Tại Nam Định, có cả một xã với hàng nghìn hộ dân bền bỉ với nghề làm nón lá, vật dụng tạo ra nét duyên dáng, tần tảo đặc trưng của người phụ nữ Việt.
Bà Nguyễn Thị Hinh (ngụ thôn Đào Khê Hạ) làm nón lá bán cho khách du lịch đến thăm làng nghề làm nón - Ảnh: H.L
|
Những ai từng đến xã Nghĩa Châu (H.Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) đều rất ấn tượng với phiên chợ quê họp hằng ngày ở đây. Vẫn có rau, gạo, thịt và những nhu yếu phẩm hằng ngày cho người dân trong xã, nhưng nổi bật ở phiên chợ này là nón được bày bán rất nhiều. Đâu cũng thấy bán nón và các nguyên phụ liệu để làm nón như lá cọ, mo nang, khuôn tre, nan nón, chỉ cước khâu nón...
70% người dân làm nón
|
Phiên “chợ nón” độc đáo này được hình thành từ chính nghề làm nón truyền thống của xã Nghĩa Châu. Theo ông Nguyễn Tiến Ninh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Châu, thì “chợ nón” cung cấp nguyên liệu cho vài xã khác của H.Nghĩa Hưng cũng làm nón như Hoàng Nam, Nghĩa Minh, Nghĩa Thái. Tuy nhiên, các xã này chỉ có một số hộ làm còn xã Nghĩa Châu mới là làng nghề chính.
Theo thống kê, xã Nghĩa Châu có 19 xóm, trên 2.000 hộ dân với khoảng gần 10.000 nhân khẩu thì có tới 70% người dân tham gia làm nón lá. Hai thôn của Nghĩa Châu có số hộ gia đình làm nón lá nhiều nhất là thôn Đào Khê Thượng (265/319 hộ làm nón) và thôn Đào Khê Hạ (350/441 hộ). Cũng theo ông Ninh, chiếc nón đã đem lại nét riêng cho một phiên chợ quê vùng này. Vài năm gần đây, số lượng người địa phương khác nghe tiếng đến thăm và mua nón lưu niệm tại “chợ nón” tăng nhanh. “Chợ nón” đã trở thành một điểm đến trong bản đồ tham quan, du lịch của H.Nghĩa Hưng nói riêng và của tỉnh Nam Định nói chung.
Đổi đời nhờ nón lá
Theo bà Trần Thị Hinh, một hộ làm nón có tiếng tại thôn Đào Khê Hạ, nghề làm nón ở xã Nghĩa Châu đã xuất hiện khoảng những năm 1940. Bắt đầu, nghề này chỉ xuất hiện ở một vài hộ gia đình nhỏ lẻ, nhưng đến nay đã lan ra khắp các thôn, xã. Những chiếc nón ban đầu được làm ra chỉ để thực hiện chức năng đơn thuần là che mưa, nắng, phục vụ các bà, các chị. Nhưng giờ đây nón lá Nghĩa Châu còn được làm để phục vụ việc cưới hỏi hay làm đồ lưu niệm tặng cho du khách.
Để tạo thành chiếc nón thanh thoát, bền đẹp không hề đơn giản. Lá nón mua về được tãi ra phơi nắng, hấp diêm sinh để lá có độ trắng ngà, không bị mốc khi gặp mưa. Xong công đoạn đó, người thợ đặt từng lá nón lên mặt lưỡi cày hay mặt xắt phẳng nung nóng, dùng búi giẻ vuốt cho lá phẳng ra. Những nan nón được cắt, vót, uốn thành 16 vòng tròn đồng tâm rồi xếp đều lên 6 sườn nón trên khung. Lúc này, những lá nón trắng nõn mới được lợp lên khung để khâu. Giữa hai lớp lá nón, thợ làm nón lót một lượt mo nang lạng thật mỏng để cố định lá nón và ngăn thấm. Sau cùng, thợ làm nón mới quét một lớp nhựa thông phủ bên ngoài để bít lỗ khâu.
Ông Ninh Văn Miễu, một hộ làm nón ở xóm 10, xã Nghĩa Châu, cho biết phải mất tới 15 công đoạn mới hoàn thành một chiếc nón, nhưng điểm đặc biệt của nón Nghĩa Châu là “10 chiếc làm ra đều chất lượng giống nhau y hệt, nón của 10 hộ xếp cùng thì chính chủ cũng không nhận ra đâu là nón của mình”. Lý giải nguyên nhân, ông Miễu cho biết mỗi người thợ nón ở Nghĩa Châu đều rất trân trọng nghề của mình và tuân thủ chặt chẽ từng bước, từng công đoạn để tạo ra chiếc nón.
Tại xã Nghĩa Châu, già trẻ, gái trai, ai cũng thành thục nghề làm nón, tùy thuộc vào độ tuổi mà sẽ làm những công đoạn khác nhau. Thanh niên thì chẻ tre, vót nan, phụ nữ thì chằm cọ, lợp nón, khâu nón. Người già, trẻ nhỏ cũng có thể tham gia vào những công đoạn đơn giản nhất để giúp gia đình, như tở lá, viền nón... Với người dân nơi đây, làm nón đã như một phần không thể thiếu trong cuộc sống bởi chính chiếc nón lá đã tạo ra sự đổi đời ở xã nông thôn thuần nông này. Nón có nhiều loại khác nhau, nhưng bình quân khoảng từ 20.000 đồng/chiếc. Trừ chi phí đầu tư từ 6.000 - 15.000 đồng/chiếc, một lao động có thể có thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày. Thống kê trong 5 năm gần đây, với mức sản xuất khoảng trên 50 vạn chiếc nón lá/năm, mỗi năm nghề nón lá thu lãi cho người dân Nghĩa Châu trên 30 tỉ đồng, cao hơn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.
Bình luận (0)