàn, ghế, ti vi, lò vi sóng... giá rẻ hơn gấp mấy lần. Chưa kể, tại Goodwill mỗi ngày có vài mặt hàng giảm giá thêm từ 30 - 50%. Một mánh nhỏ là nên chọn những cửa hàng Goodwill nào gần khu người Mỹ da trắng và khu nhà giàu vì họ thường mang tặng Goodwill những đồ còn rất mới và xịn.

Trương Phan Bảo Định
(Sinh viên Trường ĐH Bellevue, Washington, Mỹ)

Thủy Tiên

>> Du học sinh Việt Nam tại Nga tuần hành hướng về biển Đông
>> Du học sinh Việt Nam ở Úc kêu gọi ký tên vào kiến nghị thư gửi LHQ
>> Giao lưu trực tuyến với du học sinh
>> Du học sinh làm thêm ở Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.