Sóng ngầm giữa Ấn Độ Dương

19/05/2013 03:15 GMT+7

Không ồn ào như tranh chấp lãnh thổ trên đất liền, nhưng cạnh tranh ảnh hưởng giữa Ấn Độ với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương cũng rất căng thẳng.

Hầu hết các dự báo mới nhất của những tổ chức, chuyên gia kinh tế quốc tế đều có cùng nhận định châu Á sẽ quyết định tương lai của thế giới trong thế kỷ 21. Đặc biệt, Ấn Độ cùng Trung Quốc, vốn là láng giềng của nhau, sẽ đóng vai trò tiên phong. Đây chỉ là một trong rất nhiều điểm tương đồng giữa hai cường quốc châu Á này.

“Liên minh kim cương” và khu vực Mỹ - Ấn phát hiện tàu ngầm “lạ” -
“Liên minh kim cương” và khu vực Mỹ - Ấn phát hiện tàu ngầm “lạ” - Đồ họa: Hoàng Đình 

Duyên nhiều, nợ cũng không ít

Những năm gần đây, khối các nền kinh tế đang nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) dần trở thành một thế lực đối trọng với nhóm các nước công nghiệp phát triển mà chủ yếu là phương Tây. Thông qua BRICS, cả New Delhi lẫn Bắc Kinh đều tìm cách chứng minh vị thế đang lên của mình. Quan hệ giao thương hai bên cũng rất tốt, ước tính kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỉ USD vào năm 2015, theo tạp chí Time. Về dân số, chỉ Ấn Độ và Trung Quốc vượt mốc một tỉ người. Tại châu Á, cũng chỉ hai nước này được trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và cùng có tàu sân bay cỡ lớn, thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa. Vì thế, New Delhi cùng Bắc Kinh đang dần vươn mình trở thành những thế lực quân sự hùng mạnh đối với thế giới.

 

Ấn Độ mạnh là lợi ích của Nhật Bản, và Nhật Bản mạnh là lợi ích của Ấn Độ

Theo thông cáo chung của Hội nghị thượng đỉnh Nhật - Ấn

Đó là những điểm tương đồng giữa hai nước. Thế nhưng, quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh đến nay vẫn bị phủ bóng bởi tranh chấp lãnh thổ, với cao trào đỉnh điểm trong quá khứ là cuộc chiến tranh biên giới trên bộ hồi năm 1962. Cũng như nhiều láng giềng khác của Trung Quốc, Ấn Độ không ít lần than phiền Bắc Kinh thường có những động thái gây căng thẳng ở biên giới. Mới đây, tranh chấp lãnh thổ hai bên bùng phát căng thẳng sau khi Ấn Độ cáo buộc hàng chục binh sĩ Trung Quốc hồi giữa tháng 4 xâm nhập vào vùng Ladaks do New Delhi kiểm soát. Đến đầu tháng 5, Reuters dẫn lời một sĩ quan Ấn Độ tiết lộ căng thẳng cuối cùng đã tạm lắng.

Thế nhưng, căng thẳng giữa hai quốc gia tỉ dân đâu chỉ có trên đất liền, khi mà New Delhi liên tục bày tỏ sự lo ngại về việc Bắc Kinh đang mở rộng hiện diện ở Ấn Độ Dương. Nguyên cớ bắt đầu từ việc Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ tham vọng vươn ra các vùng biển. Trong đó, Ấn Độ Dương đóng vai trò quan trọng khi có các tuyến hàng hải then chốt đối với nguồn cung cấp dầu và khí đốt rất cần thiết cho Trung Quốc đang “háu đói” năng lượng. Các tuyến hàng hải này nối khu vực Trung Đông, vượt eo biển Malacca rồi xuyên qua biển Đông để đến Trung Quốc. Đây cũng là một trong các lý do quan trọng khiến Bắc Kinh thèm khát độc chiếm biển Đông.

Tất cả, không còn là nhận định chủ quan, vì Trung Quốc thực tế đang tăng cường hiện diện trên Ấn Độ Dương.

Đã đến là không về

Hồi đầu tháng 4, báo Hindustan Times dẫn một báo cáo được giải mật từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ tiết lộ trong năm 2012, hệ thống định vị dò tìm của nước này và Mỹ phát hiện ít nhất 22 lần tàu ngầm “lạ” hiện diện ở Ấn Độ Dương. Theo đó, cả Washington và New Delhi đều nhận định số tàu ngầm “lạ” thuộc Bắc Kinh. Tất nhiên, Trung Quốc vẫn giữ thái độ “im lặng là vàng” về vấn đề này. Theo Hindustan Times, lần phát hiện đầu tiên trong số đó xảy ra hồi tháng 8.2012 khi chiến hạm Mỹ - Ấn đang tuần tra chung tại Ấn Độ Dương. Đặc biệt, một tàu ngầm lạ từng bị “đánh hơi” khi chỉ cách quần đảo Andaman và Nicobar (Ấn Độ) 90 km. Tờ Time dẫn báo cáo từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ nhận định những diễn biến này là “đe dọa nghiêm trọng”. Cũng theo Time, vào năm 2006, Bắc Kinh bắt đầu chính thức triển khai chiến hạm đến Ấn Độ Dương với sứ mệnh tham gia các chiến dịch chống cướp biển của cộng đồng quốc tế. Đâu chỉ chống cướp biển, hải quân Trung Quốc còn tận dụng cơ hội để tăng cường khả năng hoạt động tầm xa. Từ đó, Bắc Kinh dần dần tăng cường hiện diện hải quân ở Ấn Độ Dương. Thậm chí, tàu chiến Trung Quốc lượn lờ đến cả Địa Trung Hải.

Lo ngại càng tăng lên đối với New Delhi khi Bắc Kinh đang hình thành “chuỗi ngọc trai” gồm một mạng lưới cơ sở hạ tầng cảng biển trải từ Bangladesh, Myanmar, Sri Lanka và Pakistan. Cuối năm 2011, AFP đưa tin Bắc Kinh đang xem xét thiết lập trạm tiếp vận ở đảo quốc Seychelles để chống cướp biển. Nhận định về thông tin này, giới chuyên gia cho rằng đây là diễn biến bước ngoặt khi Trung Quốc từ chỗ xuất hiện ở Ấn Độ Dương để “nghiên cứu khoa học” nay chuyển sang “hoạt động quân sự”. Tất nhiên, Bắc Kinh luôn “chối bay chối biến” và chỉ cho rằng những cảng biển trên nhằm mục đích dân sự hoặc hỗ trợ tiếp vận. Trong thực tế, nếu cảng biển đủ sức tiếp nhận tàu vận tải cỡ lớn thì chẳng khó khăn gì khi mở rộng hỗ trợ công tác quân sự. Vì thế, New Delhi có thừa lý do để lo ngại nguy cơ đối mặt bị 2 mũi giáp công của Bắc Kinh cả trên đất liền lẫn trên biển.

Liên minh kim cương

Tất nhiên, Ấn Độ Dương nổi sóng ngầm thì New Delhi đâu thể ngồi yên. Tháng 6.2012, website của Cục Thông tin báo chí Ấn Độ (PIB) đưa tin New Delhi và Tokyo vừa tổ chức tập trận hải quân song phương mang tên JIMEX 12 tại vịnh Sagami, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Để tham gia JIMEX 12, New Delhi điều động 4 chiến hạm gồm: tàu khu trục INS Rana, tàu hộ tống INS Shivalik, khinh hạm INS Karmuk và tàu tiếp tế INS Shakti; phía Nhật Bản tham gia bằng 2 tàu khu trục và một số máy bay trực thăng. Đây là cuộc tập trận chung song phương đầu tiên giữa 2 nước và được giới chuyên gia quốc tế nhận định như một minh chứng rõ ràng cho quan hệ Nhật - Ấn đang ngày càng khắng khít. Theo nguyên tắc “đồng bệnh tương lân”, cả Tokyo lẫn New Delhi đều đang lo ngại Bắc Kinh nên hai bên nỗ lực tăng cường quan hệ với nhau cũng là điều dễ hiểu.

Hồi tháng 11.2012, tại Hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 4 diễn ra ở TP.HCM, Phó đô đốc (nghỉ hưu) Hideaki Kaneda, Giám đốc Viện Okazaki của Nhật Bản, đã trình bày tham luận về việc Tokyo tăng cường liên minh an ninh hàng hải. Cụ thể, Nhật đang nỗ lực thúc đẩy 2 hợp tác đa phương hẹp là Nhật - Mỹ - Úc và Nhật - Mỹ - Ấn Độ lần lượt đóng vai trò như trục bắc - nam và trục đông - tây để đảm bảo an ninh hàng hải. Ông Kaneda còn trích dẫn thông cáo chung của Hội nghị thượng đỉnh Nhật - Ấn vào tháng 8.2007 khẳng định: “Ấn Độ mạnh là lợi ích của Nhật Bản, và Nhật Bản mạnh là lợi ích của Ấn Độ”. Ngoài ra, vào tháng 10.2008, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh thăm Nhật Bản và hai bên ký kết bản Tuyên bố chung về hợp tác an ninh Nhật - Ấn, xác định rõ sẽ cùng nhau triển khai nhiều hoạt động quốc phòng. Với những sự kiện này, New Delhi trở thành một phần quan trọng trong liên minh kim cương gồm: Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc. Chính vì thế, sóng ngầm đang tồn tại giữa Ấn Độ Dương chắc chắn sẽ khiến nhiều bên quan tâm. 

Ngô Minh Trí

>> Mỹ ủng hộ vai trò lãnh đạo của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương
>> Ấn, Indonesia, Úc hợp tác về Ấn Độ Dương
>> Song hành cùng Ấn Độ Dương
>> Phi thuyền Nga có thể rơi xuống Ấn Độ Dương
>> Những chuyển động ở Ấn Độ Dương
>> Thủy thủ Việt Nam kẹt trên Ấn Độ Dương
>> Động đất 7,5 độ richter, Ấn Độ Dương rung chuyển
>> Diễn tập đối phó sóng thần ở Ấn Độ Dương
>> Động đất tại Nhật Bản và Ấn Độ Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.