Sông người

21/08/2022 08:30 GMT+7

Tôi chuyển đồ về quê trong cơn mưa chiều, vậy là gần mười năm, ngày tôi ra đi cũng giống như hôm nay trở về, mọi thứ ít ỏi, lặng lẽ với một nỗi niềm da diết với quê hương, đã vừa cũ vừa mới.

Tôi rời Tiền Giang lần đầu tiên khi bước vào đại học, chiếc xe đạp, cái nón lá và chiếc áo bà ba của nội đã theo tôi rong ruổi trên từng con đường Sài Gòn. Tôi đã đi qua năm tháng nhớ nhà, nhớ quê và nội da diết trong lòng ngực. Sau này khi đi làm tôi lại càng mang trong tâm thức hình ảnh của quê hương, bao kỷ niệm nhắc nhớ trên từng trang nhật ký. Tôi có thói quen đi lang thang rồi nhìn theo những biển số xe phía trước, mỗi lần nhìn thấy số 63 thì lòng bỗng dưng vui lắm, rộn ràng lắm. Tôi vẫn nấu những bữa cơm dân dã như ngày nhỏ hay ăn cùng nội, nào là kho quẹt, canh chua, cá kho, mắm kho... Nhưng rồi bữa ăn thật buồn có lẽ vì thiếu đi người ăn cùng, hay tôi cố gắng cách mấy cũng không nấu được mùi vị của những món nội từng nấu cho tôi trong quá khứ.

Cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền

Độc Lập

Tôi rất tự hào khi nói về quê hương, khi tôi là người được sinh ra và lớn lên từ vùng sông nước; nên có thể vì vậy mà hình ảnh dòng sông trong tôi vẫn nguyên vẹn, dạt dào chở nặng phù sa của đứa con xa gửi về nơi chôn nhau cắt rốn. Nơi đó tôi từng được chở trên chiếc ghe đi hái lục bình, rau muống, bần chua, thêm ít cá sông là có ngay bữa cơm ngon lành. Nơi đó những ngày hè nước cạn, tôi đi mò chem chép và cá. Và sau này khi đi được nhiều nơi hơn, tôi vẫn mang bóng dáng sông Tiền, sông Hậu, sông Cái hòa vào dòng chảy của sông Bạch Đằng, Đồng Nai, rồi sông Hàn, sông Hương hay sông Thu Bồn đã từng nghe, đọc trong sách.

Càng đi, càng biết nhiều nơi thì tôi càng nghe hân hoan khi giới thiệu mình là người con của Tiền Giang, của vùng đất “chín rồng” và nghe thấm thía hơn từng dòng chảy quê hương vẫn ngày đêm trên ngực. Đã có những món ăn mỗi khi đi xa trở về tôi đều tìm đến để thưởng thức đầy đủ hương vị đặc trưng như hủ tiếu Mỹ Tho, bánh giá Gò Công... Tôi nhớ những bài ca dao, câu hát ru nội đưa tôi ngủ rồi khoảng trời tuổi thơ cứ nghe cải lương cùng nội, có lẽ tôi đã biết buồn từ rất sớm, câu vọng cổ đã đi theo tôi những ngày làm việc ngày đêm và khi tăng ca, trên đoạn đường khuya về đêm vắng, tôi biết rằng quê hương và tôi chưa bao giờ tách biệt và cách trở. Tiếng đàn vang lên đâu đó trên sông cùng câu hát ngọt lịm đã ru từng bước chân tôi vạn lý.

Dòng sông không chỉ cho con người thức ăn, cuộc sống mà còn bồi đắp cả linh hồn của những đứa con của sông.

Để dù ở chân trời nào thì cái phèn, cái bùn non vẫn vấn vương trong màu và mùi hương kỷ niệm. Tôi đi qua bao dòng sông để nên người và khao khát trọn vẹn giấc mơ được ấp ôm phù sa soi rọi chính mình, nghe mình đến dịu dàng từng giọt nước trong mênh mông. Để sống như sông. Để làm một dòng sông chỉ mong nghe được đầy đặn sự lớn ròng theo hơi thở của một cuộc đời đã vừa trôi nổi cái tên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.