Sống khốn khổ bên cạnh mỏ đá

12/01/2015 09:35 GMT+7

Hàng trăm người dân sống cạnh các mỏ đá ở Đồng Nai phải chịu đựng mìn nổ làm đá văng trúng người, trúng nhà; xe quá tải cày nát đường giao thông, ô nhiễm môi trường…

Hàng trăm người dân sống cạnh các mỏ đá ở Đồng Nai phải chịu đựng mìn nổ làm đá văng trúng người, trúng nhà; xe quá tải cày nát đường giao thông, ô nhiễm môi trường…

Hòn đá nặng 4,5 kg văng vào nhà dân, được bà Nguyễn Thị Ngọc Mai giữ lại làm "kỷ niệm"
  Một trong hai thùng container được chủ mỏ đá đưa tới làm nơi trú ẩn cho người dân khi nổ mìn - Ảnh- Lê Lâm
Xưa trú bom, giờ trú đá!
Theo báo cáo của Sở TN-MT Đồng Nai, hiện nay trên địa bàn có 43 mỏ khai thác khoáng sản với diện tích 1.692 ha (6 mỏ do Bộ TN-MT cấp, 37 mỏ do UBND tỉnh Đồng Nai cấp), trong đó có 31 mỏ đá xây dựng. Ngoài ra, còn có 35 mỏ hết hạn khai thác nhưng được cho phép tận thu và cải tạo kết hợp tận thu.
Trưa 21.10.2014, ông Phạm Văn Bông (50 tuổi, ngụ tổ 9, ấp Thiên Bình, xã Tam Phước, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đang ngồi hóng mát ở hiên nhà thì bỗng nghe tiếng nổ lớn phát ra từ mỏ đá An Phát, cách nhà khoảng 150m. Ngay lập tức, một viên đá nặng gần 2 kg rớt xuyên qua mái tôn, rơi trúng vai ông Bông khiến nạn nhân ngất xỉu tại chỗ. Ngay sau đó, ông Bông được đưa đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị dập phổi, gãy xương đòn. Sau 11 ngày điều trị, ông Bông được xuất viện. Đến ngày 4.11.2014, ông Bông phải nhập viện để mổ, sắp lại xương. Tỷ lệ thương tật được giám định là 29%. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Bông cho biết: “Sau khi xảy ra vụ đá rơi người, chủ mỏ đá có đến hỗ trợ cho tôi 32 triệu đồng. Đến nay, vết thương của tôi vẫn chưa khỏe hẳn, ăn rồi nằm một chỗ chứ không làm gì được”.
Theo ông Bông, tại khu vực ông sinh sống có 5 mỏ đá đang hoạt động. Mỗi khi sắp nổ mìn là các mỏ đá cho người hú còi báo động. Tuy nhiên, để hạn chế tiếng ồn và bụi từ các xe chở đá bay vào nhà nên ông Bông luôn cho đóng cửa, chính vì thế mà ông không nghe được tiếng báo động. “Sau lần tôi bị đá rơi trúng, mỏ đá đã đưa tới khu vực này 2 thùng container đặt ngoài cạnh đường cho dân trú ẩn. Nhìn cảnh tượng này không khác gì thời chiến tranh, khi xưa trú bom, giờ trú đá”, ông Bông lắc đầu ngao ngán.
Cách nhà ông Bông chừng 50 m, nhà bà Nguyễn Thị Ngọc Mai trước đây 5 tháng cũng bị một cục đá nặng 4,5 kg rớt ngay mái hiên, may mắn là không trúng ai. Hiện bà Mai vẫn đang giữ cục đá để làm… kỷ niệm. “Nó rơi hoài à, cứ nổ mìn là đá rơi. Khi thì rơi ngoài vườn, khi rơi trúng nhà. Ở đây có nhiều người suýt chết vì đá rơi sát bên người”, bà Mai nói. Cũng theo bà Mai, các mỏ đá một tuần nổ mìn 1 hoặc 2 lần. Khi nổ sức ép làm nhà cửa rung bần bật, gây nứt nẻ, có khi còn bể cả bóng đèn. “Một số người chịu không nổi cuộc sống cực khổ này đã bỏ đi nơi khác. Tôi cũng sợ lắm, nhưng không có tiền mua nhà nơi khác. Hơn nữa, nhà đất ở khu vực này bán cũng chẳng ai dại mò vào đây mua”.
Khổ đủ đường
Sau công đoạn nổ mìn, người dân sinh sống xung quanh các mỏ đá bắt đầu đối diện với xe tải ben “quần thảo”, vận chuyển vật liệu xây dựng làm hư hỏng đường xá. Bằng chứng rõ nhất cho thấy nỗi bức xúc quá sức chịu đựng, khi mà vào tháng 9.2014 người dân ở trên tuyến đường Tân Cang (đoạn qua ấp Hương Phước, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đã 2 lần rào đường, ngăn chặn xe ben chở đá lưu thông.
“Đây là con đường nhỏ, dân cư sống 2 bên rất đông. Từ khi xe tải ben vận chuyển đá từ các mỏ đá ở khu vực Tân Cang chạy qua tuyến đường này đã làm nó xuống cấp trầm trọng, tạo vô số ổ gà, ổ voi … gây nên cảnh bụi mù mịt khi trời nắng và sình lầy khi trời mưa. Ngoài ra, những chiếc xe ben chở đá này luôn là nỗi bất an cho người dân vì chúng phóng rất nhanh và từng đoàn nối đuôi nhau, choáng hết mặt đường, gây ra rất nhiều vụ tai nạn chết người. Cực chẳng đã người dân chúng tôi mới ra đường chặn xe”, một người dân xã Phước Tân, bức xúc nói.
Còn đối người dân ở xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) thì ngoài nỗi khổ vì tiếng ồn, bụi bặm thì các mỏ đá còn gây thiệt hại về kinh tế. Ông Nguyễn Văn Nhỏ (ngụ ấp 2, xã Thiện Tân) trình bày: “Từ lúc con đường 768 này làm ngon lành mấy chiếc xe ben chở đá chạy như bay làm đá rơi vương vãi xuống đường và bụi mù mịt. Một ngày tôi phải xịt nước trước mặt đường và hiên nhà cả chục lần để hạn chế bụi. Vườn cây chôm chôm thì bị bụi đá bám đầy nên ra hoa nhưng không thể đậu trái được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.