Bằng bàn tay khéo léo của mình, những người thợ của làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân (xã Ninh Vân, H.Hoa Lư, Ninh Bình) đã biến những tảng đá vô tri trở thành tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng cả nét đẹp văn hóa của vùng đất cố đô.
Phụ nữ cũng tham gia chế tác đá - Ảnh: Đ.D
|
Ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng ban Quản lý làng nghề, thừa nhận không thể nhớ chính xác làng nghề chế tác đá Ninh Vân có từ năm nào, chỉ biết rằng thông qua một số bia cổ và cổ vật còn lưu giữ thì làng nghề đã có tuổi đời không dưới 400 năm.
Từ cha truyền con nối
Mặc dù có tuổi đời khá lâu như vậy, nhưng làng nghề chỉ thực sự thịnh phát khoảng 20 năm trở lại đây, khi nhu cầu về các sản phẩm bằng đá của người dân tăng cao. Theo thống kê, hiện nay Ninh Vân có 60 doanh nghiệp, 450 tổ hợp sản xuất và 1.600 hộ chế tác đá, với hơn 3.000 lao động, chiếm 83% lao động trong toàn xã. Tổng doanh thu của làng nghề năm 2014 đạt hơn 200 tỉ đồng.
Trước đây, việc duy trì và phát triển làng nghề Ninh Vân chủ yếu theo hình thức cha truyền con nối, vì thế tại làng nghề có rất nhiều gia đình nhiều đời làm nghề chế tác đá. Ông Lương Văn Bẩy, chủ một cơ sở chế tác đá chia sẻ, đến đời ông là 7 đời theo nghề này. “Từ hồi 13 - 14 tuổi tôi đã phụ giúp ông nội và bố làm nghề. Lúc đó hầu hết là làm thủ công, vất vả lắm. Cũng chính từ lúc đó tôi đã có ý nghĩ sau này lớn lên sẽ mở một xưởng chế tác của riêng mình nhưng phải làm thế nào để công việc đỡ vất vả hơn và bây giờ tôi nghĩ mình đã làm được điều đó”, ông Bẩy nói.
Hiện nay cơ sở của ông Bẩy là một trong những cơ sở lớn tại Ninh Vân với 20 thợ làm thường xuyên. Mọi công việc từ xẻ đá, chạm khắc, đục đẽo hầu như được thực hiện bằng máy. Thu nhập bình quân của thợ đá đạt 5 -6 triệu đồng/người/tháng và doanh thu của cơ sở luôn đạt trên 4 tỉ đồng/năm.
Để làng nghề ngày càng phát triển bền vững, từ năm 2000 xã Ninh Vân đã chủ động liên kết với Trường cao đẳng Mỹ nghệ Nam Định đào tạo từ 30 - 40 thợ làm đá mỹ nghệ bậc 3/7 mỗi năm. Đến nay, đã có gần 500 thợ ra trường phục vụ cho làng nghề và có 8 thợ bậc cao được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận là nghệ nhân chế tác đá cấp tỉnh.
Sản phẩm của làng nghề đã có mặt trên khắp cả nước như: tượng đài Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, tượng đài Thanh niên xung phong (ở Quảng Trị), tượng Mẹ Suốt (Quảng Bình), tượng Bác Hồ (Nghệ An, Vĩnh Phúc)… ngoài ra còn xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ, châu Âu. Riêng tại Ninh Bình, các công trình mang ý nghĩa của tỉnh đều có dấu tay những người thợ chế tác Ninh Vân như: nhà thờ đá Phát Diệm, đền thờ vua Đinh - vua Lê, cổng chào khu du lịch Tam Cốc - Bích Động...
Đến quy hoạch tập trung
Thấy được giá trị của nghề xưa, đồng thời chính cái nghề truyền thống ấy đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế nên hiện nay hầu hết người dân Ninh Vân đã yên tâm gắn bó với nghề của cha ông để lại. Không chỉ có nam giới, phụ nữ Ninh Vân tham gia chế tác đá ngày càng nhiều.
Chị Nguyễn Thị Liên, làm nghề chế tác được hơn 10 năm, nói: “Trồng lúa thì phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết nên cuộc sống cũng bấp bênh. Bây giờ làm nghề đá cho thu nhập ổn định hơn rất nhiều, bình quân mỗi tháng tôi cũng được 5 - 6 triệu đồng. Vì làm theo sản phẩm nên khi nào mệt thì mình nghỉ, nên cũng thoải mái”.
Anh Bùi Minh Tú, trước đây làm nghề chở vật liệu bằng xe công nông, sau khi xe công nông bị cấm lưu hành thì anh mua ô tô tải để tiếp tục nghề cũ nhưng thu nhập cũng khá thất thường nên đã chuyển sang nghề làm đá. “Ban đầu cũng nản vì nghề này không chỉ vất vả mà còn rất bụi bặm, suốt ngày đầu tóc, quần áo trắng xóa vì bụi đá. Nhưng bây giờ khi đã quen nghề, nhìn những sản phẩm của mình được người tiêu dùng tin tưởng, chấp nhận lại thấy vui vui. Mặt khác đây cũng là cái nghề truyền thống của cha ông nên mình cũng phải có trách nhiệm gìn giữ và phát triển”, anh Tú chia sẻ.
Trước sự phát triển ngày càng lớn mạnh của làng nghề, năm 2005 UBND tỉnh Ninh Bình đã triển khai quy hoạch làng nghề tập trung sản xuất đá mỹ nghệ với diện tích 23 ha nhưng bước đầu mới thực hiện được 11 ha. Hiện tại sản phẩm của làng nghề đã đáp ứng được hầu hết nhu cầu của khách hàng. Thời gian tới, làng nghề có kế hoạch tập trung thêm vào các sản phẩm nhỏ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch làm quà tặng.
Chế tác những linh vật thuần Việt
Sau khi có khuyến cáo của Bộ VH-TT-DL về việc ngừng chế tác linh vật ngoại lai, làng nghề đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng chế tác linh vật Việt, tiêu biểu là mẫu nghê đá tại đền thờ vua Đinh - vua Lê, một trong những mẫu được Bộ VH-TT-DL đồng ý cho sản xuất. Ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng ban Quản lý làng nghề, khẳng định:“Hiện nay thợ làng nghề Ninh Vân đã chế tác được hầu hết các mẫu linh vật thuần Việt, một số thợ của chúng tôi còn chế tác được cả rồng thời Lý, Trần. Chỉ cần khách hàng có nhu cầu là chúng tôi có thể đáp ứng được hết”.
|
Bình luận (0)