Cụ Trần Thị Tiến (82 tuổi) bỗng đứng dậy bỏ về khi các nghệ sĩ của Giáo phường Đình làng Việt tại đình Hà Hồi (H.Thường Tín, Hà Nội) vẫn đang say sưa hát. “Lưng cụ đã còng gập xuống, phải chống gậy lần từng bước nhưng dáng vẫn rất tất tả làm nhiều người nhìn theo đầy ái ngại. Không lẽ vì buổi biểu diễn không hay? Một lúc sau cụ trở lại, tiến tới thả tiền vào cái rá đựng tiền thướng. Hóa ra cụ về nhà lấy tiền ủng hộ cho những cô Thị Màu, anh Nô của chiếu chèo sân đình. Rồi cụ nói lâu rồi mới được xem chèo hay như vậy”, NSƯT Đoàn Thị Thanh Bình, quản giáp (người đứng đầu) Giáo phường Đình làng Việt mới thành lập hồi Tết Nguyên đán 2017, nói.
Ngoài bà Bình, giáo phường còn có cố vấn nghệ thuật là NSƯT Vũ Ngọc, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đoàn Lâm, họa sĩ Thành Chương và sự tham gia của 18 thành viên là giảng viên và học trò Khoa kịch hát dân tộc của Đại học Sân khấu điện ảnh và những bạn trẻ yêu nghệ thuật truyền thống. “Tôi được đình làng cảm hóa. Ở đình làng, chúng tôi được sống lại không khí của chiếu chèo sân đình. Ngày trước, chính các bậc tiền nhân và cả NSND Cả Tam - bà ngoại tôi, khi mới vào nghề đã từng diễn ở đình”, bà Bình nói. Cũng tại những ngôi đình làng, bà cùng nhiều học trò của mình cảm nhận được không khí khác hẳn những đêm diễn khác.
Không chỉ người diễn xúc động, người xem cũng rất mê những buổi diễn rất gần nghệ sĩ trong không gian nhỏ của đình làng. “Tôi nhớ, một thanh niên ở làng Bình Đà (H.Thanh Oai, Hà Nội) đã nói: Cháu mê chèo lắm. Cháu đã từng mua vé vào Nhà hát lớn xem chèo, nhưng xem ở sân đình nhà mình thích hơn nhiều”, bà Bình chia sẻ.
tin liên quan
Thổi sức sống cho đình làngNhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng nếu không đưa sinh hoạt cộng đồng vào đình, không gian đình sẽ mất hết sức sống.
Gìn giữ truyền thống
Việc thành lập giáo phường trong lòng nhóm Đình làng Việt cũng rất bất ngờ. Một lần, cả nhóm Đình làng Việt tới thăm đình Mỏ Nhài tại H.Bắc Sơn (Lạng Sơn). Khi đoàn dừng chân nghỉ bên bãi đất ven suối, cạnh chợ và mở chiếu hát rất ngẫu hứng, bà con từ các làng bản kéo đến xem rất đông, đem theo cả đàn tính ra hát then cùng các nghệ sĩ. “Từ buổi diễn đầy niềm vui này, các nghệ sĩ có thêm động lực để cùng nhau thành lập Giáo phường Đình làng Việt”, ông Nguyễn Đức Bình, sáng lập viên của nhóm Đình làng Việt, nói.
Hiện những buổi diễn ở sân đình của Giáo phường Đình làng Việt đều không bán vé. Nghệ sĩ có một chút tiền thướng nhỏ của người xem. Theo ông Đinh Quang Trung, quản trị viên của nhóm Đình làng Việt, ngôi đình VN đẹp về kiến trúc, mỹ thuật và linh hồn của đình chính là giá trị của những hoạt động cộng đồng tại đình, trong đó có các hoạt động diễn xướng dân gian. Những buổi diễn của giáo phường đã giúp người xem hình dung rõ hơn về giá trị sân khấu tuyệt vời cho nghệ thuật dân gian của ngôi đình. “Qua các buổi diễn, bà con cô bác hiểu thế nào là hát cửa đình trang nghiêm, là chèo sân đình sôi nổi và sinh động, được tiếp xúc trực tiếp với những nghệ sĩ hát xẩm rất giản dị và gần gũi. Trân trọng đình làng, họ cũng ý thức hơn về phong tục tập quán ở lễ hội quê hương họ”, ông Trung nói.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, Viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật quốc gia (Bộ VH-TT-DL) cho biết, Giáo phường Đình làng Việt dù chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về giáo phường xưa nhưng đã tiếp nối truyền thống biểu diễn văn hóa nghệ thuật ở đình làng. “Cái đình như một nhà hát nhân dân ấy. Nên biểu diễn ở đó là một nét truyền thống”, ông Hiền nói.
Bình luận (0)